Tối ngày cá tháng Tư, sau bữa cơm tối, tôi tiếp tục sự nghiệp khâu quần của mình. Nhoáy kim thoăn thoắt một hồi, chợt có cảm giác ngờ ngợ, hình như mình làm sai cái gì đó. Nâng lên hạ xuống hai đoạn ống quần thấy ổn, lại cắm cúi khâu tiếp. Lúc thở phào một cái đã xong thì cũng là lúc thấy mình dở khóc dở cười với hai miếng vải ghép đặt sai mặt. Tưởng xong cái quần trong buổi tối, kết quả là bày thêm ra một đống lộn xộn từ trên mặt ghế xuống mặt sàn.
Bù đắp cho cái tai nạn do cẩu thả và tính toán kém đó ra, tôi có buổi tối giải trí rất vui vẻ với một lèo các bản tin từ trong nước ra tới ngoài nước, phải trái lề nào cũng có. Nói thực theo dõi thì cũng không hẳn là đúng, chủ yếu tối muốn có âm thanh, tiếng Việt, lướt qua tai.
Có một đoạn hóng thời sự, gặp tay trái chiều, tôi cười tưởng lăn từ ghế xuống sàn với cái phát hiện vĩ đại cùng màn so sánh kiểu nói có sách mách có chứng của ông này về việc ai là người cách li nhiều nhất, kỹ nhất và dài nhất ở nhà mình trên cơ sở quy chiếu về trường hợp một tay được gọi là bầu-sô chân dài chi chi ở Sài Gòn.
Sáng nay tôi cà kê tán gẫu chút với TL. Nó làm việc ở nhà, việc nhiều và xem ra có phần mệt mỏi. Tôi tưởng nó sẽ kêu ca phàn nàn nhưng hoá ra chỉ là kể chuyện vậy. Tôi bảo nó hóng hớt tin nhà thấy Hà Nội căng về khoản máy thở, nó cười khanh khách kể cũng là một chủ đề nhưng cách nói khác nhau cho ếp-phê khác nhau. Bảo mấy triệu dân chỉ nhõn mấy trăm cái máy cũng được mà bảo nếu có một ngàn bệnh nhân thì số máy đáp ứng chỉ được một phần ba cũng chẳng sai. Tôi thói thường thích nghe thẳng toạch, ý đen sì trên mặt chữ mặt từ, để còn biết đường mà lần. Nhưng người khác thích truyền thông theo phong cách "vừa nói đúng vừa không gây hoảng loạn" thì họ cũng có cái lý lẽ của họ.
Cũng vẫn là sáng nay đọc lướt mấy tin về việc ông tổng và các ông thống [đốc] "choảng" nhau xung quanh con corona virus, thế quái nào tôi nhớ ra một chuyện về thứ được gọi tên mỹ miều và cũng là một chủ đề rất chi là à-la-mốt trong thảo luận học thuật của các vị học-giả cùng cánh doanh nhân và giới quản trị xứ ta: leadership.
Ngày bé nhà nghèo không có nhiều truyện tranh sách báo để đọc giải trí và nuôi dưỡng tâm hồn hay hấp thụ kỹ năng sống chi chi như bọn trẻ con nhà khá giả và tương đối khá giả bây giờ, tôi đọc nhôm nhoam đủ mọi thứ sẵn trong tầm tay. Trong nhà có cuốn sách nhỏ kỷ niệm 20 hay 25 năm chi chi ngày thành lập cái trường đại học được tính là trong tốp các cơ sở đào tạo nếu không phải là đất Bắc thì là trong cả nước.
Long trọng một trang của cuốn sách/kỷ yếu này có hình Bác Hồ về thăm trường. Tôi nhớ có người già nhìn thấy tôi đọc sách này và xem ảnh này thì tủm tỉm cười nói đại ý là câu chuyện chỉ được kể một nửa. Lãnh tụ về thăm trường không phải theo kế hoạch, không để trao bằng khen hay huân chương trong một kỳ cuộc mít-tinh, kỷ niệm, lễ lạt to gì đó, cũng chẳng phải là để đánh giá cao nỗ lực lý luận và đào tạo cán bộ cho sự nghiệp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chi chi.
Đó là một chuyến thăm đột xuất, sau khi Bác đọc báo Nhân dân thấy điểm tin mấy chục đồng chí sinh viên và giáo viên bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn tại nhà ăn tập thể của trường, hình như là từ món cá biển.
Chuyện xa xưa vậy hẳn chẳng mấy người nhớ. Mới rồi nhân kỷ niệm nhiều chục năm thành lập của viện đại học đó, tôi còn thấy bức tranh vẽ Bác Hồ về thăm trường mà tác giả là một bác đã từng là bạn thân thiết của người lớn trong nhà.
Chuyện tám nhảm cù nhèo của ông ở hải-ngoại tối qua, chuyện năng lực tính truyền thông và dẫn dắt đám đông kinh qua cơn khủng hoảng của các vị lãnh đạo, rồi lại chuyện con cá biển làm một đống người lâm vào hoàn cảnh Tào Tháo đuổi từ hơn nửa thế kỷ trước, tổng hợp lại thích coi là hỗn hợp bông phèng thì là bông phèng, mà ngẫm nghĩ chút thì xem ra có đôi phần ý tứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét