Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

sám hối

(1)

Chốn cửa đền, cửa điện, chẳng rõ bà con đến lễ chân thành bao nhiêu, máu buôn mặc cả bao nhiêu với các Mẫu, các Ngài nhưng tôi dám chắc nơi cửa miệng họ luôn sẵn sàng vọt ra một từ [con xin] sám hối.  Tất thảy đều tự nhiên, kiểu đương nhiên phải thế, dù rằng sám hối cho/vì điều gì thì chắc chẳng mấy ma nào rõ. Và đó là một giao tiếp, một quan hệ có tính cá nhân/liên-cá nhân, hết sức riêng tư giữa kẻ cầu - người - và Đấng-Ở-Trên-Cao - Thánh Thần.

Xa hơn, nếu coi đó là một [màn] trình diễn thì sân khấu chỉ gói gọn trong sảnh thờ, từ tiền điện tấp nập người vái lậy tới hậu cung thường chỉ dành cho những người căn cơ đặc biệt hay có đặc quyền nhờ tiền tài, chức vị. Đó là một không gian vừa thiêng, lại vừa nhân tạo - theo nghĩa chẳng có mảy may dấu hiệu hiện diện của Mẹ Thiên Nhiên. 

(2)

Ngày còn nhỏ, tôi nghe chuyện về ông thuyền trưởng Cousteau thám hiểm lòng biển cả. Chẳng rõ gốc gác tôn giáo của ông thế nào, nhưng có một phát biểu của ông tôi luôn nhớ. Ông nói khi đã lặn sâu, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của lòng đại dương, tất con người ta phải tin rằng có Thượng Đế.

Một người giỏi giang và đáng kính khác là ông già Houghton, người cách đây 26 năm đã từng thúc giục thế giới làm việc còn có thể làm trong tầm tay thay vì đợi mười hay hai mươi năm nữa để tránh/giảm thiểu hoạ biến đổi khí hậu, cũng nói điều tương tự như Cousteau trong cuốn tự truyện/hồi ký "Trong mắt bão" của ông. Thậm chí, ông còn đi tới kết luận không thể nào có chuyện khoa học và đức tin choảng nhau cả.

(3)

Những ngày này, tuần này, tháng này, có không ít người coi covid-19 là một hoak, rồi nữa là đề cao thuyết âm mưu về con virus được thẳng thừng định danh "Vũ Hán". Đó là chưa kể vài ám ảnh tuyệt vọng về ngày tận thế đã được tiền báo từ nhiều thế kỷ trước hay thập kỷ trước. Vân vân và vân vân.

Một vài người thì lạc quan, chúng ta phải cám ơn con coronavirus vì nó làm chúng ta nhận thức và sống khác đi. Chưa biết khác đi thế nào nhưng nhìn con số người bệnh, người chết và cả bao nhiêu phiền toái tức thời cùng nguy cơ an sinh đổ vỡ kéo dài thì chắc cũng phải thần kinh đặc biệt mới đeo được đôi kính sáng màu đó.

Tôi đọc lam nham, vô tình rơi tõm vào một mẩu tâm tình thủ thỉ phảng phất vị ngôn tình. Kiểu như bước ra cửa, rẽ phải hay quẹo trái, nhìn ngay xuống chân bạn, bạn sẽ thấy cỏ cây hoa lá vẫn đâm chồi nẩy lộc cho hoa; rồi nữa là ngẩng cao đầu có thể thấy chim bay chim sà chim lượn hót véo von. 

Không sến được đến độ đấy, nhưng đúng là trong nhà bức bối nhân ngày có nắng và có đủ ấm, ra ngoài im im nhổ cỏ rồi được hồi ngồi thở dốc phì phò, lại ngó nghiêng ngay sát cạnh mình, thấy đúng là con người mình mới bất an và bạc nhược làm sao.

Mẹ Thiên Nhiên ở trên trời cao chẳng rõ giờ này làm gì. Còn dưới đây, không khí vẫn trong lành, an tĩnh. Bọn chim vẫn tíu tít líu lô, vài con dạn người còn chui vào nhà thám hiểm, vài con khác ngố ngốc nhảy lò cò trên bãi cỏ tự biến mình thành mục tiêu của mấy con mèo béo nhà hàng xóm. Hoa vẫn nở, khóm tưng bừng, khóm e ấp. Cây vẫn bung hoa, dù chẳng biết mấy tuần nữa có đậu thành quả được hay không. 

Tôi nghĩ về hoàn cảnh sống đu dây psy của mình. Rồi nghĩ về từ sám hối.

Cuối cùng, đơn giản là chốt định, nào ta sống tiếp. Avanti!





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét