Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

đi chợ thời coronavirus (9) - tự phục vụ

mua mua bán bán - cứ nhẹ nhàng tự giác thế này thôi :-)
(1)

Hè năm trước ở đây, thi thoảng trên đường, từ bờ bên này vắt sang bờ bên kia của xứ cờ-hoa, tôi thấy không ít cảnh một sạp hàng tạm bợ bên lề đường bày hoa, rau củ quả hay củi đốt đã đóng kiện nhỏ. Đôi khi còn có cả mật ong, maple syrup rồi trứng, và thịt rừng, được xếp trong hộp giữ lạnh, cũng được bày bán.

Điều đặc biệt là không hề có bóng dáng chủ hàng ở đó. Đơn giản là khách dừng xe ngó thấy ưng thì tự tính tiền nhét vô mấy cái hộp thùng được gá bên cạnh một cây cột trụ sạp.

Lần đầu thấy lạ lẫm. Sau nhìn miết thì tôi coi như bình thường. Về căn bản, mấy món ở sạp ven đường đó giá trị không quá lớn. Tôi không nghĩ có nhiều kẻ tham đến mức lấy đồ quên trả tiền.

(2)

Mấy tháng trước, khi trời còn lạnh, chúng tôi đi tiệm chuyên đồ hải sản ở rìa sông mua cá và cồi điệp. Nói là tiệm nghe cho oách chứ thực đó giống một cái lán hay nhà kho nhỏ.

Trong tiệm không có người bán, sản phẩm được đóng bao bì cẩn thận với giá tiền ghi rõ. Trên mặt bàn dài cạnh lối vào có túi đựng đồ từ giấy qua nylon đủ kích cỡ, khách mua nhiều ít tự động lấy để chứa đồ.

Thanh toán bằng tiền mặt. Khách mua gì, lấy bút ghi vào tờ giấy để sẵn trên bàn các mặt hàng mình đã nhặt, tiền tự kiểm rồi nhét vô cái hộp thiếc đặt ở góc bàn.

Bữa đó, tiền mua hàng xấp ngửa một góc lương tháng của tôi ở Hà Nội. Còn sau này có vài bận bạn đánh chén nhân đạp xe thì dừng ở đó mua chút đồ, có lần kỷ lục móc hầu bao của ông là hơn hai trăm đồng tiền, một khoản lớn đối với các cuốc đi chợ mua thực phẩm của chúng tôi.

Tôi thấy chuyện này hay hay, rồi nghĩ ở nhà mình mà làm thế này thì đảm bảo không chỉ hàng hoá biến mất mà cái hộp thiếc kia cũng đi đời nhà ma sau một nốt nhạc tác nghiệp của một tay đạo chích tay mơ.

(2)

Chuyến đi vừa rồi tới nhà rừng, ở cửa tiệm của nông trại quen, tôi để ý thấy mọi sự mua bán đều diễn ra bên ngoài hiên và sân trước của tiệm.

Giờ có thích mua mật ong, maple syrup hay hạt cafe cùng các món đồ khô chi chi ở đây đều là bất khả. Ông bà chủ nông trại chỉ cung cấp duy nhất rau củ quả tươi.

Không còn mấy cô cậu thanh niên xăm trổ đầy mình đứng quầy trong tiệm, hai ông bà già chủ nông trại có mặt bán hàng chỉ vài tiếng đồng hồ - thậm chí còn ít hơn giờ hành chính của anh chị em công chức chuyên gia bòn rút thời giờ ở xứ mình. Không ít lần tôi thấy họ thảnh thơi hai tay hai gậy chuyên dụng của dân đi rừng, lững thững trên con đường đất dẫn lên nhà rừng của Tiên sinh.

Họ không ở tiệm nhưng khách vẫn có thể mua đồ như thường. Cũng như ở tiệm cá bên rìa thành phố biển, mọi sản phẩm đều được ghi giá và đôi khi là đóng phần bao túi hay hộp đựng rành rẽ. Khách mua có thể ghi ký séc hoặc dùng tiền mặt, nhét vô cái khe của một hộp đựng gá phía bên kia tường bản tiệm.

Xứ cờ-hoa đối với tôi không bao giờ hết những điều lạ lẫm và bất ngờ. Nhưng mà nghĩ chút, câu chuyện về ý thức tự giác, về vốn liếng niềm tin xã hội vốn đâu phải là điều gì đó khác thường khi tôi còn nhỏ. Chỉ có điều lớn lên, già đi thì mấy điều này hoá lại thành xa xỉ. Chẳng rõ ở đây cái não trạng của tôi nó méo mó, sứt mẻ, biến thái hay chính xã hội đã đi trật đường ray của thứ có tên lẽ-thường.

tiệm hải sản tự phục vụ
dưa mua từ nông trại - tướng tá không đẹp nhưng ăn ngon
ông bà chủ đi dạo trong rừng, khách mua tự lấy hàng, tự trả tiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét