Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

sự già đi: cơ thể và suy nghĩ về sự cáo chung

(1)

Mắt sụp. Vùng cổ và vai cứng đờ. Hai bàn tay tê. Cánh tay phía trên đau nhức. Chân tệ chẳng kém và thêm vào đó bạn "chuột rút" thập thò trêu tức. Túi mật thi thoảng thánh thót thỉnh chuông. Đó là một phần của bộ sưu tầm các vấn đề sức khoẻ khi già đi của tôi. Có chút hài hước và thậm chí mỉa mai là nỗi lo lớn nhất cho tới giờ tôi luôn dự đoán lại vẫn chưa thành sự thật: các cơn đau nửa đầu.

Tôi vẫn nhớ thời gian học trung học, hầu như chiều nào cũng chứng kiến cảnh Mẹ vật vã với các cơn đau. Rất đáng sợ khi thấy Mẹ nằm trên giường, có biết bao đau đớn khó chịu, đầu không dựa vào gối mà gần như rũ khỏi mép giường, tạo nên cảm giác một sự thua cuộc, buông xuông. Khác với thắc mắc của tôi là làm vậy tình hình còn tệ hơn, Mẹ giải thích, làm vậy mới có cảm giác cái đầu không ứ tắc, rằng có các dòng chuyển lưu làm cho các cơn đau bị đẩy lùi. Bị đẩy lùi chứ không biến mất. Vì chiều hôm sau, một cảnh bi hài đó chắc chắn sẽ lặp lại.

Ơn Trời, sau mấy năm như vậy, tình hình của Mẹ tốt hơn. Nhưng ám ảnh về đau nửa đầu thì ở sâu trong tâm trí tôi, nhất là khi xung quanh tôi có không ít người quen, đều là phụ nữ và ngang tầm tuổi, đưa ra những miêu tả tỉ mỉ rất đáng sợ về tình trạng đau nửa đầu. Cho tới giờ, tôi thường tự mình lẩm bẩm với mình, Tạ ơn Trời Phật phù hộ! Nhưng sau này thì tôi không chắc có còn được các Ngài thương không!

(2)

Tín ngưỡng là vậy. Di truyền là vậy.

Nhưng sự già đi và các vấn đề sức khoẻ của bản thân mỗi người, phần duy lý trong cái đầu ương ương dở dở của tôi vẫn không quên lên tiếng nhắc nhở rằng có phần lớn trách nhiệm của chính bản thân mỗi người.

(3)

Tôi đã tàn phá cơ thể mình. 

Tôi không nghiện thuốc lá. Sau lễ cưới của đàn anh cách đây cả triệu năm, tôi cũng hết mấy trò nghiện ngập chất cồn.

Nhưng tôi tống kha khá cafeine vào người. 

Và cũng là tôi tự chịu trách nhiệm về việc thức trắng đêm nhiều đợt dài vì mấy lý do nghe có vẻ rất nghiêm túc nhưng thực thì là vớ vẩn, kiểu như làm cho xong cái bản thảo này hay cái bài luận kia. Hoàn thành bài tập hay công việc là việc cần làm và việc tốt. Nhưng hài hoà thời gian làm việc và nghỉ ngơi là việc cần làm và việc tốt hơn nữa. Điều này, tôi đã không làm tốt.

Tôi nhớ, chính là vào thời gian học lớp 12, với lý do rất chính đáng là ôn tập để thi đại học, tôi thức đêm trường. Và trong đêm thì bữa nào cũng như bữa nào, chăm chỉ nếu không phải là gặm nhấm như chuột mấy món đồ khô thì là sì sụp mỳ tôm. Ăn đêm và/hay ăn muộn cuối ngày đích xác không phải là việc làm thông minh. 

Vài năm trở lại đây, tôi ở trong một tình trạng dở khóc dở cười mỗi sáng tỉnh giấc. Uể oải cùng cảm giác đói dâng cao. Nhưng cứ thử ăn sáng theo cữ của những người bình thường có thói quen ăn sáng mà xem, tôi chết liền, hiểu theo nghĩa bóng nhưng đồng thời cũng có chút ý nghĩa hình lý.

Một hai nắm xôi nhỏ, bọn trẻ con hay gọi là nắm chim, thì ổn. Nhưng hơn một nắm, ứ cổ. Một bát miến hay phở nếu là cho bữa trưa có thể làm tôi chưa thoả mãn nhưng tính vào thời gian bữa sáng, quá nhiều. Bạn đói và mệt nhưng lại sợ đồ ăn trước mặt, đó không phải là một chuyện vui vẻ gì!

(4)

TL và tôi có một ví dụ tốt đáng theo từ hai cụ già ở Bắc Ninh, những người có kỷ luật "thép" với chế độ ăn uống cũng như theo dõi sức khoẻ của mình.

Nhưng chúng tôi, và tôi chủ quan nghĩ là giống như rất nhiều người cùng thế hệ khác, quá tự mãn cùng chủ quan về thể trạng của mình. Ít nhất là cho tới khi tuổi 40 gõ cửa!

Trước tuổi này, nếu ai kêu ca việc mở một cái nắp chai khó làm sao, tôi sẽ bĩu môi, làm trò! Ấy thế mà giờ mười cái hũ cái keo cần vặn nắp, có đến quá nửa là làm tôi phải đánh vật một hồi, bặm chặt mồm miệng, căng hết cơ tay.

Trước tuổi này, món đồ rơi từ trên bàn xuống nền nhà, vô thức cơ thể vận động cúi gập người, rờ tay ra nhặt đồ xếp về chỗ cũ không đem lại bất cứ hệ quả xấu nào. Nhưng sau tuổi này, trong mươi tình huống như vậy thì có tới quá nửa mang trong đó nguy cơ làm trẹo trật chỗ nào đó trong cơ thể và những cơn đau kéo dài không phải thời gian tính theo giờ, theo ngày mà có thể là tuần, là tháng.

(5)

Trong tôi luôn có một góc rỗng. Vì nó và với nó, từ khi ngồi ghế đại học tôi đã bắt đầu nghĩ về sự cáo chung của mình. 

Ở tuổi 20, 30, chủ đề cái chết - tự tử mang trong nó sự điên rồ có tính siêu hình và chút màu mè triết học dởm đời của một kẻ ngông nghênh ếch ngồi đáy giếng.

Sang tuổi 40, tôi biết sự trống rỗng đó liên minh hình lý là cơ thể mỗi ngày rạo rễ và liên minh tinh thần là một cảm giác bất lực trước bài toán, sống thế nào trong thế giới lộn tùng phèo này.

(6)

Nhưng bất luận có lảm nhảm cà ràm hay nghiêm túc phi thường suy nghĩ về tất cả những chuyện này như thế nào đi nữa thì có một điều hiển nhiên và thực tế tôi [phải] sống từng phút từng giây: sống.

Và như vậy, xem ra tôi lại chạm đến lần thứ n câu hỏi: làm thế nào để có một nền nếp sinh hoạt lành mạnh.

Và như vậy, tôi thấy mình quay lại những câu hỏi căn bản: chế độ ăn uống, các bài tập, sự cưng chiều giấc ngủ, và quan trọng không kém là để cho tâm trí của mình có được các khoảng lặng, đơn giản là lặng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét