(1)
Mẹ Già của Alex về căn bản là ăn chay - tôi nói vậy vì salad có cá ngâm dầu hay đôi khi một khúc bánh mỳ kẹp xúc xích khô của con trai bà già nhón ăn chơi chơi tôi tận mắt thấy. Bà có một bà bạn người Thuỵ Sĩ cùng dân ngồi thiền tu tập Phật giáo có bữa qua Paris chơi. Hai bà già nấu cơm, nấu rau và gọi chúng tôi qua đánh chén. Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến tên của Sri Owen và các công thức "tuyệt vời" của bếp Indonesia của bà từ bà già người Thuỵ Sĩ kia.
Thời điểm đó tôi lơ ma lơ mơ trong bếp, làm được bữa đãi nhóm sinh viên quốc tế liên quan đến mấy cô người Ý, đĩa nem bày ra cả rán lẫn cuốn các con giời xơi sạch, gật đầu lia lịa ngon ngon trong khi tôi tự sỉ vả bản thân, xấu hổ chết đi được khi nem rán cái gầy cái béo còn nem cuốn thì lóc xa lóc xóc lỏng lẻo tưởng bung. Mối quan tâm đến ăn uống của tôi không mấy dành cho việc nấu. Mà là chén, đánh chén. Và bạn đánh chén chí cốt của tôi năm đó không phải ai khác mà là Christine Kim, cô người Mỹ gốc Hàn tròn vo có tâm hồn ăn uống không giới hạn, luôn nhiệt tình mỗi bận tôi rủ rê đi quận 13.
Sri Owen như một cái tên lướt qua đầu óc tôi như vậy. Từ ngày hai cụ già về Bắc Ninh sống đời nông dân tay mơ, chúng tôi phải tự xoay sở trong bếp, nấu món này món nọ dần dần tự tin hơn. Đầu óc cũng từ từ trở nên mở mang, phóng khoáng, không ngại ngó nghiêng tìm hiểu một vài món ngoài đường biên truyền thống của bếp Việt vùng miền. Nhưng những hiếu kỳ và thử nghiệm đó về căn bản thực rất khiêm tốn. Tôi không có bất cứ dịp nào, cơ hội nào nghe nói về bếp Indonesia hay về quý bà Sri Owen.
(2)
Năm trước ở đây tôi gặp và nói chuyện với một cô người Thái lớn lên và sống không ít thời gian tuổi trẻ ở Anh quốc.
Nhân chuyện bếp núc, nhất là liên quan đến chủ đề gạo và cơm, cô nhắc đến Sri Owen và hết sức ngạc nhiên khi tôi nói là chỉ nghe qua tên của bà đúng một lần. Mà đó là chỉ khi tôi cẩn thận hỏi lại cô, mày vừa nói tới ai đó, và yêu cầu cô viết ra giấy tên của bà vì với cái năng lực nghe què quặt của mình, tôi không thể nào liên hệ tên người cô nói ra cửa miệng với Sri Owen mà bà già người Thuỵ Sĩ nói tới hơn hai mươi năm trước.
(3)
Hết chủ đề gạo và cơm, chúng tôi tám sang chủ đề "chúng ta" nấu món và/hay gọi tên món ăn của "bọn họ" và ngược lại.
Tôi có câu chuyện bạn Shaming ở EFEO-Paris gọi "phở" là "phò" làm tôi lúc đó giận lắm.
Còn cô người Anh gốc Thái định cư ở Mỹ kia thì kể chuyện một cô Mỹ đen chẳng biết nghe ai xui đùng đùng mua sách của Sri Owen rồi hăm hở nấu cơm theo công thức của bà. Món làm ra thất bại thảm hại. Thế là cô chửi um lên, đổ tuột tuột trách nhiệm cho bà tác giả.
Theo lời người kể chuyện, cô Mỹ đen kia trong mớ dài những quy tội cho Sri Owen có phần trách nhiệm của bà trong việc ở các tiệm thực phẩm trong khu dân cư cô sinh sống không có vài thành phần nguyên liệu như bà nói tới trong công thức của mình.
Giời ạ, nguyên liệu chưa đủ, nguyên liệu thay thế không có mà cô vẫn lao đầu vào làm món rồi hỏng thì đi trách người, thế thì lỗi là của ai đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét