Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

hancock - rừng tôi củi anh kiểu cờ-hoa

rừng mình mà củi lại là của người ta này - lại còn xếp ngay ngắn nữa :-)
Cuối hè năm trước, trên đường lên núi đi nhà rừng, chúng tôi thấy một ông đậu xe bán tải ven đường đang lui cui xếp các khúc củi vào xe. Mọi chuyển hẳn rất đỗi bình thường, một ông đốn cây, cưa củi, rồi chở về nhà có món đốt lò, ở vùng này không phải là cảnh hiếm gặp.

Vấn đề là chỗ ông đó đứng là rừng của Tiên sinh. Ông lão lái xe giơ bàn tay ra hiệu chào hỏi, cũng chẳng buồn dừng xe mà khẳng định chủ quyền của mình. Còn ông kia nham nhở cười hết cỡ mồm miệng, tay giơ cao cũng coi như là đủ nhiệt tình chào hỏi. Tôi hỏi bạn đời, biết đó là ai không. Ông tỉnh bơ, hình như là hàng xóm ở lối lên núi bên cạnh.

Cũng hè năm trước, ngay trong chuyến đến nhà rừng Hancock đầu tiên của tôi, chỉ sau chưa đến nửa giờ chúng tôi đặt chân vô nhà, đã có tiếng xe ầm ì ai đó chạy qua rồi chạy lại. Ngó ra có một ông trung niên dừng xe rồi nhảy tót xuống giơ tay ra bắt chào hỏi giới thiệu bản thân. Ông đó là rể của nhà điều chế hương liệu danh tiếng xứ cờ-hoa, khác với nhiều nhà giàu ở mấy chỗ đất vàng đất bạc và mansions lớn chi chi, gia đình ông chơi nửa quả núi và sống theo lối cách biệt như những cư dân còn lại của cái cộng đồng người thì ít đất [rừng] thì nhiều vùng này. Theo lời hàng xóm trên núi, ông này có thú chơi drones, nhân dân trong vùng ai làm gì ông biết tuốt. Có lẽ qua drones mà ông thấy chúng tôi nên ghé qua vừa là chào hỏi vừa là làm công tác "dân phố" tự trao tự gán.

Trong cuộc trò chuyện vắn, ông hàng xóm chủ động khai trước, rằng thì là mà ông vẫn thi thoảng vào rừng của Tiên sinh để đốn cây lấy củi đốt lò - mặc dù ông có không ít rừng và cây trong đó. Và như để chữa ngượng, ông bảo vẫn còn nhiều đống củi đã được cưa thành khúc ven đường, rằng thì là mà chúng tôi có thể lấy bao nhiêu cũng được. Ông lão đứng bên cạnh tôi cười hì hì nói lời cám ơn ông hàng xóm kia. Hay chưa này, rừng mình hoá thành củi người từ bao giờ vậy ta.

Lúc ông kia rời đi, tôi nghe bạn đồng hành giải thích, rừng quá to mà mình đâu có ở thường trực, thôi thì cái gì cũng phiên phiến. Mà hay nhá, dân ở đây sống đâu có gần, nhưng năng lực nắm thông tin, tám chuyện chẳng kém gì mấy bà ngồi xổm sáng sáng quanh hàng xôi bán nhờ trước cổng nhà Hà Nội. Ông đốn mấy cái cây trong đất tôi, tôi cũng chẳng buồn làm ầm ĩ. Chẳng hay có chuyện gì, có khi tôi lại mần chút mẩu thông tin, đầu mối từ ông. Coi như huề!

Mấy chuyện tiều phu hiện đại và lăn tăn đất tôi đất ông ở đây đối với tôi thực hài hước. Tự dưng nghĩ vẩn vơ, tôi tự hỏi nếu câu chuyện này được tống ấn vào một hoàn cảnh làng quê vùng châu thổ Sông Hồng thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ. Chuyện xa, chuyện người đâu đâu tôi không biết. Nhưng với lịch sử mười mấy năm trời lê la các lò gạch thủ công và lẽo đẽo theo chân các bà các cô các chị gánh hàng rong ở Hà Nội cho món ngâm cứu kinh tế phi chính quy, tôi đã nghe không ít chuyện người trong nhà chém giết nhau có khi chỉ vì đúng một rẻo đất vừa hoẳn xây bức tường gạch đi.

còn đây rừng mình củi mình - lèo khà lèo khèo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét