Ngày trước tôi chỉ nghĩ đơn giản người già răng yếu thì cần mấy món ninh nhừ, ninh mềm. Nghĩ đến đó, chứ không sâu xa gì.
Hôm nay đọc lại một note cũ về tam hoá thì giật mình.
Hoả hoá hiểu nôm na là dùng nhiệt - lửa - để nấu chín thức ăn. Quá trình này chẳng liên quan quái gì đến cái thân của chúng ta. Nhưng thứ mang tên thức ăn khi đã kinh qua nó và được nhét vô mồm miệng rồi sau là chui xuống tác nghiệp trong hệ thống ruột rà bao tử đảm bảo cho quá trình ăn - tiêu hoá được đà thuận lợi. Cứ tưởng tượng ăn cái gì cũng sống, cũng cứng, cũng giòn, chưa tính vụ an toàn, dinh dưỡng chi chi thì chỉ cái mức độ sống và cứng của đồ ăn cũng đủ gây khó cho bộ gọng nhai và sau đó là cỗ máy tiêu hoá rồi.
Khẩu hoá chỉ cái động tác nhai. Không bàn đến ở đây nền nếp hay chuẩn mực "ăn nhẹ nói khẽ", vấn đề là cần nhai chậm, nhai kỹ, và văn vẻ chút nữa là cái động tác nhai thức ăn ngoài từ tốn còn cần nhịp nhàng. Tôi gọi vui là tu-răng, tu-gọng, tu-hàm. Ở công đoạn này của sự ăn, nhai thức ăn kỹ cũng là cách giúp giảm nhẹ cường độ làm việc của cỗ máy tiêu hoá tính từ hầu và thực quản.
Phúc hoá là cái sự hoá cuối cùng. Thức ăn được nhai, nghiền và nuốt sẽ tiếp tục chuyển hoá. Chỗ này đặc biệt lợi hại hay không là tuỳ vào cơ địa, căn cơ mỗi người. Có người dạ tốt, ăn sống tý nhai rối tý vẫn ung dung thản nhiên. Lại có người rón rén cẩn thận từ khâu hoả hoá đến khẩu hoá nhưng chẳng may sinh ra với hệ tiêu hoá kém thì cái nghiệp ăn xem ra có chút phần vất vả.
Lại nói thêm, người già, người già yếu, gần như trăm phần trăm có vấn đề răng lợi. Răng rụng, răng giả, răng móm mém thì chẳng chắc gì mà khẩu hoá hiệu quả. Vì thế cứ là cần thức ăn nhừ mềm hơn là mấy đồ sống sượng. Mà khi đã ý thức về hoả hoá và khẩu hoá như vậy thì cái phúc hoá cũng được hưởng phúc.
Kết luận, càng có tuổi càng cần chú ý đề cao cái sự nấu và ăn những món mềm và nhừ. Trước khi nói đến các quy tắc dưỡng sinh này nọ thì nội ba cái hoá này ai ai cũng có thể để ý và thực hành!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét