Tầm này năm trước, thế giới thổn thức vì chuyện bà-hoả ghé thăm cái nhà thờ ở Paris. Tôi đờ đẫn mất hơn ngày khi đọc email của TA báo tin ông cụ Paul rời bỏ thế giới. Trong khi bạn đồng hành phẫn nộ vì cái sự mất mát văn hoá kia thì tôi thấy có chút thiếu công bằng từ nhân vật mang tên Ông Giời hay Thượng Đế chi chi với ông cụ Paul.
Sau một năm, tôi thi thoảng vẫn nhớ về người bạn thư từ dư năng lượng u mặc và cả sarcasm này. Đến hẹn lại lên, thế giới dù chật vật đề phòng con coronavirus vẫn không quên thổn thức và làm giỗ cho cái tháp chuông sập.
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, tôi nhìn lại một đứa tôi trẻ ranh lăng xa lăng xăng và nói năng đa phần là những điều nhảm nhí đặc trưng của đám sửu nhi ếch ngồi đáy giếng và không biết sợ là gì bám đuôi ông cụ Paul và hai bà người Thái làm một quệt qua Bruges, Ostende, uống bia say lướt khướt ở Bruxelles và đứng giữa đường ngó Laon trong ráng chiều vàng rộm. Tôi nhớ cả Procope và Coupole với những khuôn mặt Pháp-Thái phần đông xa lạ nhưng tinh thần chung là vui vẻ hữu ái.
Nghe nói ở Nhà Thờ Đức Bà giờ người ta vẫn có thể nhìn thấy bầu trời qua cái lỗ to. Tôi không có suy niệm nghiêm túc hay sâu sắc gì. Thời dịch bệnh, nhớ về người bạn già, đột nhiên tôi nhìn ra một chiều nhận thức mới. Ông cụ Paul có lẽ là người thật may mắn vì không phải biết đến cả đám cháy kia lẫn cơn hoành hành của món covid-19 này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét