Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

mâm ngũ quả "thiên chúa" & tám nhảm chuyện tu

từ vườn rau [của] Thiên Chúa
(1)

Tôi kể cho TL chuyện được một khay rau củ tú hụ từ ông cha hàng xóm, nó bảo sướng nhá, tha hồ ăn rau miễn phí. Xong nó cười khành khạch, thế có bị gạ gẫm theo Thiên Chúa không.

Tôi mải nhìn cái phà đang rì rì ngang qua trước nhà nên nghe ra ý tứ câu hỏi của nó là, liệu vì được ăn rau miễn phí nhiều quá thì có cao hứng đòi đi theo Thiên Chúa không. Tức thì con giời nguyây nguyẩy, không đâu, tốn kém lắm, đi nhà thờ là phải đóng góp tiền đấy, mà mình có đồng xu mẻ nào đâu.

TL nhắc lại câu hỏi của nó - ông cha cho rau rồi thì có kêu theo đạo của ông không, tôi báo cáo liền, không có cái chuyện đấy đâu.

Ông cha bộ dạng cà lơ phất phơ ngoài vườn rau có mà dáng vẻ của tay trùm về hưu cũng có, lại nữa là đến giờ phụng sự thì vô cùng nghiêm trang lịch lãm trong trang phục rặt một sắc đen tu sĩ. Ông uyển chuyển cài ghép những tụng ca dành cho Thiên Chúa và Giáo hội, trong khi vô cùng khéo biểu tỏ vốn hiểu biết rộng và sâu về mấy bộ lạc người bản xứ Mỹ Châu cũng như thế giới tín đồ Công giáo từ Châu Âu sang Châu Mỹ với vô số độc đáo riêng của văn hoá vùng miền, của ngôn ngữ và đặc biệt nhất là của/về thực phẩm, thức ăn.

Một người như thế thì lấy đâu ra chuyện thô thô thiển thiển hỏi mày có theo đạo của tao không cơ chứ :-)))

(2)

Đằng sau vườn nhà Hà Nội, chỗ giáp với hàng xóm ở toà nhà kế bên có một đôi vợ chồng chẳng rõ từ đâu ngày ngày tới bán hoa quả theo mùa, chồng ngồi gọt dứa gọt xoài hoặc rỗi thì le te chạy sang bà tám với mấy ông đội trông xe của phường ở ngay cạnh đó trong khi không lơ là chủ quan công việc trông coi hàng hoá và đánh giá từ xa các bà các cô khách ăn vặt tiềm năng, còn vợ thì lững thững dắt xe đạp vòng quanh tiểu khu bán quả rong.

Nhân chuyện mâm ngũ quả quà từ Thiên Chúa của tôi, TL kể chuyện vợ chồng nhà đó. Hai người lớn chỉ trông vào mấy cái rổ, thúng và mẹt quả mà thong thả nuôi ba đứa con gái, đứa lớn đã tốt nghiệp [đại học] giờ bắt đầu đi làm, đứa giữa đang là sinh viên còn đứa út là học sinh cấp III.

Chẳng rõ dắt díu nhau thế nào, cả ba cô công chúa trong nhà đều là tín đồ tích cực của một giáo hội chính thức bị xem là ngoài luồng ở xứ mình. Ông bố ngày nọ bực bội khi thấy con mình "cuồng tín" thì nổi cơn tam bành đem hết kinh sách của đám con ra đốt sạch sẽ. Ba cô kia tuyên bố dứt khoát bỏ nhà ra đi.

Cô hàng xóm nhà ở tầng 5 sáng thứ Bảy đi chợ qua dừng lại tám gẫu mấy câu, nghe vợ chồng nhà kia tâm sự tình hình con cái trong nhà thì vội vàng hối thúc, một người ở lại bán hàng còn người kia phải về mà trông coi bọn con gái chứ chúng nó bỏ đi thật thì chết dở.

TL kể đến đây hỏi tôi có đoán được phản ứng của hai vị phụ huynh trong câu chuyện không. Tôi nghĩ rất nhanh hay là hoảng quá thì họ sẽ phi thẳng về nhà; lại hoặc không họ sẽ bảo kệ "mịa" chúng nó...

Với ngôn ngữ sinh động của TL, tôi thấy một màn hai ông bà bán quả đùn đẩy nhau, chẳng ai chịu gánh cái nhiệm vụ vẻ vang chạy về nhìn chằm chằm ba cô con gái của mình.

(3)

Trong nhiều năm, toà nhà tập thể cũ ở Hà Nội của chúng tôi có một bác gái giữ vai tổ trưởng tổ dân phố, vô cùng tậm tâm và được phần đông cư dân toà nhà yêu quý, nể trọng.

Cách đây đâu hai ba năm, đột ngột một ngày tôi thấy rơi từ trên trời một vị thủ lĩnh đại diện nhân dân mới tinh. Sau đó hơn nửa năm, từ cái ổ đàn bà buôn chuyện cạnh hàng xôi và hàng quả bán nhờ trước cổng nhà, tôi nghe nói bác gái đã chuyển về sống cùng con gái ở chỗ khác vì ở đây, con trai và con dâu láo toét, đối xử vô cùng tệ bạc với bác.

Hôm nay TL vẫn trong mạch chuyện đức tin và tu tập, nói với tôi nó vừa nghe một phiên bản khác về cùng các nhân vật bác gái cùng con trai và con dâu. Chuyện là chẳng có lũ con mất dạy nào ở đây cả mà mọi nguyên cớ phát sinh từ việc bác gái đắm đuối trong thế giới của "Sư phụ" và một phong trào tu tập cũng bị coi là không chính thống nếu không nói thẳng ra là bất hợp pháp ở xứ mình.

Bác đùng đùng đòi các con dỡ bỏ bàn thờ tổ tiên, bị bệnh thì dứt khoát không uống thuốc và giải thích với mọi người mình làm gì Sư phụ cũng biết hết. Rồi nữa, cô hàng xóm nhà tầng 5 kia khi mới phát hiện mình bị ung thư còn đang luống cuống trước các phương án điều trị và chăm dưỡng thì đã không ít lần bị bác gái "quầy rầy" với những lời khuyên tu tập sẽ cứu vớt đời.

Tin mới nhất về bác gái là bác ở nhà con gái, đau ốm nặng nề quá thì con buộc đi khám. Bác sĩ xem kết quả loãng xương, thoái hoá khớp, vân vân và vân vân, xong rồi thì phán đúng một câu, quá muộn rồi.

(4)

Tôi chật vật với cái bản thảo luận án của mình, xem ra sẽ vĩnh viễn đóng băng ở chế độ "đang chạy".

Có lẽ vì còn rơi rớt chút "máu me" của những ngày xông pha nhìn ngó hỏi han các thế giới tu đạo, tu tập, từ chính thống qua tại gia tới ngầm, giờ trúng vào mùa dịch bị nhốt và tự nhốt trong nhà thì rỗi hơi thử theo dõi cái vụ lùm xùm của một đám tự xưng là người tu.

Chuyện bi hài cả mớ dài hàng trăm dặm chắc chẳng bao giờ có hồi kết. Điều làm tôi buồn cười không phải là bản thân các diễn viên chính của vở hài kịch "tu thế tục"kia - những người mắt đảo điên thao láo, nói năng đời hơn cả người đời, và tuyệt đối không thấy bất cứ bóng dáng gì của những phẩm khiêm cung, tín đạo chi chi - mà là một đám đông say nắng các phan hâm mộ nhiệt tình ca tụng ủng hộ họ vô điều kiện.

Những khán giả kiêm tín đồ kiêm mạnh thường quân này có những lập luận rất kỳ dị. Kiểu như các "thầy/cô" của họ có bị chứng minh là đã làm những điều không hợp lẽ thường cả về đường đời lẫn đường tu đạo thì cũng chẳng sao, bất chấp tu mạo danh, bất chấp đổi đen thành trắng khi khoác áo con côi lên một lũ nhóc có gốc gác đàng hoàng. Coi mấy mẩu phát ngôn kèm khóc than của họ tôi càng hiểu rõ hơn chẳng phải vô cớ mà trước nay đã có không ít cảnh báo về những cơn điên loạn của đám đông nhân danh chính trị và tôn giáo.

Tôi coi mấy anh em tự nhận mình là "chính nghĩa" tấn công ầm ầm đám giả-tu và phan cuồng kia có chút gợi nhắc hình ảnh lão Đông-ki-sốt lao mình vào cối xay thì có chút ngứa ngáy. Mấy ông này dại quá, sao không biết đường ngâm cứu cái luật tín ngưỡng, tôn giáo tươi roi rói từ đôi năm trước kia kìa. Lôi cái thước đấy ra đo, sai lè lè có mà ra hàng đống. Sốt ruột cái cảnh mấy ông cứ toe toe chửi vòng quanh giữa đình mà bà con làng nước lại thích coi đám con hát hơn là suy nghĩ một chuyện nghiêm túc bằng cái đầu thông thái của mình.

Ơ nhưng mà ai biết được, liệu mấy ông "chính nghĩa" có phải là tu thứ thiệt không hay những xông pha chỉ trích cùng "đấu tranh" của các ông cũng có chung một logic câu viu cầu lai như cái đám đầu trọc áo nâu sồng xưng thầy với thiên hạ và một bầy đàn "đệ tử" ngông cuồng ngạo nghịch với lời thoá lị từ người thường qua đại diện của chính quyền.

Cả phía này lẫn phía kia, thực thà tôi chẳng thấy bóng dáng quái gì của Đức Phật, của những răn dạy của Ngài.

Mà bỏ qua chuyện tu thật tu giả thì cái tổ hợp kia quả đáng được mời tham gia mấy sâu truyền hình doanh nhân thành đạt hay nhà từ thiện vĩ đại của năm. Đó là chưa kể tài năng pi a, ma két tinh, quảng bá thu hút mạnh thường quân của họ đáng để cho toàn bộ ngành công nghiệp thiện nguyện cũng như tuốt tuột mấy giới tinh anh đình đám trên mạng xã hội chuyên tâm nghiên cứu và học tập. Về mặt này, đóng góp xã hội của họ quả là to.

(5)

Đâu chừng ba năm trước, tôi ngồi vắt vẻo nốc cafe và xơi bánh ngọt ở Highlands với HĐ. Bạn nhỏ đến muộn, ồn ào xin lỗi rồi ồn ào kể chuyện mình chuyện người.

Trong mạch chuyện đó, nó nhắc việc gặp Cô L., một người tôi biết đã nhiều năm. Cô là ân nhân của HĐ, thân cận với nó như trưởng bối trong nhà. Còn với tôi thì là một quan hệ sơ sơ nhưng đặc biệt. Nhờ Cô mà tôi biết đến mấy cô chú bác sinh hoạt trong một nhóm Nội đạo tràng rồi dòng phái này khác mang danh tu Phật chuyên đám đệ tử nếu không phải là [vợ] quan chức, [vợ] đại gia thì là [nữ] cường nhân tiền mới tự vươn lên.

Đại loại là sau mấy lần lê la theo Cô đến mấy tổ nhóm sinh hoạt, thường là ở trên căn gác của một ngôi nhà cổ trong khu phố cổ, thì đầu tôi ung ung chực vỡ. Tôi chạy mất dạng, thậm chí còn chẳng quay lại cái thư viện nhà chùa rất hay ho mà cô giới thiệu cho nữa.

HĐ chỉ cho tôi một đống ảnh nó theo chân Cô L. và Cô VA, đều là đại gia theo đúng nghĩa đen của từ, đến thăm một quý Thầy có thiền viện trên núi gần Hà Nội. Nhìn ảnh, tôi cứ ngỡ trang viên của một anh Tàu sống ở vùng ven Austin, nhà đẹp như mơ, đồ gỗ đẹp như mơ. Tôi cười khì khì bảo HĐ, tu này gọi là tu tiên. Con bé gật gù đồng ý rồi tiếp tục bấm nút chỉ cho tôi coi hết ảnh này đến hình khác với giọng kể thì thào mà sặc mùi tự đắc như thể chùa của nó vậy, rằng ông thầy này giỏi lắm, quan hệ rộng lắm, kiêu lắm. Theo lời của HĐ, ông thầy này chỉ nhận tín đồ là quan chức và đại gia, thậm chí tín đồ Việt kiều nhiều hơn trong nước; rằng ông giỏi phù phép từ quả đồi đất không giấy tờ minh bạch giờ đã ung dung chính chủ sổ đỏ như thế nào.

HĐ lại kể trước chuyến thăm này của đám Việt kiều Châu Âu, hai cô chúng tôi quen biết còn có một vòng vèo thăm viếng chùa chiền đền điện ở mấy tỉnh miền núi phía Bắc. Rằng thì là mà trên đường đi, vô tình hai cô lạc vào cái chùa cũ rách nát nào đó ở đất quê chè.

Ông thầy ở đó chắc chưa dày mình kinh nghiệm giao tiếp xã hội với đám nhà giàu, kêu khổ than thiếu đủ đường, thấy hai bà kia gật gù tiếp nhận thông tin và hứa giúp đỡ thì nhân đà thỏ thẻ xin một khoản năm chục triệu đồng tiền.

Hai cô kia hỏi để làm gì, ông thầy lại bẽn lẽn trình bày, để nhờ người mua từ nước Tàu cái áo cà sa đẳng cấp.

Hai bà nhà giàu tu kiểu tu sang tu quý tộc đã định bụng gửi nhà chùa dăm triệu đồng mang cái danh phát tâm công đức "giọt dầu" tức thì trở mặt, hứa hẹn qua loa vài câu rồi biến thẳng.

(6)

Năm ngoái trên hành trình về Hà Nội, trong chặng nghỉ ở Narita tôi nghe lỏm chuyện của một bạn trẻ mặt qua dao kéo thành nhìn xa hoa hậu lại gần hoá ma với một cô trung niên điển hình của vợ ông hàm bộ trưởng khéo léo phô ra cái vẻ chất phác giản dị nhưng mở miệng thì vẫn nguyên chất giọng người đàn bà châu thổ khoe khéo ơi là khéo tao là ai, chồng con tao là ai.

Cô trẻ mách nước đường hướng chuyển tiền từ ta sang tây và ngược lại. Rồi lại khoe em sang chơi mấy tháng thăm bà chị định cư ở Texas. Rồi cô bô lô ba la kể trong các hạng mục kinh doanh hiệu quả xứ cờ hoa giờ này, có một món đảm bảo đánh mau thắng mau mà lại tiền vào bền vững.

Từ nghe vô tình, tôi thành kẻ rình mò hữu ý, giỏng hết cỡ lỗ nhĩ ra phía hai nữ phụ. Chuyện từ mồm miệng cô trẻ kia hoá ra là kinh doanh tôn giáo.

Cô bảo có hai món, xây chùa thỉnh sư từ nhà mình sang. Cô bảo, không cần sư quá giỏi, chức quá to, chỉ cần biết nói chút tiếng Anh, mặt mũi sáng sủa tý tý là được.

Rồi cô nói tiếp, nhưng mà vụ này chưa hay. Chắc cú nữa là đăng ký mở các trung tâm tâm linh hút cái bọn Mỹ nhà giàu tính lại ương ương, cho chúng nó ăn chay ngồi thiền cứ mỗi đợt đôi ba tuần, tiền chảy ầm ầm vào túi luôn!

Chẳng rõ mùa cô vít cô veo này, bà chị gái của cô kia có còn đón khách thiền khách chay không.

(7)

Hàng xôi bán nhờ trước cửa vốn gốc dân Lương, lấy chồng bên Đạo thì hoá thành con chiên.

Có một dạo tự nhiên thấy cô hàng xôi mặt hoa da phấn chăm dưỡng sắc đẹp ầm ầm. Theo nguồn thạo tin của một tay bà tám lão luyện trong tiểu khu thì hoá ra chồng cô ỡm ờ với một cô bạn của cô và cũng kinh doanh nghề xôi như cô. Tức tốc cô lo chuyện vừa dằn mặt cô bạn xấu kia vừa chăm lo tút tát bản thân.

TL biết chuyện này cứ thắc mắc mãi, tưởng theo Thiên Chúa thì ngoan lắm, đâu có léng phéng tình củm ngoài khuôn khổ nhỉ.

Mà vẫn chuyện cái xóm đạo đó, Nhà thờ nâng cấp sửa sang một chút công trình, anh em nam giới trong xóm góp công góp sức đến làm. Tiện ở đó thì ngoài "công quả" ra, anh em tranh thủ mở chiếu bài bạc, ăn tiền đàng hoàng.

Vẫn là TL, nó thắc mắc với cô hàng xôi, thế Cha không nói gì à, thế không sợ là có tội à. Cô hàng xôi không nói gì về ông cha. Còn về "tội lỗi" thì cô tỉnh bơ, xưng tội là coi như mình hết tội.

Mà thế thì mới có chuyện nhiều năm về trước, chúng tôi một lũ dở hơi ôm cái bàn nước to tướng ề à trêu chọc nhau chán thì cá cược tối mai đề về là gì. Tôi vẫn nhớ cảnh TL nháy máy cho hàng xôi nhờ ghi đôi ba con đề. Cô kia mọi khi dõng dạc nói lời bữa đó chẳng hiểu sao giọng thì thà thì thụt. Hoá ra cô đang đi lễ nhà thờ.

(8)

Cho cuộc sống mới, tôi rời cái ổ - phòng gỗ bé tin hin trong nhà Hà Nội để thấy mình ở giữa tầng trời của một toà chung cư cũ.

Theo phép tắc thông thường, tôi phải chọn qua một cửa chùa hay cửa đền cửa đình lân cận để làm thủ tục báo cáo và ra mắt.

Tính tới tính lui, ngày đẹp giời, tôi rảo bộ qua cái đền cổ ở góc đường gần nơi sinh sống mới của mình.

Đền cổ vốn là của nhân dân - dân mấy làng sở tại, trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử giờ chính thức nằm dưới sự quản lý mang tên Nhà nước song cũng không thiếu một cặp đôi vợ chồng coi đền mang đầy đủ đặc trưng của đám con của Mẫu, của Ngài.

Tôi làm lễ xong được hai bác ban quản lý mời ngồi dùng trà. Đang chuyện trò vui vẻ thì anh chồng kia tay giẻ xông pha chà đạp cái mặt bàn nước từ đông sang tây, từ nam ngược bắc rồi nhìn tôi chằm chằm chán thì phán chắc nịch, cô này cười không mở miệng tính chắc lắm đây, đố ai lấy được của cô một đồng. Con giời mím môi cười, dạ thì thào đối đáp, có cắc mẻ nào mà mất cơ chứ.

Rồi anh tiếp tục tràng giang đại hải một hồi trước khi kết luận, rằng thì là mà tôi cần sám hối.

Vấn đề là cả anh cùng chị vợ - vừa giúp chồng chăm lo việc nơi cửa đền lại vừa có một cái điện tại gia là điểm đến của không ít con nhang đệ tử theo lời của chính chị, kể đủ đống chuyện Thánh đày, Thánh vật doạ tôi bất thành vì bản chất ki-bo cuả tôi thắng thế, cương quyết không mất tiền lễ sám hối.

Tôi cố gắng không để anh chị mất mặt, trước khi về thì ngay ngắn làm đúng thủ tục chào hỏi theo hướng dẫn của anh, nói to nói rõ con xin sám hối [....].

Xong xuôi, tôi  ra về với một túi lộc to tướng đóng sẵn do một bà cụ già lưng còng thiếu khăn mỏ quạ, váy đụp và răng đen ngồi ngay chỗ bệ cửa vào toà nhà ngang dành cho ban quản lý và người coi đền.

(9)

Mà thôi, tôi dở hơi lảm nhảm cà ràm chuyện thiên hạ làm gì cơ chứ.

Ai tu gì đều là theo phúc phận theo số mệnh của họ. Giáo hội răn dạy là một chuyện, còn các hoàn cảnh tu cụ thể thì biến dạng biến hình vô cùng phong phú, nào ai có thể nói chỉ bố mày đây là tu chân chính hỉ.

Hết những ngố ngốc hay ngông nghênh, lúc bắt đầu già đi, với ai tôi chẳng rõ, nhưng với tôi thật tốt là từ từ có thời gian ngẫm ngẫm nghĩ nghĩ và thực hành phép tu của riêng mình: tu tâm tính!

Thế cho nó vui, nó an, nó lành, tôi nghĩ thế.

Mỗi ngày qua, thấy mình để được sau lưng không ít những màn cảm xúc theo phong cách "nhảy chồm chồm" vì tức tối tha nhân này nọ hay phong cách "rơi tự do" vào hố sâu không đáy xám xịt vì nguyện cầu không được như ý, lại thấy mình đã động đậy cái thân phì nộn chạy rè rè từ đầu tới cuối trọn bài khí công, rồi hiểu ra thêm một tầng ý nghĩa của từ này ngữ nọ trong một phép tu nào đó, thế thực là hoan hỉ, phấn chấn và có động lực để tiếp tục mò mẫm đường tu tâm tính của mình rồi, hỉ!

Lại nữa, tôi cũng dở hơi khi ngồi coi mấy cái màn tự sự đấu đá nhau xung quanh sư giả sư thật kia. Thời gian đó, chầm chậm đọc Spinoza cho an lành cùng hỉ lạc, chứ hà cớ gì tự mình làm khổ mình để cuốn theo cái mớ bòng bong affectus của đám đông cuồng nộ phong cách Fritz Lang này, nhể!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét