Trong chuyến đi Hancock lần này, chúng tôi được nhà hàng xóm mời ăn tối và đốt lửa trại. Lời mời được đưa ra từ chuyến đi lần trước của Tiên sinh tới ngôi nhà trong rừng.
Ngay từ trước chuyến đi, bạn đánh chén đặt hàng một món hải sản để góp vui, rồi yêu cầu chi tiết món curry cá. Tôi từ chối vì thiếu củ sả, lại thêm phần chính bản thân thiếu tự tin với cái món mỗi lần làm là một lần biến tấu chẳng giống ai và vốn tôi coi chỉ ổn với đầu lưỡi bản thân nhưng bảo đãi khách thì không chắc. Cuối cùng kết luận của cả hai là mình sẽ làm chả tôm-cá, đảm bảo vừa đúng đồ hải sản cho nhà hàng xóm, lại vừa hạp ý thích của ông lão tham ăn đặc biệt thích có tôm trong món chả.
Tưởng chuyện chỉ có thế, nhưng tới nơi, bạn đánh chén vẫn mấy bận nhì nhèo, hay là không chả cũng được, làm món curry được không. Ông nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại, Madelaine thích curry lắm. Tôi nghe xong phát cáu, nhắc lại cái sự e dè của bản thân cùng tình trạng thiếu nguyên liệu. Còn ông lão tiếp tục tỉnh bơ, không sao đâu, mấy lần rồi món làm vẫn ổn mà.
Tôi cứ nghĩ chúng tôi chuyện vặt chí choé có như không là vậy. Nào ngờ đến khi ông con trai nhà ấy ghé qua chốt hẹn giờ ăn tối thì ông bày ra cái vẻ mặt vô tư hồn nhiên nhưng thực chẳng khác nào tay ma cô có số má, chỉ chỉ vào tôi cười cười nói nói với ông kia, nó sẽ làm món curry cá mang lên nhà chúng mày. Bị bán đứng như vậy, lẽ dĩ nhiên là con giời ngoạc cái miệng ra bảo ừ thế nhá.
Chuyện hài hước tiếp sau đó là tôi thế quái nào lại cao hứng chơi một lèo bốn món, ngoài đĩa chả tú hụ thì còn lại ba phần phết phẩy vui vui gọi là vừa đủ để nếm chơi, ăn chơi tý chút: một bát curry cá monkfish có điểm qua nửa trái bí ngồi xanh tươi rói mua từ cửa hàng nhỏ trong vùng; ba cái nem cuốn tươi nhân tôm mỗi cái được xắt thành ba khúc nhỏ; và một bát salad miến Hàn chay tuyệt đối trộn ponzu sauce với thức kèm là mộc nhĩ xào gia vị gừng-hành hương cùng nước tương lạt và topping là mấy vụn vừng rang.
Lúc mang đồ đi ăn cơm khách, tự tôi cũng thấy mình thật buồn cười vì cái sự bày đặt này. Song rất mau tôi an tâm tuyệt đối vì cơm khách hoá ra rượu nhiều hơn đồ ăn. Món chúng tôi được đãi là một xửng cơm nghệ to đùng trong có điểm mặt cà rốt, hạt điều, hạt chia và đặc biệt nhất là nhõn một cái hạt carmadon rơi trúng vào bát của tôi; một khay bự tôm đông lạnh đã được xiên sẵn chỉ việc rã đông và đặt lên lò nướng; và cuối cùng là một bát salad dưa leo na ná vị bếp Á châu vì nước trộn là xì dầu pha loãng.
Lúc chúng tôi rời bàn để đi xuống sân vườn đốt lửa, trên bàn ăn còn thừa cơm, tôm xiên nướng. Riêng mấy phần đóng góp từ nhà dưới thì nhẵn nhụi thùi lụi. Từ lâu tôi đã tiết chế các cảm giác nhưng đúng là tối đó, tôi hoan hỉ không ít khi thấy món mình làm ra được bà con hàng xóm tranh nhau và chén sạch sành sanh.
Tôi lại càng khoái chí hơn khi rời nhà láng giềng với khay trứng quà tặng và một cây tỏi để mang về trồng ở vườn nhà bên biển.
Hôm rời nhà trong rừng, chúng tôi ghé qua chào tạm biệt, được nghe một hồi cám ơn với ý tứ lần sau lại tụ tập tiếp, và đương nhiên là bọn tao rất vui nếu được biết thêm vài món mới từ bếp nhà chúng mày :-)))
(2)
Liên quan đến sự ăn uống, Tiên sinh đích thực là một ông già tham ăn ranh mãnh. Đặc điểm này TL đã phát hiện ra từ sớm ở nhà Hà Nội cũng như bên bàn ăn nhà Bắc Ninh. Còn ở đây, tôi không ngừng khám phá các mánh lới tham ăn và kiếm chác đồ ăn của ông.
Kiểu như ông rất chịu khó hỉ hả nói nói cười cười với ông cha hàng xóm, trịnh trọng vác khay cây ớt nhỏ sang biếu tặng láng giềng như là đáp lễ cho việc nhận quà rau diếp không biết đã bao nhiêu bận.
Trước khi chúng tôi đi Hancock, chẳng hiểu hai ông láng giềng à ơi thế nào, ông về nhà chắc nịch một câu, tối thứ Hai tới họ - gồm ông linh mục hàng xóm, em trai Luke của ông ý và một ông linh mục già bằng hữu của ông ý - sẽ về thành phố sau bốn ngày đi câu mạn NY, chốt hẹn rồi là mình sẽ mang chả cá sang để họ nếm, còn họ sẽ cho mình cá tươi.
Đúng ngày đúng giờ, một khay thức ăn được mang sang cho hai ông thầy tu già nếm và ăn chơi - ông em Luke chắc về với cô bồ nên không thấy mặt mũi đâu cả. Mấy miếng chả bằm hải sản và hai cái nem cuốn tôm với lá diếp được hái lúc trưa từ vườn nhà ông cha.
Tối muộn, ông linh mục già bằng hữu của ông cha hàng xóm, một ông nguyên là giáo sư chuyên món Tâm lý học trước khi trở thành cha cố và chuyên ngồi hiên phì phèo hút tẩu và uống rượu vang như một lão mafia miền Nam nước Ý, vác cái đĩa và cái bát đựng nước chấm mang sang trả lại cho chúng tôi.
Muộn hơn chút nữa, hai ông con ngoan của Chúa gọi hàng xóm sang uống rượu cùng. Bạn đánh chén trở về với một gói hút chân không cá xông khói, giải thích đây là quà bù cho phần cá tươi mà chúng nó đã hứa.
quà từ ông cha hàng xóm |
Ngày hôm sau không rõ có phải vì vẫn áy náy vụ cá tươi cá khô không, ông cha nhà bên tặng thêm cho chúng tôi một cây cà chua, một trái bí và một củ tỏi tươi.
Và ông cũng như bạn của ông đều không quên dặn dò, bọn tao luôn vui mừng khi được nếm các món của chúng mày, rằng thì là mà có cay mặn thế nào chúng tao đều xơi được tuốt.
(3)
Chuyện ăn uống và giao tiếp xã hội đối với tôi luôn là một chủ đề hấp dẫn.
Ở Hà Nội, không ít bận tôi nổi máu xỏ xiên muốn xông pha tìm hiểu những phương thức "tâng bốc" - thường là của một tay nhân viên văn phòng nào đó với thủ trưởng của y hay của một anh chị nghiên cứu sinh với đám thầy bà ngồi tiểu ban hội đồng chấm tiểu luận, luận án - bên bàn ăn; những màn uốn éo tỏ bày của gái trẻ hừng hực khí thế thanh xuân hay mấy gái già tự tin dày dặn kinh nghiệm đàn bà trước một vài đối tượng khác giống phái hoặc đang ở tư cách bạn tình tiềm năng, hoặc đang ở tư cách người mang lại cơ hội thăng tiến; những phô bày khoa trương bố mày đây có tiền trong một buổi liên hoan bạn học cũ, đồng nghiệp của một cơ quan, hay một hội tụ lễ lạt giỗ chạp chi chi của một dòng họ. Rất hiếm khi, tôi thấy chuyện gặp gỡ và cùng ăn cùng uống bó gọn trong cái khuôn khổ đơn thuần, bình đẳng người-người. Nhưng thích thú chốc lát là vậy, vì nghĩ tiếp và nhất là nói ra thì không khéo thành chê bôi, bài xích. Mà thêm nữa là bản thân tôi cũng chẳng mấy tham gia mấy dạng kỳ cuộc này, một bộ mẫu quan sát sơ sài sao có thể giúp kết luận này nọ, hỉ.
Ở đây, theo một cách vô tình, tôi thấy mình ở trong một mạng lưới trao đổi đồ ăn vô cùng lợi hại.
Không phải lúc nào, giao tiếp xã hội-đồ ăn cũng diễn ra theo cái lý vật đổi vật ngang hàng nhau. Kiểu như chúng tôi nhận quá nhiều quà từ bác chủ tiệm ăn cajun và cả các món khai vị cùng tráng miệng miễn phí từ bà chủ quán Thái Trong thành phố hay có khi là cả chai vang trắng từ cô người Tạng ở quán Nhật-Trung bên Mystic trong khi chẳng có mấy dịp hồi đáp.
Riêng về hai nhà hàng xóm ở đây và ở kia, từ nhà trên núi xuống nhà bên biển, chuyện y chang cái thời bao cấp xa xưa, khi nhà này mang sang nhà kia mấy con cá khô gầy queo quà quê trong khi nhà kia cho lại nhà này lon đậu cũng là thầy bu mới gửi ra gọi là cho cháu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét