Sang Pháp biết Alex và Mẹ già của ông anh thì tôi choáng toàn tập. Khinh khỉnh, không. Kiêu ngạo, không. Lạnh lùng, không. Nhưng mà cộng ba món đấy lại với nhau và chia đều thì chắc là có.
Đi làm kiếm đồng tiền, va vấp nhiều, các hạng người dù không phải là quá phong phú sinh động nhưng đa dạng tiếp xúc có, cứ thế dần dà tôi khoái chí khám phá cái lợi ích của việc giữ cho mình được cái đầu lạnh và cái mặt lạnh.
Nhưng lý thuyết là vậy, còn thực hành và chạm tới đỉnh thành tựu thì khó lắm, nếu không nói là bất khả. Tôi càng giơ ra cái bản mặt nếu không phải là phởn phơ tưng tửng thì là quàu quạu lạnh lẽo, thì thực trong lòng xốn xang lên lên xuống xuống bất an, sợ hãi càng nhiều. Cái trải nghiệm này dù các bậc thầy tu tập hay vạn cuốn sách dạy cách sống ở đời có nói tới thì xét tới cùng chỉ là câu chữ ngoài thân. Con người cứ phải trực tiếp trải nghiệm, tự mình dằn vặt mới ngấm được cái sự khổ sở và nhu cầu giải thoát.
Thời gian trú dịch này cho tôi không ít lớp lang trải nghiệm. Mỗi lần cảm thấy trời sụp, cảm thấy đời mình lâm vào ngõ cụt thì rất mau lại thấy mình đang trong tư thế ngoảnh lại nhìn quãng đường đã qua. Rồi lại là tiếp tục nhìn ra một đống chướng ngại vật trước mắt. Có những chuyện ngoài thân. Song có những khó khăn hoá ra lại là chính tôi tự tạo cho mình, từ cái vực sâu psy đen tối của chính mình.
Tôi giống như người trong bóng tối lần sờ dây dẫn tìm ánh sáng. Dây dẫn đó là những người thân yêu, bạn bè; là nền tảng kinh nghiệm sống tích luỹ dày mỏng mỗi người mỗi khác; và đôi khi là chính tự nhiên sống động ngoài kia, biến hoá ảo diệu theo nhịp của các suy nghĩ chầm chậm, an tĩnh.

Tôi cũng hiểu thêm một lần nữa rõ rành hơn, cái vẻ bề ngoài lành lạnh của Alex và Mẹ già chính là biểu hiện của cái tâm an, cái tâm vững chãi, một cách đích thực. Thêm nữa là với mỗi cuộc đời cá nhân, thực đơn cho phép tu tâm xác thực không đồng dạng và ai cũng có sợi dây dẫn lối của/cho riêng mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét