Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

chuyện phúc thiện - ở đó và ở đây

(1)

Bữa rồi tôi coi một cô youtuber người Việt sống ở Mỹ, người có cái nút bấm ra tiền trong kênh của mình, với một video chuyên đề của cô về chuyện nhận quà thực phẩm trong mùa dịch covid-19. Không rõ cô thuần tuý muốn cho bà con coi cuộc sống [đích thực] xứ cờ hoa hay cô có chút tính toán "câu lai, câu viu" mà cô chọn hành trình đến một điểm nhận thực phẩm miễn phí cho dù, như chính cô nói, gia đình cô không cần đến điều này. Túi túi bọc bọc cô nhận được, cho một gia đình hai lớn một bé, nhiều đáng kể. Mang hết về nhà, cô giới thiệu từng mục sản phẩm, sau đó giữ lại một hai món, còn thì gọi người tới để cho.

Tôi kể cho một người chuyện này với so sánh, tao đọc báo về hai bà cháu ở Texas, cũng là cảnh nhận đồ thực phẩm miễn phí mà sao họ nhọc nhằn - dậy từ sáng sớm, chờ đợi hàng tiếng mới đến lượt, và đồ có trong tay chẳng thấm tháp gì so với của cô youtuber kia. Người nghe chuyện giải thích, có thể do từng địa phương, có bao nhiêu người cần và cũng là có bao nhiêu nhà tài trợ và họ cho bao nhiêu. Sau đó, người này tỏ ý ngạc nhiên về chuyện tại sao cô kia không cần đồ mà lại đi lấy đồ [cho dù sau đó cô ý cho đi tiếp].

(2)

Có ông già tính siêu xỏ xiên có thời gian làm việc liên quan đến giáo dục đại học ở Việt Nam, ngày đẹp trời ông khoái chí buông một câu nhẹ tênh. Ngày xưa mấy vị "Robber Baron" tích đủ gia sản nuôi không biết bao đời con cháu rồi thì bỏ tiền ra mở viện đại học và/hoặc viện bảo tàng phi lợi nhuận, rồi làm đủ món chương trình, tổ chức bác ái. Còn ở chỗ các đồng chí, người ta mở đại học tư thục hình như là để làm giàu thì phải.

(3)

Cái rạp xi-nê nhỏ xinh xinh đầu phố Hai Bà Trưng bị xoá sổ bởi một đại gia tiền mới. Tôi kêu đáng tiếc, đáng tiếc. Con nhóc con làm cho đại tập đoàn của ông đại gia kia, hâm mộ ông ngang với thánh sống, ngang với thần tiên giữa cõi nhân gian thế tục, bảo phá chỗ này nhưng mà bác ý tài trợ cho trung tâm nghệ thuật đương đại, giúp đỡ nghệ sĩ trẻ, bla bla và bla. Lúc con bé đó nói, tôi nghe nghĩ ngay lập tức tới cái trung tâm thương mại gớm ghiếc giữa trung tâm Sài gòn với một cái chõng hay cái chạn tre chi chi sơn đỏ rực như màu vỏ quan tài của một trong những ông nghệ sĩ đang nhú mầm được cái ông đại gia kia tài trợ. Nhìn nó, thực trong đầu tôi chỉ phọt được đúng hai chữ, nouveau riche.

Hồi coronavirus còn là cái tên mơ hồ đối với nhân dân mấy nước Tây Phương, tôi nhớ tầm cuối tháng Hai của năm nay thì phải, có một vụ bày tỏ thái độ rất đình đám, và cũng ấn tượng nữa, của anh em activists tại British Museum nhằm chống lại PB trong vụ tập đoàn này tài trợ cho cái triển lãm về thành cổ Troy. Chẳng riêng gì chuyện ở London, mấy nhà triển lãm to ở xứ cờ hoa cũng đau đầu vì những chuyện lùm xùm liên quan đến cái tranh luận nghệ thuật được mang tới cho công chúng bởi súng đạn [giết chết vô vàn sinh mệnh] và khai thác dầu mỏ [làm cạn kiệt và huỷ hoại môi trường].

So ông đại gia tập đoàn xứ mình với các đại tập đoàn xuyên quốc gia lão luyện trong việc sử dụng nghệ thuật để củng cố các mạng lưới ảnh hưởng của mình chẳng khác nào một anh nhà quê cạnh ông hoàng có tổ tông mười tám đời ngậm thìa vàng thìa bạc thìa kim cương. Nhưng dù quê kệch hay đồ cổ đích thực, bản chất câu chuyện xem ra vẫn là một.

(4)

Vẫn chuyện đại gia, cho dù so sánh là khập khiễng nhưng tôi thấy cũng rất thú vị.

Năm nay xứ mình có lúc ồn ào chuyện cặp đôi đại gia kia nói một cách hình ảnh là một tay từ thiện một tay cầm đao chém người. Còn đôi ba năm trước, cũng là một vợ chồng đại gia, đại gia công nghệ danh tiếng toàn cầu chứ không phải đại gia chuyên buôn đất và dịch vụ đốt xác người chết hàng tỉnh, bỏ tiền phát triển mấy trường học cho bọn trẻ con gặp khó. Vấn đề là mở trường thì phải có đất, muốn có đất thì phải giải toả. Chả hiểu thoả thuận thế nào bất thành, bà con trong danh sách bị dỡ nhà chửi um lên, bảo chúng nó dùng tiền từ thiện để bù đắp cho những sự mất uy tín của cái nền tảng đang đem lại tiền bạc cho chúng nó chứ có gì khác.

Tôi không rõ vụ lùm xùm ở một góc Texas sau đó được giải quyết thế nào. Nhà đại gia công nghệ kia giàu vẫn giàu, tốp-ten thế giới vẫn tốp-ten thế giới, bất chấp xì-căng-đan các kiểu vẫn tiến bước rầm rập trong cái làng công nghệ và truyền thông xã hội. Còn đại gia phong cách hót-pót, quý tộc học mót có, giang hồ nửa mùa có, thì nghe nói vẫn đang ở tạm nơi nào đó ngoài ý muốn.

(5)

Thi thoảng lướt báo lướt mạng tôi thấy mấy cái tít giật đùng đùng anh này chị nọ trong giới sâu-bít làm từ thiện mà không thiện, với ý là điêu toa hay chỉ làm để quảng bá hình ảnh bản thân. Chẳng rõ thật hư thế nào nhưng có một sự thật là có vài nghệ sĩ thật sự rất đáng ngưỡng mộ khi họ cứ lẳng lặng làm bao năm qua rất nhiều việc tốt, tốt chân thật, tốt cụ thể, dành cho những con người và cộng đồng cụ thể. Điều hay là mấy vị này chẳng rõ cố tình hay do yếu năng lực truyền thông, lại rất ít khi nói về mình.

Cái sự vàng thau lẫn lộn tôi chỉ tà tà mặt báo với vốn liếng ngôn ngữ què cụt của mình song cũng đủ thấy tương tự ở xứ này. Chuyện đáng để ý là có mấy ông bà nghệ sĩ đại danh tiếng khi làm việc thiện lại không phải tập trung vào cơm áo gạo tiền thường nhật mà là cho một sự đầu tư dài hơi, tập trung vào thay đổi nhận thức/thái độ và nói chung là rất khó đong đo đếm bằng con mắt kính thường.

(6)

Từ mấy năm nay tôi gặp ngày càng nhiều những người, thường là chưa kịp già song đã kịp thành đạt, cả trong lời nói lẫn việc làm rất rành mạch triết lý, tao giúp thì chỉ giúp bố mẹ vì họ sinh thành ra tao, còn anh chị em con cháu thì có chút gọi là, còn lại tự họ phải lo đời họ, tiền tao làm việc thiện, tao gửi cho trung tâm bảo trợ người già cả, người khuyết tật và các bé mồ côi. Xem ra, cái vòng tròn "chuyện nhà mình, họ nhà mình, đồng hương quê mình" là nhất đã có vài vết rạn trong não trạng người Việt.

(7)

Hồi còn đang cao hứng tinh thần sản xuất luận án, tôi lẽo đẽo theo chân không ít đoàn hành hương tới các cửa chùa, cửa đền, cửa điện.

Có bữa anh đại gia ngân hàng muốn cúng tiền dựng lại tượng đá đã bị hợp tác xã cho chặt đầu vừa là để lấy nung lò vôi vừa là để đạt thành tích xoá bỏ mọi tàn dư mê tín dị đoan và làm mấy hạng mục phục hồi cho cái chùa cổ nằm trong hang ở xứ Thanh, là nơi nghe nói có vị thần bảo trợ phù lực cho sự nghiệp của anh. Nghe bà coi chùa nói thủ lục loằng ngoằng, anh tính rất nhanh, bỏ ra mấy chục triệu giúp trường học rồi nhân tiện nói chuyện với cán bộ về việc sửa chùa.

(8)

Cô bán xôi ngồi nhờ trước cổng nhà chúng tôi ở Hà Nội vốn người bên Lương, sau lấy anh chồng thì thành tín đồ Công giáo rất chân thành.

Thi thoảng tôi thấy cô bận rộn cho chuyến đi làm từ thiện này, chuyến đi làm từ thiện nọ. Tôi hỏi Nhà thờ tổ chức à, cô đáp không. Tôi hỏi Cha tổ chức à, cô đáp không. Tôi hỏi, thế thì sáng kiến là của ai.

Câu trả lời của cô là, trong xóm đạo mọi người cứ tự bảo nhau mà làm, làm riết thành quen, rồi cứ thế mà làm.

Tôi lại hỏi, thế làm thế nào. À, thì có những chuyến đi đến địa điểm quen thuộc năm nào cũng ghé qua. Lại có những địa chỉ là do ai đó trong xóm đạo nghe được tin gì đó về một ai đó hay một nơi nào đó, thế là cũng rủ nhau mà đi.

Mấy người lao động và tín đồ Công giáo đó làm việc thiện lặng lẽ. Quà tặng của họ ít khi là đồng tiền trực tiếp. Bà bán xôi góp xôi. Nhà bán thịt góp thịt rồi thêm thắt nấu vài nồi phở to bự mời bà con ở trung tâm bảo trợ xã hội nào đó xơi món. Hoặc không thì tiền góp rồi mua áo áo quần quần.

Tôi lại hỏi, thế giúp là giúp người Công giáo nhà mình à. Không, giúp là giúp thôi, giúp được ai thì giúp.

Họ cứ làm, tự nhiên, hồn nhiên, không toan tính chi như vậy.

(9)

Ông giáo già hàng năm chăm chỉ gửi tiền, khoản nhỏ nhưng mang ý tứ, giúp hệ thống radio công cộng với tư cách người quyên vô danh. Lý do ông đưa ra rất đơn giản, chỉ cần lộ cái tên ra thì sẽ bị bom thư quấy rối suốt ngày. Ông lại nói thêm, mà không gửi tiền thì áy náy, vì mình nghe radio chùa suốt cả năm mà.

Nghe xong chuyện này có con dở cười ầm ầm. Ở quê tao chẳng cần phải bom thư, cứ tổ trưởng tổ dân phố, cứ công đoàn cơ quan phát động, công thức là thế, bà con đóng góp trong trật tự.

Ông giáo già hỏi thế không ai thắc mắc à. Có chứ, thi thoảng ở khu dân cư gặp phải bà quái thai lai quái kiệt có lịch sử dài hàng cây số đời chị đại phiên bản thời bao cấp hay một ông bộ đội về hưu đấu tranh tranh đấu mãi mà chẳng giành được cái ghế nào ở các ban đại diện nhân dân thì quay sang bất mãn chuyên xem vi-di-eo của "bọn phản động",  ầm ầm phản đối, tao "đếch" đóng đấy, làm gì được tao nào. Còn ở cơ quan thì bất mãn thì thầm với nhau không phải không có, nhưng tuyệt đối chẳng có ông phó giáo sư nào hay nữ giảng viên giỏi việc nước đảm việc nhà nào nhô cái mặt ra mà bảo tôi không đóng vì tôi thấy vô lý hay em đây không thể bỏ một ngày lương ra khi chính em chưa đủ tiền bỉm sữa cho con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét