Không phải là để đánh đu theo phong trào, xu hướng chi chi. Tôi đơn giản để ý chút vì hiếu kỳ. Về những người đang tham gia và thực hành cái món có tên rất hay: degrowth movement.
Có rất nhiều chi tiết về cuộc sống hàng ngày của những người tôi đọc khiến cho tôi có chút cảm giác "bó buộc", "quá đà", thậm chí là "lố bịch". Kiểu như cặp đôi có giá trị dòng tính tiền triệu euro nhưng theo lịch chợ nông sản lại vác ba-lô đi mò mẫm nhặt rau củ quả hư bỏ đi sau khi các quầy dẹp hàng. Kiểu như một cô hì hục vác mấy tấm bạt nhựa phủ bể bơi cũ nát rồi ngồi xổm lau lau chùi chùi, cắt cắt ghép ghép để làm ra một cái tote bag thủ công hợp chuẩn ecolo. Kiểu như một ông tốn thời gian nửa ngày mắm môi mắm lợi vặn vẹo mấy cái vòi nước cũ từ phòng vệ sinh đã lâu không dùng tới để đem thay vào cái vòi hư không đường cứu chữa trong nhà vệ sinh chính.
Nhưng rồi cũng vẫn là câu chuyện của những con người ấy làm tôi suy nghĩ. Cái cặp đôi nhặt rác rau kia rành rọt giữa việc bỏ món tiền lớn mua thứ cần mua mà không chút phân vân với việc không để lãng phí rau củ quả ngoài chợ. Ông thợ sửa vòi nước trình độ tay mơ kia không phải không có lý khi chỉ ra sự vô lý đến nực cười của hàng dãy bình chai chất tẩy rửa cho từng mục đích sử dụng chi tiết khi liên hệ cái sàn bếp vốn chỉ vỏn vẹn có vài mét vuông trong nhà và nếu chăm chỉ xoẹt đi xoẹt lại chổi lau sàn khô và ướt thì về căn bản đã là sạch rồi (bỏ qua cái con coronavirus nhá!).
Tôi nghĩ đến bạn nhỏ Chi Lan, người rất hài lòng với hai cái nồi trong bếp và cũng là người đã giới thiệu sách của ông mục sư Wagner cho tôi. Không rõ cô em có biết đến cái phong trào giảm-phát này không. Nhưng chuyện nó kể tôi bữa qua nhà ăn bữa trưa đón Tết muộn đủ để tôi kết luận là bạn nhỏ này đích thực là một décroissante theo đúng nghĩa đen của từ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét