Các mẩu emai rời rạc giữa Paris và thành phố nhỏ ven biển bờ Đông xứ cờ hoa.
Hai mụ già vừa rũ cái nhãn "bà cô già, bà cô ế" cà ràm lảm nhảm chuyện đông chuyện tây chán thì sang tiết mục ý nghĩa cuộc đời và khai quật ra ông Spinoza.
Hồi chúng tôi học Triết ở trường đại học, trong cái giảng đường chỉ nhõn hơn chục mống sinh viên trọn một khoá, hình như có học qua ông triết gia này. Còn hỏi cụ thể là học cái gì về ông ý, từ ông ý thì tôi chịu. Trong khi chuyện tôi đắc chí có thể nhớ mãi không bao giờ quên là đám thầy bà Triết Tây trừ tiếng Nga ra thì tiếng gì cũng không biết - không tính tiếng Việt mẹ đẻ nhá! - và nội dung học từ thầy cô được bê y chang từ toàn tập bản dịch Lịch sử triết học của Viện Hàn lâm xô viết :-)))
Tôi mơ màng, nếu Descartes không chuyển đến Hà Lan và đất nước này không phải là xứ cởi mở, bao dung tôn giáo thì có ông triết gia Spinoza không. Rồi lại thấy áy náy cho ông thợ mài kính, rằng thì là mà khổ thân ông ý, tiếng gọi chân lý và lý trí lớn giọng hơn thổn thức tình yêu. Bạn thì bổ sung chi tiết đấu đá tài sản liên quan xưởng kính và những biểu hiện thiên tài của ông triết gia.
Nhà có khách qua chơi ăn tối ngoài hiên. Bạn đánh chén chỉ tôi mách lẻo, giờ nó đang tìm hiểu Spinoza. Tôi cười khành khạch bảo, bạn tôi thắc mắc tại sao tôi lại gọi ông ấy là ông cụ vì rõ ràng vị thợ mài kính kiêm triết gia này chết khá trẻ. Khách nhanh nhẩu hỏi luôn Syri. Kết quả là 44.
Nhảm và cà ràm thì là vậy. Song đúng là đọc lại và đọc mới về Spinoza trong cái thời thổ tả covid-19 này cũng như ở điểm bấp bênh báo hiệu thời tiền mãn kinh và khủng hoảng tuổi trung niên, tôi nghĩ đó cũng là một phép hay để cứu rỗi đời mình!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét