Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

tiếp chuyện hậu-thổ tả và nhớ hà nội

(1)

Hè năm trước tôi đọc ở đâu đó về một cô nghệ sĩ tên Odette sống trong một studio nhỏ cạnh một bãi rác lớn ở New York. Tôi đoán cô hẳn là một trong số ngàn vạn nghệ sĩ sắp-chạm-ngưỡng-danh-tiếng ở xứ này.

Công việc sáng tạo của cô liên quan đến vẽ vời và đồ hoạ chi chi tôi không nhớ rõ cho lắm. Chuyện ấn tượng đối với tôi là cô viết nhật ký, một dạng dòng đời nhìn từ ô cửa sổ nhà mình. Cô miêu tả rất hay về mùi của bãi rác, về tiếng gió, về sắc trời, và đặc biệt nhất là một hai con chim thi thoảng ghé qua thăm viếng cái cây gần cửa sổ nhà cô.

Tôi đọc về cô Odette, về những quan sát, cảm nhận và ghi chép của cô và nghĩ, cuộc đời là thế đấy. Về căn bản với số đông, nghệ sĩ hay người phàm đặc cán mai về món mang tên nghệ thuật, nó cứ bình bình trôi qua mà không có mấy cao trào hay sự kiện mang tính tai nạn bất ngờ, kinh hãi thế tục nào.

Điều đó, xét về một phương diện nhất định, quả là một sự khó chịu lớn. Và nó cũng là một thách thức lớn cho việc sống ở đời. Sống cái cuộc sống bình thường, tầm thường, không sắc màu đặc biệt này, đó mới đích thực là bài tập triết học cuộc đời mang tính thách thức hơn cả.

(2)

Đùng một cái có sự kiện coronavirus. Và thế là mọi thứ đảo lộn tùm lum.

Qua mấy tháng ồn ào, giờ chuyện mang sắc li kỳ mới.

Nghe tin Hà Nội, xem ra như chưa từng có cuộc chia ly. Tất cả mọi thứ đều bình thường hay đang trên nhịp trở lại bình thường.

Với thói xỏ xiên và lảm nhảm cố hữu ăn sâu trong máu, tôi bắt đầu tự hỏi, có phải trí nhớ/ký ức của con người thời bốn chấm không luôn bị xao nhãng bởi vô vàn món công nghệ xung quanh này thực ngắn, thực nông (?)

(3)

Đúng là mấy cái giới được gọi là tinh hoa có không ít suy tư cùng thảo luận sâu sắc, đậm màu lý luận về các thách thức tầm vĩ mô. Có vài vị nếu không phải là ề à lý luận thì là véo von triết lý, đại ý rằng thì là mà covid-19 là một đánh dấu lịch sử quan trọng, là điều chúng ta [thực ra là các vị đó] cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và đưa ra các bài học tổng kết [thực không phải là về cái bệnh dịch thổ tả chết tiệt này mà là về cách họ đã chỉ đường dẫn lối nhân dân vượt qua cơn thử thách ra sao].

Nhưng với mấy ông bà chạy như thoi đưa trong tiết nhịp cơm áo gạo tiền của khu vực kinh tế phi chính quy, hỉ hả thành tựu hoá ra vô cùng đơn giản. Bà bán nước chè kiêm ghi số đề chỉ cần đặt được mấy cục gạch kê mông phục vụ cho đám dân công sở sau giờ ăn trưa, cái bọn người thực không mấy cần cốc trà loãng toẹt bằng một không gian một góc vỉa hè bên mép cống để có thể thả rông tán phét. Anh áo đỏ áo xanh xe ôm công nghệ chỉ cần có thể dựng xe chân chống giữa, ngả ngốn nằm ngó cái chim-lai của một em Hoa ngực to bán áo vú nào đó hay đơn giản là tót tỉa vài sợi lông trong lỗ mũi trước giờ hẹn chuyển tài liệu cho một quý cô văn phòng ở toà nhà sau lưng và không bị đám trật tự phường ngồi xe bán tải mini chạy qua mắng mỏ mày ngu nằm đúng cái lối lên hè.

Cao cấp hơn chút cái biển người chạm chân trực tiếp mặt đất vỉa hè và trực tiếp hít hà khói bụi thành phố vì cái sự cơm áo gạo tiền là giới khá giả chút chút hay đang trên đà thăng tiến xã hội. Các nam sửu nhi cùng đám cán bộ phòng sống đời ngày 8 giờ vàng ngọc gần như chẳng có việc gì làm ở mấy cái viện ngâm cứu quốc doanh cũ kỹ có thể phô bày tính nam hiếu chiến trước mấy cái màn hình PS coi như phê đủ. Lại các chị cán bộ văn phòng ban sở ngành sau một thời tự cấm túc trong nhà giờ sôi nổi xì-pa, làm móng, nhuộm tóc, váy xống loè xoè bê cả túi bự dắt díu nhau lên Phan Đình Phùng rồi qua chỗ cái hồ lớn hay dải đất ven sông để anh phó nháy thuê giá phải chăng làm cho một xê-ri ảnh đủ pót cả vài tháng, thế là đời vui.

Tôi nhớ các nhịp sống quen thuộc đó, nhớ cái mùi vị của những khoái chí hoan hỉ của một kẻ quan sát vô danh những thế giới, những con người đó. Và trong khi đu đưa cái nỗi nhớ nham nhở đó của mình, tôi thêm chút thấm thía sặc mùi triết học dzởm đời: sống yên tĩnh một cách chủ động và tự nguyện quả là khó.

Hà Nội - một nơi chốn có tên là "nhà"
(4)

Tôi không rõ lần này bài thực hành sống yên tĩnh một cách chủ động sẽ dẫn tôi đấy đâu. Điều tôi minh bạch với bản thân, đó là nó khó, nó nhọc nhằn!

Các bài tập khí công hay ngồi thiền ngắn đã thành nếp thì miễn bàn. Nhưng phần thời gian còn lại của ngày, dài lê tha lê thê, thì tôi rốt cuộc vẫn là kẻ lăng xăng, xao động không thuốc chữa trị.

Tôi có thể mượn cớ mất toi cái kính đọc sách rồi hay thiếu phương tiện sách vở bên cạnh để bao biện cho việc để bản thảo và mấy cuốn sách đọc gần như là mốc meo trong xó. Nhưng bao biện loanh quanh đến đâu cũng vẫn là bao biện. Vấn đề chính yếu của tôi lúc này là đột nhiên tôi phát hiện, hoá ra tôi chẳng có một ý niệm rõ ràng gì về cuộc đời của chính mình, về ý nghĩa của nó, về những giá trị của nó.

Tôi nhớ một bậc thầy chuyên món ZaZen có nói một câu đại ý ông thuộc thế hệ nổi loạn [68's], hung hăng đủ trong đời và với đời rồi thì bắt đầu công cuộc tìm kiếm sự yên bình tâm linh. Còn những thế hệ sau ông, thực sự họ chẳng có gì và chẳng có ai [kẻ thù] để mà tranh đấu. Nên ngay cả việc có lấy một cái thứ gọi tên là "động cơ" tìm kiếm yên bình tâm linh đối với họ đã là một thách thức to đùng rồi.

Cái bẫy đời tằng tằng trôi mới thật gớm ghiếc làm sao!

(5)

Tôi tiếp tục cái routine thường nhật của mình, lọ mọ trong bếp, bới đất làm vườn, khâu khâu vá vá, và thi thoảng mặt mày sưng sỉa lên cơn tủi thân chốc lát.

Cho đến giờ, cái công thức "chân không chạm đất ngật không tới trời" vẫn cứ là đúng cho tôi.

Bất chấp việc tôi đã sang cái tuổi bắt đầu phi thường nghiêm túc trước các chủ đề death cleaning disparition du soi.

(6)

Bất luận thế nào thì tôi vẫn cứ sống tiếp, nghĩ tiếp.

Và thi thoảng gặm nhấm nỗi nhớ nhịp đời thị dân lộn xộn, vô hình, vô danh tính trong cái thành phố có tên Hà Nội!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét