Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

độ dài ngắn của trí nhớ cá nhân và tập thể

(1)

Mấy năm rồi, tôi lơ ma lơ mơ theo dõi kiểu được chăng hay chớ mấy sự kiện dậy sóng trên mạng nhện từ chuyện của cá nhân, nhóm đến sự kiện được coi là "quốc gia": ầm ầm thu gom chữ ký đòi công lý cho một nạn nhân nhỏ tuổi ở nước ngoài; phẫn nộ vì phong hoá nước nhà bị cường bạo bởi mấy cô tiếp viên ăn mặc thiếu vải trên một phi cơ; hay tưng bừng vác cờ gõ mâm ăn mừng đội túc cầu. Tôi chủ quan nhận thấy một mẫu số chung là mấy cơn phấn khích, phẫn nộ, "cuồng" tập thể cao trào đến mấy rồi cuối cùng cũng thành bọt khí chìm trong cái mặt nước lặng của lịch-sử-thường-nhật, ở cả cấp độ sống cá nhân và cộng đồng. Cái gọi là trí nhớ, ký ức, những sự lưu giữ và nhắc lại, xem ra chúng nếu không phải là phù du thì cũng là dễ bị xuyên tạc, bóp méo, mang tính mảnh đoạn, sặc mùi chủ quan của một cá nhân, một nhóm loại người, hoặc do vô ý mà cứ thế hiện ra như vậy hoặc do những tính toán mà được nhào nặn và tái nhào nặn.

Cuối năm trước, tôi hỏi một con nhóc sinh viên mấy kỳ học trước đã từng mặt đỏ văng tía tai tranh luận trên lớp về sự cần thiết phải người người ký giấy, nhà nhà ký giấy nhằm đòi án tử đối với kẻ thủ ác liệu nó còn nhớ chuyện. Con bé im một lát rồi cười ngượng bảo chuyện đã qua, rằng nó cũng chẳng nhớ gì nữa.

yoshitomo nara
Cô gái bị thoá lỵ, bị gọi bằng đủ mọi thứ tên hạ tiện ngày nào trên "phây" giờ tôi dám chắc có mặc quần short ngắn hở đến nửa cặp mông và áo hai dây màu nude lộ già nửa rãnh ngực đi bộ quanh cái hồ bé tý ở trung tâm thành phố thì cùng lắm cũng chỉ có mấy cậu xe ôm hay mấy ông trẻ giai phố đang ngồi tám phét cạnh một cái mẹt trà nước bên kia đường nhìn sang, hoặc há hốc miệng nhỏ dãi hoặc huýt sáo ầm ĩ một trận mà thôi. Chứ chẳng ai sẽ đủ năng lực huy động trí nhớ 4.0 của mình để liên hệ cô lúc này với cái thân hình uốn éo các tư thế kích dục cạnh mấy cậu cậu trẻ ranh tương lai của nền túc cầu nước nhà ngày nào.

Còn cái tưng bừng khí thế cả nước thức ăn mừng chiến thắng nơi đầu lưỡi của mấy ông bình luận bóng bánh trên sân thì ít mà xuất khẩu thơ ca thì nhiều cứ cho là đúng với hai phần ba dân số trưởng thành của xứ mình thì cũng rất mau sẽ qua đi và nhân dân - những kẻ phàm thường sẽ phải quay lại đối mặt hiện thực cơm áo gạo tiền trực tiếp, ngay lúc này, tại đây.

(2)

Mới đi làm ăn lương, tôi nghe xung quanh đồng nghiệp lớn nhỏ hồ hởi về tương lai tương sáng của viện đại học ở một nơi có tên là Hoà Lạc - một địa phương với tên gọi đầy ý nghĩa, đầy hứa hẹn.

Tôi còn nhớ lúc đó mấy vị thủ cựu trong trường, từ bà thím tạp vụ đến gần như là đại giáo sư mở miệng ra là tám, là đố kị chuyện chia chác tiền bán miếng đất vàng ở khu Giảng Võ. Lúc ấy có mấy nhà vợ chồng cống hiến trọn đời cho nền giáo dục nước nhà cười ngoác miệng vì được chia hai cục tiền bự, lại có ông tuổi lưng chừng vừa qua tiến sĩ song chưa đến phó giáo sư thì tiếc rẻ giá mình có thâm niên cao hơn. Tôi trẻ ranh, đương nhiên không nằm trong cái danh sách lịch sử đó, chỉ là người đứng ngoài quan sát, được hồi thì phát hiện, ồ à, ầm ào tị nạnh nhau thế thôi chứ rất mau tiền về túi, đồng nghiệp lại có chủ đề mới để mà khai thác, để mà phấn chấn: chúng ta mỗi cán bộ giảng viên sẽ được chia một miếng đất xy mét vuông đất trên khu Hoà Lạc để có thể an cư lạc nghiệp, có cái nơi chốn gọi tên là nhà mà yên tâm vun vén cho nền học thuật nước nhà.

Thế rồi thời gian cứ lững thững trôi, từ diện tích tính đơn vị trăm, cái giấc mơ nhà đất quy về nhà tập thể, nhà công vụ. Có bữa, tôi láo toét cười khì khì tham gia hội tám, em thấy dù chỉ được một cái góc giường tầng cũng coi là khá lắm rồi.

Đại học đẳng cấp quốc tế vẫn là công thức nơi đầu lưỡi trong các đề án xây dựng và phát triển, các báo cáo của lãnh đạo cả bên đảng lẫn bên chính quyền cùng các đoàn thể, rồi cả những báo cáo kiểm định đại học hay đề án mở ngành/chuyên ngành đào tạo và nghiên cứu mới. Nhưng miếng đất "bánh vẽ" ngày nào giờ tôi dám chắc chỉ có bọn làm lâu lâu tầm tuổi tôi hay những người tuổi lớn hơn hỏi đến may ra còn nhớ chút, còn những người sau này mới đến làm việc ở trường đại học hồ rằng sẽ chẳng mấy ai biết về chuyện này.

(3)

Mắc kẹt, thi thoảng tôi hóng hớt tin nhà.

Mới rồi nghe thấy mấy mẩu thông tin liên quan đến dự phóng tương lai phát triển của địa phương được gọi là thủ đô, tự dưng thấy gờn gợn.

Lại nhớ những chỉ số được dự phóng ở những nhiệm kỳ trước. Xem ra chẳng còn mấy ai nhớ, chẳng kẻ nào rỗi hơi mà liên hệ chúng với những hứa hẹn của ngày hôm nay.

Tôi tự hỏi có lẽ não trạng người mình dư thừa lạc quan tính. Rồi lại tự hỏi hay cũng chẳng phải là vậy mà đó là một cách thức quen thuộc trong hành trạng của những vị phụ mẫu của chúng dân, được họ nhuần nhuyễn thực hành vì hiệu quả tính của chúng và có lẽ vì cả việc nói vậy cứ là nói vậy còn làm được hay không là chuyện của tương lai - mà lúc ấy cả tôi lẫn họ đều nằm yên dưới đất rồi.

(4)

Cái bản năng của con động vật chính trị đột phát chốc lát vậy thôi, xong hồi, con giời cười khà khà một mình, đúng là dở hơi.

Chuyện xứ mình nó là thế. Cứ thuận theo dòng đời mà sống, nhìn ngắm và tỉa tót suy nghĩ bận tâm cái nỗi gì. Không khéo lại bị quy thành lung lay tư tưởng.

Vây nên, trong trạng thái ngưng đọng, [bị] tắc tịt hiện thời, an nhất là tiếp tục chầm chậm sống qua ngày, chờ đợi một Godot không bao giờ rõ mặt, và cà ràm lảm nhảm cũng như tác hành mấy việc nho nhỏ vui vui có tên "nội trợ".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét