Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

nhật ký thợ khâu "vườn" - quần ghép vải bông phi châu

(1)

Đường đến khu giảng đường chính của Sciences Po trên phố St. Guillaume, tôi có thói mỗi lần đi qua cửa tiệm - xưởng may của nhà Sonia Rykiel thì ngó một cái, ngó mãi thành quen mặt mấy người trong số các bà già phong cách ba-bút-sờ-ca ngồi xung quanh cái lồng váy khâu khâu vá vá. Sau thì thêm tiết mục nhăn nhở giơ tay vẫy chào, đương nhiên là tôi được nhiệt tình chào lại.

Có lần Alex qua trường đón tôi để cùng đi coi suất phim giữa chiều trong cái rạp nhỏ cũ kỹ ở khu latin với khách chủ yếu là các ông bà già và siêu già, ông anh thấy màn chào hỏi của tôi với các bà nội và bà ngoại trong tiệm thì trố mắt. Chuyện sau được kể lại trong một bữa trưa đại gia đình cuối tuần, mọi người cười ngất, còn tôi thì dứt khoát không hiểu tại sao chuyện đó lại đáng ngạc nhiên.

Hết cái tuổi sửu nhi liều lĩnh bất cần đời và gặp ai cũng nhăn nhở, tôi bắt đầu đi làm kiếm đồng tiền, bị đời phang cho không biết bao cú thì dần dần thu liễm, rồi chẳng hiểu từ lúc nào chuyển thành bài xích xã hội. Sau này khá khẩm hơn chút, có đứa dở hơi nào xán tới thì thầm to nhỏ hay vô tình va phải thì tôi né khéo chứ không sửng cồ hay chửi um lên. Nhưng dù thế nào, mỗi khi nhớ lại hình ảnh bản thân ung dung lêu lổng ở Paris, tôi thường có cảm giác nhìn thấy một "quái vật" chứ không phải cái tôi thuỷ chung nơi bản thân mình.

Liên hệ thế này có thể là kì cục, nhưng hứng thú khâu khâu vá vá của tôi nếu không phải là chính thức được kích hoạt sau chuyến đi đầu tiên đến xứ cờ hoa năm 2002 khi tôi vô tình kết giao với một bà cụ hội viên tích cực của bang hội các bà già nghiền patchwork trong thành phố nhỏ này thì sâu xa chính là có từ Mẹ trong nhà và các bà thợ khâu nhà Sonia Rykiel hảo bằng hữu qua tấm kính cửa hàng của tôi trong năm học 1996-1997 ở IEP Paris.

(2)

Thành tựu khâu khâu vá vá và thêm chút cảnh vẻ là thêu thùa của tôi thực rất mỏng.

Đáng tự hào nhất đối với tôi là tiết mục đơm cúc và lên gấu quần. Việc thường làm hơn cả, mà kết quả thực không phải là quá tốt song ở trình độ nhà-tự-làm-được thì có thể chấp nhận, là vá nhằng vá cuội che một vết rách hay một lỗ thủng nào đó trên quần áo.

Tôi cũng đã từng hăm hở đi theo thợ cả học cắt may. Vừa xinh học cắt và ráp một áo sơ-mi và một quần tây thì tôi bỏ cuộc vì thấy quá loằng ngoằng và cũng vì cái tai nạn trớ trêu máy xong cái quần thì té ngửa người vì mình ráp trái hai mặt vải cắt.

Nếu đem phép nghiên cứu tâm lý, tâm thần, phân tâm chi chi để phân tích con người qua quan hệ của y/thị với cây kim sợi chỉ và miếng vải thì hẳn tôi sẽ được xếp vào nhóm loại người đơn giản. Vì xét đến cùng, tôi chỉ có thể tự tin và kiên nhẫn với công việc này khi khâu các đường thẳng, từ lược qua tới đến đột khít hay thưa.

(3)
quần ghép từ các miếng bông châu phi của thợ khâu "vườn" đã xong

Giờ trong cái hoàn cảnh bất đắc dĩ không mong đợi mang tên thời covid-19, tôi gặp may vì có trước mặt một hộp vải vụn Châu Phi to đùng, lại lọ mọ lục lọi mấy ngăn tủ đồ tạp thì kiếm ra đủ kim đủ chỉ cho tiết mục khâu khâu vá vá giết thời gian và giết cơn buồn chán.

Cái quần vải ghép được khởi sự một cách rất ngẫu hứng, ngày làm ít ngày làm nhiều, bị chuệch choạc ghép lộn mặt vải ít nhất là hai lần, bị khâu dư ống quần quá cả gang tay song cuối cùng vẫn coi là thành hình một cái quần ống túm :-)

Chuyện hài hước nhất với cái quần thành phẩm lần này là chuyện ba cái chun, cho cạp và hai ống túm. Tôi tìm thấy cuộn thun trong cái hộp đồ khâu bằng gỗ từ đời bà cố ở trong căn nhà rừng, chun cất riêng một chỗ, còn hộp mang về nhà ở biển cho tiết mục tag sale hè năm trước. Năm nay nhớ láng ma láng máng, đinh ninh là cuộn thun đã được mang về đây từ nhà ở Hancock. Đến tiết mục thun cạp chun gấu thì mới nhận ra mình nhớ nhầm.

Đang tính làm cái dải rút, tôi chợt nhớ tới mấy cái quần sịp dành cho em bé có xuất xứ Mali trong đống vải bông nhiều màu sắc. Mau tay tháo xong cạp quần thì tôi được bữa cười bể ruột. Nói là chun cắt từ săm xe có phần hơi quá nhưng rõ ràng đó là sợi chun cao su, chứ không phải chun/thun chuyên tiết mục may vá.

Tính tới tính lui, sau rồi chủ yếu vì lười ngồi làm dây dải rút phải khâu tỉ mẩn rồi lại hì hục rút lộn ruột tượng, tôi vời tạm cái sợi chun đen sì cho cạp quần. Riêng cho hai cái gấu bo thì tôi tự cho mình  giỏi giang về đường sáng tạo, đi tìm đám chun để trong ngăn kéo đồ văn phòng phẩm.

Nào ngờ chun Mỹ thua chun Châu Phi, luồn chun thế nào thì thế, cứ được nửa vòng cái gấu quần thì nó đứt phịch. Kết quả là thêm hai cái quần sịp Phi Châu bị phá tiếp cạp để lấy chun.

Không biết sức bền của ba cái sợi chun phong cách săm xe này đến đâu. Dù thế nào, quần chuyên mặc lê la trong nhà, nếu chẳng may có phựt một phát thì con giời vẫn kịp ôm giữ không để tuột :-)))

Tối nay sự nghiệp thợ khâu "vườn" của tôi chính thức chấm dứt. Từ ngày mai, bận rộn chính sẽ là xới cỏ ngoài vườn, và đọc Sống đời đơn giản.

hy sinh ba bạn quần sịp trẻ em để vời chun cạp :-)
chun Châu Phi...
... tốt hơn chun Mỹ quốc :-)))
nhật ký ống quần (2)
nhật ký ghép ống quần (1)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét