Tôi tự dziễu mình đúng là chó cắn áo rách. Từ hai ba hôm nay người rũ rượi, các cơn đau tới lui thăm viếng, lại thêm mấy cái lỗ ở lòng bàn chân, xem như một tập hợp tư vị hoàn hảo dưỡng cho cái psy vốn méo mó và vặn vẹo của tôi những ngày này!
Cuối chiều của một ngày ấm, nắng và đẹp giời, cuối cùng tôi cũng rón rén ra ngoài một chút để thay đổi không khí và tinh thần. Đi qua trung tâm thành phố, thấy mấy tiệm quán bày đặt bàn ăn ra vỉa hè và người đứng sẵn sàng khua biển quảng cáo. Theo luật tiểu bang, nghe đâu đôi ba ngày nữa là các quán có thể đón khách ngồi ngoài trời - đấy là đối với những quán có sân vườn, hiên hay một đoạn vỉa hè!
Đến Mystic thì thấy một màn li kỳ. Có cái tiệm bán cà rem và mấy đồ ăn nhanh có tiếng tăm trong vùng mọi bữa chỉ là khách lấy đồ mang đi, hôm nay cả một khoảng cỏ lớn nhìn ra biển nơi bày đặt các bộ bàn ghế dài thế nào mà đã có vài nhóm người ngồi ăn ăn uống uống rất phỉnh dù chưa tới hạn cho phép của tiểu bang. Trên đường về vẫn là qua chỗ đấy, tôi thấy đang có người, có lẽ là của cửa tiệm, nhắc nhở yêu cầu mấy nhóm khách rời khỏi chỗ ngồi. Nhìn kỹ thì ồ à, hoá ra tiệm đã chăng dây chắn cùng thông báo không ngồi, không ăn tại chỗ. Mấy thượng đế kia hẳn là đã tự tiện phá lệ đi.
Thời gian này, tôi thấy ngoài đường phần lớn mọi người ngồi xe hay rảo bộ đều có khẩu trang. Tôi nói là có chứ không nói là đeo hay mang. Và xung quanh chuyện nhân dân xứ này dùng khẩu trang, có không ít chi tiết thú vị.
Đeo khẩu trang kiểu hững hờ che miệng bỏ qua mũi hay để cái khẩu trang thòng lọng dưới cằm không phải là chuyện hiếm. Hôm nay tôi còn thấy một bác siêu ngộ, có khẩu trang phẫu thuật rất xịn, và đeo lủng lẳng một bên tai. Lại một quý bà khẩu trang tự chế hoạ tiết fabric rất đẹp, rất ấn tượng. Bà thư thái rảo bộ, khẩu trang vắt ngang cổ chẳng khác một French Lady chính hiệu với Elie Saab lụa trải nhẹ bờ vai.
Rồi nữa là xe hơi của người dân xứ này bình thường nếu ai bày đặt treo môt món gì đó ở chỗ giá gương ghế trước thì nếu không phải là dây phù hiệu tất sẽ là mấy cái dây thòng lọng sặc mùi tôn giáo, tâm linh. Giờ thì có thêm các bạn khẩu trang. Xe đâu mươi cái đảm bảo có hai hoặc ba lủng lẻng cái khẩu trang ngay phía trên ghế lái.
Bạn đồng hành bỏ tôi ngồi lại xe để tranh thủ vào cửa tiệm đồ thủ công đổi một món đồ mua bữa trước. Khi ra ông phàn nàn rất nhiều người không chịu đeo khẩu trang. Đợi ông kết thúc màn kêu ca, con giời từ tốn, ấy chớ trưng ra bộ dạng hay giọng điệu đấy, kẻo va phải ông khùng nào có khi lại bị ông ý lôi súng ra pằng cho phát làm mình thiệt thân.
Càng ngày chủ đề cuộc sống sau cách ly, cuộc sống sau đại dịch càng được nói tới nhiều, từ chuyện việc đầu tiên sẽ làm là gì - đọc tin Hà Nội tôi đã từng thấy không ít sôi nổi ra Phan Đình Phùng tự sướng và tụ tập trà chanh chém gió - qua theo đuổi lối sống mới manh nha từ những ngày trú ở trong nhà - thường sẽ là theo hướng đơn thuần hơn, thân thiện với môi trường hơn - rồi đến những phân tích to tát về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội ở tầm vĩ mô từ quốc gia tới toàn cầu.
Tôi không rõ những người xung quanh cảm nhận như thế nào. Còn tôi, tôi biết mọi chuyện thực ra đều rất mơ hồ. Một mặt, tôi bắt đầu không nhớ nổi rõ ràng và chi tiết những ngày đầu quay trở lại đây, khi túi áo lúc nào cũng sẵn có cái khẩu trang, khi thò chân vào một nơi chốn công cộng luôn thủ sẵn thái độ phòng ngừa cao độ với ý thức cái bản mặt mình châu Á da vàng mũi tẹt thế này có thể làm cho bà con gán cho nhãn xuất khẩu coronavirus, khi trên radio tin tức về covid-19 xem chừng vẫn là chuyện ở nơi nào đó xa tắp lự.
Mặt khác, tôi cảm nhận được, theo một cách hết sức chủ quan cá nhân, là nhiều người ở đây đã bắt đầu chấp nhận cái hiện thực khó chịu này. Không phải là theo nghĩa một sự chịu đựng của đứa trẻ con mơ hồ hỏi cha mẹ nó tại sao [con không được đi lớp]. Mà giống như các hình ảnh chuyển động chậm với những gương mặt người mang khẩu trang. Cái khẩu trang trên mặt là một thay đổi. Nhưng cách nó được mang và thái độ của người mang nó, không có một công thức chuyên nhất cho tất cả mọi người.
Qua những kêu ca chỉ trích phàn nàn ầm ĩ, qua những đỉnh điểm kinh sợ, có lẽ giờ đây là thời gian của những rón rén, dè dặt quay lại một cuộc sống bình thường. Chỉ có điều bản thân chữ bình thường xem ra cũng chẳng còn đúng nữa!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét