Nước dùng dẻ sườn ninh với rau củ quả:
- Ba dẻ sườn
- Nửa cây bắp cải nhỏ
- Một củ hành tây
- Một phần thân trắng của cây tỏi tây to đùng ngã ngửa
- Một củ cà rốt
- Hai củ cải đỏ (ninh một lúc thì bỏ ra để tránh bị nồng)
- Tạo mặn chính là muối. Muộn hơn cho thêm 1 thìa súp xì dầu. Còn trước khi chan nước dùng đôi ba phút mới cho thêm 1 thìa cafe mắm.
* Nồi nước ninh sôi ở lửa to chừng 5 phút thì chuyển lửa liu riu, vung đậy hờ đun cả giờ đồng hồ cho nước ngọt và sườn mềm. Tôi vốn còn muốn giã rối vài con tôm khô thả vào nồi nước dùng, nhưng giờ chỉ còn rất ít, vì muốn tiết kiệm dành cho món khác nên tôi bỏ qua tiết mục này.
hủ tiếu thập cẩm nước dùng ninh sườn và rau củ quả |
Phần nhân thập cẩm mà thực không phải là "thập":
- 6 con tôm đông lạnh xuất xứ Việt Nam đã bóc vỏ chỉ còn khấu đuôi rã đông rồi thì thả vô nồi nước dùng chờ chín
- Mấy thân mực nhỏ thái miếng theo ý rồi chần chín, lúc chần thả chút gừng đập dập tẩy tanh
- Mấy lát thịt gà luộc thái mỏng, xóc với bột muối tỏi và tiêu xay
- Và thêm dẻ sườn ninh trong nước dùng
Toppings rau và gia vị rắc ăn kèm:
- Tỏi và hành hương bằm phi tới vàng và cho thật dậy mùi
- Hành xanh thái nhỏ
- Rau mùi thái rối
* Riêng tôi còn bắt chước theo món hủ tiếu ở tiệm của người Thái, ăn nửa bát rồi thì bày đặt chêm thêm chút muối vừng lạc giã mịn, vị khác đi nhưng rất được
Đến giờ ăn, nước dùng đun sôi trở lại, chần mau tay phần sợi mỳ vốn đã được luộc chín, đặt vào bát. Sau đó lần lượt bày vào bát tôm (nấu chín trực tiếp trong nồi nước ninh), mực (đã chần chín giờ lướt qua nồi nước dùng làm nóng), thịt gà, dẻ sườn lấy ra từ nồi nước ninh. Rắc hành tươi, hành-tỏi phi rồi chan nước. Xong xuôi thả chút mùi xắt rối là có thể đánh chén.
Cạnh bát hủ tiếu bày lát chanh xanh lime. Tôi rất thích vị nước cốt chanh này, cảm thấy nó vô cùng hợp với hủ tiếu. Tiếc nhất hôm nay là không có một thân nhỏ cần tây xắt làm rau gia vị ăn kèm để lấy đủ vị đặc trưng của món.
Có một chuyện khá thú vị khi làm bữa trưa hủ tiếu hôm nay. Lúc nếm nước dùng tôi có chút hoảng vì vị xì dầu nổi lên xem chừng đậm. Nhưng khi chan nước vào phần sợi mỳ cùng với nhân và gia vị rắc kèm, đặc biệt là nhờ tỏi-hành phi, thì vị nước dùng coi như vừa đủ hài hoà với các thành phần còn lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét