các trái táo rừng tiếp tục lớn |
Chủ nhật, sau bữa trưa chớp nhoáng, chúng tôi xếp đồ đi nhà rừng.
Chuẩn bị đi thì ông hàng xóm bên kia đường qua báo tin bà cụ già gần trăm tuổi nhà bên cạnh sau cú vỡ xương hông phải đi cấp cứu bữa trước giờ đã về nhà với covid-19. Con virus chết tiệt giờ xem ra đã ở thật gần! Mà ông hàng xóm này hay, chuyên chạy qua chạy lại xí xớn tám chuyện với ông con trai của bà cụ, giờ kêu oai oái tao lo cho tao và vợ tao, nhưng khi nói chuyện xem ra ông chẳng buồn khách sáo với ông lão nhà tôi. Hai ông cách nhau vừa xinh khoảng cách chưa đầy nửa mét, không rõ có bao nước miếng văng ra trong cuộc chuyện trò ngắn đó.
(2)
Đang nóng bức người ở thành phố biển, lên núi vào rừng tôi run lập cập vì rét. Bữa tối đầu tiên xuống núi, ăn ở ngoài sân - vốn là chỗ đậu xe giờ được chất mùn gỗ thành hàng rào phân cách thành khu ăn uống - của tiệm Mễ, tuốt tuột đều trong hộp giấy và cốc, hộp nhựa. Khách ăn và bạn đánh chén ngồi đối diện ai nấy quần cộc áo cộc, riêng tôi ba lượt áo từ hạ qua thu tới đông vẫn nghiến răng nghiến lợi mong sao cho mau xong bữa để được về nhà.
Tiệm ăn nằm trong địa phận NY, khoảng cách giữa các bàn thông thoáng hơn rất nhiều so với các tiệm ở thành phố biển. Hài hước nhất là cảnh khách quen đến quán, lố nhố một đám người bịt mặt nhưng vẫn rất đầy đủ nghi lễ chào hỏi, thơm má và vòng tay ôm, vỗ vỗ lưng cô phục vụ người xăm trổ chi chít, áo hở khe ngực ôm hai bầu tròn nẩy tưng tưng và mang quần soọc siêu tiết kiệm vải, vừa đủ che non nửa cặp mông bự điển hình của chị em lai Mỹ-Phi với Hispanics.
(3)
Ngoài bữa ăn ngoài duy nhất do đến nơi quá muộn, còn lại mấy ngày chúng tôi tự tung tự tác với nguyên liệu mang từ nhà biển và rau củ quả tươi mua từ nông trại dưới núi, cũng thuộc địa phận NY.
Cũng là sản phẩm tươi từ đất vườn nông trại nhưng có vẻ như ở đây, từ trái bắp tới bọn quả mọng và dưa đủ giống cũng như cà chua, dưa leo, tuốt tuột đều ngon và ngọt hơn nhiều so với Connecticut.
Giá cả cũng mềm mại hơn rất nhiều. Trừ ngoại lệ duy nhất là các củ tỏi "thần thánh" có giá tròn xoe 2 đồng tiền một củ. Mà nhân chuyện này, con giời mới chép miệng xoè tay tính nhẩm, mình đã nhận bao nhiêu quà tỏi từ vườn ông cha hàng xóm rồi nhỉ :-)
(4)
Chuyến đi này, xem ra Tiên sinh cai được chút đỉnh căn bệnh căn-cơ, nếu không nói toạc ra là ki-bo :-)
Chúng tôi ghé qua tiệm đồ bếp nổi tiếng ở Pittsfield cả thảy hai lần, mỗi lần rời tiệm đều kĩu kịt tay túi này tay túi nọ đồ bếp.
Cuối cùng, bếp nhà Hancock đã có một con dao - Chef's knife - của riêng mình. Dao Đức loại tốt, chắc bị bỏ ế đến hơn mười năm, giờ giá bán ra rẻ bèo so với đám con cháu sinh sau đẻ muộn của nó. Tôi thậm chí còn hấp ha hấp háy hỏi cô bé bán hàng còn dư con nào thì tậu cho bếp nhà Hà Nội. Đáng tiếc có cả một đống người "khôn" như tôi, trong đó có chính cô bé này. Cô bảo, chủ vừa lệnh bán tống tháo, cô chơi liền tay hai con dao mác này. Khi tôi bảo thích thế, dao này dùng trọn đời, cô hồ hởi nói cười bảo đúng đúng.
Trước đống thành tích mua sắm đồ bếp, tôi hoan hỉ hứng chí gấp vạn lần ông lão bên cạnh. Lý do, cuối cùng giấc mơ chảo chiên xào bếp Hoa - carbon steel wok - của tôi đã thành hiện thực. Tôi cũng tìm được cái rack như ý có thể phù phép thành kẹp nướng chả cho món bún chả Hà Nội mà bấy lâu tôi vẫn nhớ nhung, và cả một khay làm bánh sò chuẩn chỉnh.
Thêm nữa là Tiên sinh mắt tinh, nhìn ra và nhặt vào giỏ đồ cho tôi một cây cán bột gỗ. Ông băn khoăn giữa cán gỗ và cán đá. Tôi mù tịt về mấy công việc làm bánh trái, nghĩ chút thì bảo ông, thôi thì cứ chọn cán gỗ cho đúng truyền thống, cho nó lành.
Tôi hay cười nhạo bạn đời ki-bo nhưng thực thì cái năng lực này tôi dư chẳng kém. Sau mấy phút suy tính trước các kệ bày đồ bếp vô cùng mời gọi, tôi đã nói không với ý tưởng kiếm một tấm mat silicon cho tiết mục làm bánh. Cho tới giờ, mặt sàn đá bàn bếp được làm sạch vẫn luôn là một tấm lót hoàn hảo rồi mà :-)
(5)
Trong lần tới nhà rừng này, trong các đầu việc cần làm không có tiết mục cắt cỏ. Tôi đau chân, lại bị một ngày dật dẹo giống như mắc cúm nên không nhận giúp Tiên sinh việc sơn mặt gỗ lót lối vào tầng hầm để xe, việc được lùi lại cho chuyến đi tới.
Toàn bộ thời gian làm việc ngoài trời của ông lão chỉ tập trung vào phát quang các mép rừng và đốn củi cho lò đốt ngoài hiên mỗi tối.
Người xưa cưỡi ngựa đeo cung kiếm đi săn thú. Tiên sinh nghênh ngang đeo vắt sau lưng cưa máy chuyên dụng dài gần hai mét, cưỡi máy kéo tiến thẳng vào rừng. Tôi đứng từ hiên nhìn cảnh đó, cười tưởng bục bao tử.
(6)
Lần này ở nhà rừng, lũ hươu con không ghé thăm trảng cỏ sau nhà. Tôi chỉ nhìn thấy chúng từ xa, trên đường xuống núi, ở trên một bãi đất rộng của nhà hàng xóm nào đó một tiểu đội chừng dăm bảy đồng chí đang quậy tưng bừng.
Chúng tôi dành một phần thời gian không nhỏ cho việc thu hút lũ chim trước khi mùa di cư tránh đông của chúng bắt đầu. Khác với bọn chim bên nhà biển, được chiều chuộng quen và đỏng đà đỏng đảnh, bọn chim ở nhà rừng thật thà chất phác hơn rất nhiều. Nghe tiếng líu ríu chuyện trò của chúng suốt cả ngày cảm giác rất an bình cùng khoáng đạt.
Mà hay nhất là cơn cuồng hummingbirds của ông lão xem ra lần này được thoả mãn tuyệt đối. Lũ chim đực trưởng thành đã lên đường di cư. Còn lại các ả chim mẹ cũng tụi chim non. Chúng tôi đếm được cả thảy năm bạn, vừa xinh một dàn đồng ca máy bay trực thăng bà già, le te vè vè vui mắt vui tai.
(7)
Xa xa ở rặng núi trước mắt có vợ chồng nhà kia giờ đang rao bán đất rừng. Giá nghe nói nhiều triệu đồng mỹ kim. Bạn đời rầu rĩ đất đó bán đi, cánh developers đến thì coi như là hết cái thời thanh bình hạnh phúc sống trong quạnh hiu tự giác.
Tôi chỉ biết an ủi ông, thứ nhất là đất chưa bán nên ông cứ yên tâm nhìn các sắc lá chuyển màu theo thời gian của ngày, của tháng, của mùa. Thứ hai là nhà ở đây không xây liền kề như ở Việt Nam nên ông cứ yên tâm không loạn mắt bởi nhấp nhô mái nhà. Thứ ba là dù gì họ - các vị hàng xóm tương lai trong tưởng tượng - ở rất xa ông, trừ phi có thằng bệnh hoạn nó dùng ống nhòm ngó trộm ông - mà một ông lão như ông thì có quái gì hấp dẫn để bị rình cơ chứ - thì chẳng bao giờ có chuyện ông ở trong khoảng cách đủ gần để giơ tay vẫy vẫy và gào lên mấy câu hỏi han. Thế nên dù thế nào ông vẫn hạnh phúc chán theo kiểu mình ta với ta!
(8)
Xứ cờ-hoa có thủ lĩnh bưu điện mới. Đe doạ xoá sổ các điểm bưu điện nhỏ vùng sâu vùng xa xem ra càng thêm lớn.
Bình thường để lấy thư, cần phải chạy xe xuống khu resort cho dân trượt tuyết, mất đâu mươi phút một lượt đi. Nếu cái điểm bưu điện này bị giải tán, mấy nhà trên núi sẽ phải đi thành phố lớn cách vài chục dặm đường.
Tôi nghe chuyện này xong cười khơ khơ, úi thế hoá ra xứ này tưởng hiện đại mà hoá đi giật lùi này :-)))
(9)
Ngày quay lại nhà biển, gần về tới nơi, Tiên sinh nhận được hai cuộc điện thoại của ông hàng xóm bên kia đường, thông báo hai chuyến viếng thăm của cảnh sát thành phố sau hai lượt chuông an ninh kêu ầm ĩ. Ông hàng xóm bảo, đến lần thứ hai thì ông cảnh sát phát cáu vì địa chỉ nhà không nằm trong danh sách đăng ký thông tin kết nối cảnh báo an ninh với sở cảnh sát. Vì thế, ông cảnh sát phẩy mông đi với cái mẩu giấy đỏ choét mang tít đậm warning báo nguy cơ nộp phạt của gia chủ.
Ông nhà bên này vừa thò chân xuống mặt đường thì ông nhà bên kia không biết từ đâu đã tót ra trước mặt, bô lô ba la tái hiện hai màn can thiệp của cảnh sát, và khi được ông bên này cám ơn thì ông phẩy tay, có hàng xóm để làm gì [nếu không phải là cho những việc thế này]. Tiện thể, ông thông báo, bà cụ già gần trăm tuổi hoá ra không có covid. Hú hồn!
Ngày hôm sau, sau một hồi tìm kiếm, ông lão cũng thấy tờ biên lai chứng thực đã đăng ký với sở cảnh sát. Chưa tới bốn giờ chiều, ông alô thì chỉ nghe tiếng máy trả lời tự động thông báo đã hết giờ làm việc [hành chính]. Tiếp sau đó tôi nghe thấy ông nỉ non trình bày hoàn cảnh, nhấn mạnh không ngừng ông cảm kích thế nào về sự can thiệp kịp thời của các thủ trưởng an ninh địa phương trước khi đọc to, rõ rành số biên lai để cập nhật tình hình đăng ký của ông.
Ai kêu gào phải cải tổ này nọ lực lượng cảnh sát sau vụ Floyd cứ kêu. Nhưng rõ ràng là khi có chuyện thì đúng là dứt khoát không thể thiếu mấy ông cùng các chiến hữu chạy xe đỏ [cứu hoả] và xe trắng [cứu thương].
Mà tự dưng vẫn như mọi khi đầy ắp các mẩu vụn xỏ xiên và thuyết âm mưu trong óc, tôi chợt nghĩ đến một chuyện, bác tổng Chăm thật là thông minh khi tung ra cái màn quảng cáo bầu cử/chính trị nhằm vào các quý bà nội trợ sống trong các khu nhà giàu vùng biên thành phố với những tạo cảnh nhân vật trong câu chuyện tuyệt vọng ra sao khi gọi điện chín một một mà chẳng có ma nào tới vì cái sự cải tổ cảnh sát [mang tính dự phóng] như một đám đông dân chúng cùng không ít đối thủ chính trị chính em của ông đang yêu sách.
trảng cỏ nhìn từ mép rừng mới phát quang |
trở về từ rừng |
em bé hummingbird |
ivy từ nhà biển mang đến trồng ở nhà rừng - black tape siêu lợi hại |
điểm bưu điện trong vùng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét