Thứ Hai, 11 tháng 5, 2020

phúc lợi của/cho bà già

Tôi không biết hai bà già này, nhưng chuyện của họ và về họ, từ mồm miệng cặp đôi giáo viên và giảng viên hưu trí, vô cùng ấn tượng đối với tôi.

Cả hai bà đều xấp xỉ tuổi 80, đều hiện tại sống một mình - một với tư cách bà goá, một với tư cách bà đã ly dị vài đời và cũng đã kinh qua vài đời bạn tình hay bạn chung sống. Cả hai bà nếu xã hội nhìn vào đều là những người khá giả, sống ở những địa phương được coi là đẳng cấp, và sinh hoạt cũng đẳng cấp. Nhưng bỏ qua lớp vỏ hào nhoáng đó, giờ cả hai bà đều chật vật, một người gần như sẽ sớm bị mời ra khỏi khu căn hộ cao cấp ở cái làng nhà giàu danh tiếng trong tiểu bang, một thì đang rục rịch tự mời mình ra khỏi ngôi nhà chung sống năm năm với một partner giờ đã rời sang tiểu bang khác sau khi nhận thấy chỉ mình bà không đủ chi trả tiền "nuôi" căn nhà cùng lối sinh hoạt quen thuộc bấy lâu.

Bà già thứ hai không rõ vì lý do gì đã từ chối lời mời của ông bồ cùng đến sống ở gần nhà con gái của ông. Năm năm qua, ông già thanh toán toàn bộ chi phí cho sinh hoạt chung của hai người. Ông chuyển đi, bà phát hiện hoá ra mình rất nghèo. Cô đơn, bà thành bạn thư từ - emails và tin nhắn - với mối tình đầu là ông giáo trong cặp vợ chồng thi thoảng ghé chỗ chúng tôi ăn tối cùng. Theo lời kể của hai vị khách của chúng tôi, bà già 78 tuổi đang ấp ủ tìm thấy một mối tình mới có khả năng chu giúp bà duy trì nhịp sống cũ. Với covid-19, tạm thời kế hoạch của bà ngưng trệ và trong tương lai gần bà vẫn đủ minh mẫn và máu lạnh giữ cái phẩm giá bà già của mình, đó là rời khỏi căn nhà rộng rãi và tạm downsize khuôn khổ và mức sống của mình.

Bà già thứ hai dân nghệ sĩ đầu óc để trên trời nên không có cái kết cục long lanh mùi lý tính. Thời trẻ, bà đã từng có việc làm ở một trường nghệ thuật ở New York, không quá nổi danh song cũng chẳng phải hạng xoàng. Ngày đẹp trời, bà hy sinh sự nghiệp theo chồng về tiểu bang này sinh sống. Chồng bà là giáo sư nghệ thuật và từ ngày đó là breadwinner duy nhất của cặp đôi. Mọi sự sẽ là ổn, thậm chí rất ổn nếu hai ông bà sống tùng tiệm như nhiều gia đình giảng viên đại học khác. Nhưng bà có nhu cầu sáng tạo cao và hy vọng tương lai dạt dào. Ngoài căn nhà to sụ trong thành phố ven biển này, bà còn thuyết phục được ông chồng đồng ý mua trả góp một căn nhà to chẳng kém - để đảm bảo có không gian cho bà làm studio - ở cái làng nhà giàu nằm giữa thành phố này và đảo Rhodes, nơi bà ghấp ghé một ghế giảng sư. Giấc mơ làm nghệ thuật của bà không bao giờ phai nhạt, nhưng dự phóng tương lai giảng dạy ở trường nghệ thuật danh tiếng của đảo Rhodes của bà kéo dài gần hai thập kỷ mà không dẫn tới kết quả tươi sáng nào. Ngày ông chồng qua đời, bà trở thành bà goá giàu có về mặt danh nghĩa với hai cái nhà to vật, song thực lại là trong một hoàn cảnh tài chính vô cùng bất ổn với hai món trả góp khổng lồ.

Có bà nhà giàu ở New York muốn mua lại căn nhà của bà ở thành phố biển kèm điều kiện tiên quyết là  gia chủ phải để lại toàn bộ đồ nội thất để có thể cứ thế hè về mà đến đây nghỉ ngơi không phải tốn công sức sửa sang sang sửa. Thời điểm đấy, tư cách bà goá của bà nghệ sĩ hay còn tươi mới, gánh nặng trả góp hai căn nhà xem ra mới chỉ lấp ló đường chân trời, bà ung dung từ chối. Chả hiểu có phải dính dzớp bad karma không mà từ ngày đó trở đi, nhà bà rao bán chẳng ai nhòm trong suốt một thời gian dài.

Khi tài chính thực sự là vấn đề, bà cuống quít thì cuối cùng cũng mại xong hai căn nhà và chuyển về khu căn hộ cao cấp ở cái làng du lịch sang giàu chẳng kém cái làng có căn nhà thứ hai. Người ngoài ngó vô mừng cho bà, nghĩ đời bà ổn. Ai dè đến lúc bất ngờ chuyện vỡ tung, cả một đám người quen biết, bằng hữu thân cận xúm vào tìm cách giải quyết giúp bà thì cũng mau bó tay toàn tập. Lý do một phần là tiền dự trữ của bà không có nhiều, song phần lớn hơn là bà chưa bao giờ quản lý tài chính. Phiếu báo nợ của bà dài hàng cây số, người muốn giúp hỏi han chút thì phát hiện bà lười không thèm kiểm tra thư tín, và nếu có mở ra thì đọc xong cũng chẳng hiểu gì. Chuyện là vậy từ lúc ông chồng bỏ bà bay lên thiên đường. Tài tình là bà sống ổn từ lúc đó tới giờ. Còn bất hạnh là giờ thì không thể nữa vì tiền trong tài khoản thanh toán phí căn hộ cao cấp đã cạn kiệt rồi.

Tôi hỏi thế chuyện tiếp theo sẽ là gì? Nghe nói bà già đã được người chị em họ hàng nào đó ở tiểu bang Washington giúp cho một studio nhỏ hơn, giá thuê rẻ hơn. Vấn đề là cũng vì con coronavirus chết tiệt, giờ bà vẫn đang mắc kẹt trong căn hộ đầy mùi nghệ thuật và sang chảnh của mình.

Ngày trước D và partner kể tôi mấy chuyện vặt vãnh rằng thì là mà ở trời Tây có nhiều người nhìn rất chảnh, rất bảnh song thực sự cuộc sống của họ rất không an toàn vì hầu hết mọi thứ họ mang theo người đều là đồ thanh toán tín dụng, thế chấp. Đấy là chuyện về đám thị dân phần nhiều làm freelance tự tin đầy mình, hăm hở sống đời tận hưởng. Tôi ếch ngồi đáy giếng, phần lớn thời gian sống đời ở yên một góc trong thành phố Hà Nội mỗi ngày một chật người và bẩn bụi nên nghe vậy biết vậy. Thi thoảng nghe hay đọc đâu đó vài chuyện tương tự về "bọn Tây chúng nó" bla-bla, gật gù ờ mà giống chuyện hai ông anh kể.

Giờ thì tôi nghe chuyện về hai bà già đình đám đời vương giả hàng chục năm, đến lúc sắp gõ cửa thiên đường thì rơi tõm vào hố sâu bất an tài chính và vật chất. Chuyện sống động, người thật việc thật, và tất cả đều là ở thời hiện tại, như một sân khấu kịch-đời đang sáng đèn giữa lưng chừng buổi diễn.

Chuyện người thiên hạ là thế, lảm nhảm ghi lại. Để thấy đời phong phú đa dạng. Và cũng là để thấy một chút cái lý lẽ sống ở đời. Xấu tốt thế nào chẳng rõ nhưng rõ ràng cái công thức "chín xu đổi lấy một hào" cũng không phải là phép thực hành tệ cho người muốn an chút cho món phúc lợi tuổi già, hỉ.

Về điểm này, tôi đến nửa xu cũng chưa có. Phải đi tìm ngay cái túi nhỏ thắt nút để bắt đầu tích các đồng xèng mới được hic! Và chuyện này, tôi xếp vào xó 40% hạnh phúc trong tầm tay :-)))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét