Coronavirus Chinatown Stories - tôi nghe được cái tên này khi bám đuôi bạn đánh chén đi tiệm cá ở Mystic. Trên radio, có một cô Young nào đó vừa trả lời phỏng vấn nhà đài vừa livestream chuyến đi trong khu Phố Tàu ở NY của cô. Tôi nghe giọng cô vút cao đầy phấn khích và phấn khởi, thông báo cửa hàng bán đồ Hoa yêu thích của cô giờ đã mở cửa trở lại, và kèm theo đó là chú thích, ở đó cô có thể tìm thấy bất cứ món gì mình cần [chắc là cho bếp Hoa].
Hè năm trước tôi, một kẻ vốn chẳng mấy để tâm đến thứ có tên là "du lịch" và thực tế là có thể sống tù tì vài năm liền không có nổi một kỳ nghỉ hè theo nghĩa của thị dân Hà Nội ngày nay, đột nhiên bộc phát tinh thần đi loanh quanh, gạ gẫm bạn đánh chén sau này có dịp sẽ làm một chuyến Phố Tàu du hý.
Mối quan tâm của tôi là Phố Tàu chứ không phải là NYC. Và đích đến rất rõ ràng: các địa điểm tôi có thể thử mấy món lẩu bếp Hoa danh tiếng, làm một phần đậu hũ non (tào phớ) đã được Mỹ hoá vị, xơi một bữa điểm tâm ra trò, và vác về một hộp vịt quay, đại loại thế.
Giấc mơ-kế hoạch đó xem ra chia ở thời tương lai xa.
Nhưng dù thế nào, từ năm trước đến năm nay, ở trong bếp tôi thấy mình đã có nhiều thay đổi nhỏ. Tôi bắt đầu quen thuộc hơn trong việc sử dụng một vài món gia vị bếp Hoa truyền thống, cũng đã mày mò làm thử dăm bảy món và dù không phải lúc nào kết quả cũng mỹ mãn thì chí ít cái miệng và cái dạ của tôi chúng vui, và cả cái đầu óc cởi mở, sẵn sàng thử mới cũng được nâng thêm một tầng.
Chuyện bếp núc hoá ra không chỉ là làm món và đánh chén. Nó còn là cách chúng ta nhìn ngó xung quanh, giữ thái độ khư khư "bố mày yêu nước kiên quyết tẩy chay đồ Tàu" hay cho dù đồng ý food và politics luôn có những liên hệ chặt chẽ thì điều đó không ngăn cản chúng ta tìm kiếm chút niềm vui mang tên mỹ thực, và nếu xa hơn nữa là tham dự vào một chuyện kể/lịch sử qua những người như cô Grace Young.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét