Bốn năm học Triết ở trường đại học, được nhồi một chương trình cồng kềnh các lý luận chủ lưu về duy vật chủ nghĩa, về đấu tranh giai cấp và về tương lai tươi sáng của cộng sản chủ nghĩa, vân vân và vân vân, rồi lại cưỡi tên lửa chạy lướt qua các gian hàng tư tưởng cổ đại và của các ông/bà triết gia của các thời kỳ tiếp theo sau đó mà không phải là mác-xít hay mác-xan, tôi lơ ma lơ mơ túm lại cái ông có tên Epictetus là ai và ông ta thực muốn nói điều gì.
Rồi thế quái nào càng lớn, càng già-đi, mấy chuyện lý lẽ cuộc đời như một hành trình, một trải nghiệm mang tính cá nhân hoá lại quan trọng hơn hết thảy những đốc-ma chính thống này nọ. Thi thoảng, thường là theo một cách hết sức vô tình, tôi được dịp ồ à, giờ nhà cháu đã hiểu tại sao ông Epictetus này cho tới giờ vẫn được mến mộ.
Theo lão tư tưởng gia này, có một số điều, một số chuyện nằm trong vòng kiểm soát của chúng ta, trong khi một số khác thì không.
Nôm na, những gì chúng ta có thể kiểm soát có quan điểm/dư luận, đích hướng/sự theo đuổi, khát cầu/dục vọng, thái độ chán ghét/bài xích. Đại loại là toàn bộ những gì nằm trong phạm vi những hành động của chính bản thân chúng ta. Trong khi đó, những thứ nằm ngoài năng lực điều khiển và chế định của chúng ta là cơ thể, tài sản, danh tiếng, mệnh lệnh.
Không bàn cãi đúng sai và sức thuyết phục của quan điểm này, tôi nghĩ bài học to, trong hoàn cảnh dịch và hậu-dịch thực rất mờ mờ ảo ảo và vừa xa vừa gần thế này, được rút ra ở đây là, chí ít đối với riêng tôi, chớ nên dương dương tự đắc ta đây tự làm nên cuộc đời, tự làm nên số phận của chính mình.
Đâu đó, sức mạnh diệu kỳ mang tên số phận vẫn đang dõi theo chúng ta và có thể trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ thời điểm nào, có thể ngẫu hứng mà vuốt nhẹ hay đảo tay dứt khoát bàn cờ cuộc sống mà không ít người trong chúng ta chắc nịch mình là kỳ thủ duy nhất kiểm soát cả hai thế trắng đen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét