Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2020

sống đời giản dị (5)

Hai lòng chân thủng lỗ có nghĩa là tôi hạn chế đi đứng. Ở yên một chỗ thì hoá thành bám riết cái máy tính và coi nhảm.

Sau hai tuần cặm cụi "nghiên cứu" thế giới mạng nhện, đặc biệt là giới cao thủ iu-túp-bơ nói tiếng Việt, tôi phát hiện tỷ lệ các thủ trưởng lờ-nờ hoán đổi linh hoạt cao đáng ngạc nhiên, và số người có năng lực văng bậy cùng nhục mạ, thoá lị người khác cũng cao chẳng kém.

Tôi kể cho TA mấy phát hiện hay ho của mình trong chuyến "du hý mạng nhện" này, xong rồi thấy mình đúng là tâm thần nặng vì tại sao có thể phi thường kiên nhẫn nhìn chằm chằm vào mấy cái vi-zeo-cờ-líp đến vậy.

Ơn Trời, giờ chân vẫn thủng lỗ nhưng tôi đã tìm được vài vui thú mới, bỏ lại đằng sau một thế giới hỗn loạn của lời, của những thù hận, của những thoá lị không hồi kết, của những khua chiêng gõ trống giật tít đùng đùng mà nội dung lại rỗng...

Thêm một lần nữa, tôi giật mình trước thông tuệ của lão mục sư Wagner khi ông nói về lời nói giản dị, và cả tính thời sự của những điều ông viết ra cách đây hơn một thế kỷ!

Lời nói để biểu hiện ý nghĩ, ta tưởng [nghĩ] làm sao thì lời nói làm vậy. Muốn cải tạo lại cuộc đời theo nếp giản dị thì cần phải thận trọng trong lời nói và ngòi bút. Lời nói phải giản dị như tư tưởng, phải chân thật và chắc chắn: tư tưởng cho đúng đắn, nói ra cho thật thà. 
Căn bản của những giao tiếp xã hội là sự tin nhau, mà trong sự tin lẫn nhau đó, mỗi người phải thực thà với nhau [...] 
Cuộc đời sẽ phiền toái vô cùng nếu, gặp ai, ta cũng phải kiểm soát ngay lời nói và ý định của người ta và khởi đầu bằng nguyên tắc coi cái gì viết ra, hay nói ra là có mục đích phụng sự huyễn mộng [ảo tưởng] chứ không phải phụng sự thực tế. Đó là trường hợp của chúng ta. Đời đầy dẫy [rẫy] những kẻ lực lưỡng (?) [hiểm độc], những vị ngoại giao chỉ tìm cách "ăn người" và chỉ chú tâm lừa lọc lẫn nhau. Vì thế, ta thấy khó khăn vô cùng mỗi khi ta muốn tìm biết nhưng điều giản dị nhất mà lại quan trọng nhất đối với ta. 
Ngày xưa, người ta muốn giao tiếp với nhau, thường dùng những phương tiện eo hẹp. Ai chẳng nghĩ rằng một khi những phương tiện thông tin được cải thiện và gia tăng thì đời sẽ sáng sủa hơn lên. Các dân tộc sẽ tìm cách yêu thương nhau vì hiểu biết lẫn nhau hơn, đồng bào trong một nước sẽ cố kết với nhau vì một mối tình thân ái chặt chẽ. Đến khi người ta chế ra được máy in, thiên hạ hò reo sung sướng, và càng sung sướng hơn nữa là lúc người ta quảng bá được khắp nơi cái thú đọc sách và đọc báo. Người ta suy luận thế này: Hai làn ánh sáng bao giờ cũng chiếu sáng hơn là một làn, nhiều làn ánh sáng bao giờ cũng tốt hơn hai làn; vậy thì càng có nhiều sách báo, người ta càng hiểu biết rõ ràng hơn những việc xảy ra ở chung quanh và những nhà chép sử sau này sẽ sung sướng vì có nhiều tài liệu trong tay. Thực tình, trông bề ngoài, không còn gì đúng hơn. Than ôi, người ta đã đặt sự suy luận đó trên căn bản tính cách và hiệu nghiệm của khí cụ mà người ta quên hẳn yếu tố "người" - mà yếu tố này bao giờ cũng quan trọng nhất. Thực ra, có bao nhiêu người bịa đặt, vu oan giá hoạ, bao nhiêu người bẻm mép, nói khéo và viết giỏi, đã lợi dụng triệt để tất cả các phương tiện đó để lấy lợi ích riêng cho họ? [...] Càng đọc báo, lại càng mù mịt [...] kết luận như sau: Nhất định là ở đâu cũng chỉ có toàn những người thối nát, duy có mấy ông ký giả là công minh liêm chính. Nhưng chẳng mấy lúc, người đọc cũng lại nghi ngờ nốt cả các ông ký giả [...] 
Không phải chỉ có dân chúng mới bị lạc lõng, bỡ ngỡ như thế; ngay những người có học thức cũng vậy. Nghĩa là toàn dân hầu hết như thế cả. Phàm bất cứ địa hạt nào: chánh trị, kinh tế, thương mại, cả khoa học, mỹ thuật, văn nghệ và tôn giáo nữa, cũng đầy dẫy [rẫy] những mặt trái, những ngón bịp bợm, những cạm bẫy chờ ta... Rút lại, ai cũng bị lừa cả; chính những người đi bịp rất tài lại bị người ta bịp lại [...] 
Nói và viết bịp bợm, lừa lọc, giả dối như thế tức là làm cho ngôn luận xấu xí, bỉ ổi đi [...] Đối với những người cãi vã, sinh sự, đối với những người lý sự cùn, những người nguỵ biện, không bao giờ lời nói được tôn trọng cả; họ chỉ cuồng lên để lấy lẽ phải về phần họ hoặc tự cao tự đại cho rằng chỉ có quyền lợi của họ là đáng tôn trọng mà thôi. Họ xét nét người khác theo cái định lệ mà chính họ vẫn theo: Chỉ nói những điều gì có lợi; chứ không nói điều gì thành thực. Họ chẳng còn coi trọng ai hết. Âu cũng là cái tình trạng tinh thần rất đáng buồn cho những kẻ làm nghề nói, viết và giảng dạy [...] Chao ôi, người ta không nghe những điều xấu đã đành; bây giờ, vì có nói điều phải, cũng chẳng ai buồn nghe nữa. Đó chính là tội ác của những kẻ đã bóp chết ngôn luận, đã làm cho ngôn luận xấu xa, đê hèn. Họ đã làm thương tổn sự tin cẩn lẫn nhau. Mà người đời đã đến khi mà không tin nhau nữa thì thật là đại hoạ. Thiếu sự tin cẩn, ngôn luận chỉ còn là một thứ bạc giả, ai tiêu! Người ta trị tội những kẻ làm bạc giả thế nào thì cũng cần trị tội những kẻ "làm bạc giả bằng ngôn luận" như thế vì họ đã làm cho thiên hạ không ai tin ai nữa, không ai tin gì nữa.
Charles Wagner - Bản dịch của Vũ Bằng được Lục Phong gõ lại 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét