Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

chico mú-chồ sểnh-sênh

(1)

Thời điểm xảy ra vụ 39 người Việt bỏ mạng trong thùng xe đông lạnh ở Châu Âu, một trong những bài tập nhóm tôi giao cho bọn trẻ con chính là câu chuyện này. Yêu cầu vậy chứ tôi chẳng hy vọng gì nhiều ở những thằng nhóc con nhóc phần lớn thời gian tôi nhìn với chút ngứa mắt vì cái tội ẩu tả, nói nhăng nói cuội bla-bla rất giỏi trong khi đọc bài được giao thì ù lì mặt nghệt và nhất là nghiện nặng cái món xì-mát-phôn, mười đứa thì chín rưỡi trong đó tay lúc nào cũng lăm lăm miếng kim loại mỏng, mắt đảo điên cứ đôi phút ra vẻ đang theo dõi chuyện trên lớp thì dứt khoát một hai phút tiếp sau đó sẽ là chằm chằm nhìn vào điện thoại hay rón rén rờ tay xuống hộc bàn bắn lách tách.

Thật bất ngờ, bọn trẻ con làm việc vô cùng tốt, từ nhóm này qua nhóm khác, chúng bỗng hoá thân thành những tay "săn tin" xuất sắc, những quý anh quý chị "bình luận viên" nước miếng bắn vèo vèo nhiệt tình dẫn dắt câu chuyện cùng phân tích của riêng mình mà lại không vênh váo cái mặt kiểu bố mày đây là nhất như mấy thủ trưởng biên tập viên tuổi trẻ tài cao tự coi mình là cái rún của vũ trụ trong hệ thống nhà đài trung ương nước nhà.

Bỏ qua những yếu tố giật gân, câu chuyện 39 cho chúng tôi thấy một đống những điều buồn có, đáng tiếc có, nhưng cũng rất vớ vẩn và phi lý khi động tới những khía cạnh quản lý, pháp lý và cả chính sách. Một trong những ví dụ ấn tượng đối với lớp học kỳ đó là hoá ra đường dây di cư lậu - tạm gọi thế - đã được cả một đống các ông bà nghiên cứu ở Châu Âu theo đuổi, công bố dưới dạng báo cáo và sách chuyên khảo. Rồi nữa, ở tầng đáy chúng dân, trong khi từ Châu Âu qua Châu Á người ta còn hồi hồp nín thở trước giờ công bố kết quả về căn tính của những người xấu sổ thì có vị thầy tu kia đã thẳng tưng, người "ta" chứ đâu. Chuyện hay ho chẳng kém là sự hiện diện của các vị nghiên cứu trong mạng lưới IRASEC hay ông cha kia hoá lại nhạt nhoà trong biển phát ngôn từ của mấy ông bộ ngành này nọ, các đại diện ngoại giao, các biên tập viên truyền hình quốc doanh qua các anh hùng bàn phím nổi lên từ nhân dân.

Hãn hữu, đột nhiên người ta khai quật ra vài khái niệm cũ người mới ta về di dân, về mô hình phát triển kinh tế. Còn lại, to mồm phán, lộng ngôn bình, thậm chí cả ác độc chế dziễu những người đã chết người ta cũng chẳng từ.

Đi một hồi, cuối cùng chúng tôi nhớ ra dứt khoát phải gắn chân trên mặt đất, không bay bổng với những vĩ mô phân tích này nọ dễ tạo thành chuyện chính trị chính em nhạy cảm. Bài học to nhất đọng lại sau một kỳ học có lẽ là câu chuyện phận người.

(2)

Ở trường đại học, tôi lúc nào cũng có cả một đống lộn xộn việc cần giải quyết cũng như những suy nghĩ nhảm cà ràm không điểm dừng nên câu chuyện 39 hẳn sẽ mau chóng bị tôi vứt ra sau gáy khi kỳ học kết thúc.

Nhưng đặt chân đến xứ cờ-hoa, cứ chầm chậm nói nói cười cười, giao tiếp với một thế giới những người Á châu nhập cư cũ có mới có bằng thứ tiếng Anh méo mó của mình, tôi dần dần biết và để ý đến các câu chuyện di cư. Không phải là từ quê lên phố như của các cô các chị các em mà chúng tôi theo đuổi suốt hơn chục năm trời trong dự án nghiên cứu kinh tế phi chính quy và di dân nữ nông thôn-đô thị, mà là di cư quốc tế, di cư xuyên lục địa, di cư Á-Mỹ.

Chẳng có công việc nghiên cứu nghiêm túc nào ở đây cả. Rất tự nhiên, nó giống như một sự suy ngẫm cá nhân. Vui có, nhảm cũng có. Vậy thôi.

Trong những chuyện tôi nghe được, ấn tượng hơn cả là chuyện một cô người Hàn, vỏ Á nhưng ruột Âu-Mỹ, từ ăn mặc qua nói năng, cử chỉ phóng khoáng hơn cả gái Mỹ, rất thú vị. Cô này sang xứ cờ-hoa làm việc thời vụ rồi vui tính quyết định ở lại. Thân phận cư trú bất hợp pháp của cô kéo dài hơn 5 năm chỉ thực sự trở thành vấn đề vào thời điểm cô gặp gỡ, phải lòng và quyết định kết hôn với một anh chàng nghệ sĩ tay mơ quê Texas. Tốn mấy ngàn đồng thuê luật sư, cuối cùng chuyện cũng ổn thoả, cô chân chân chính chính sống và làm việc mà không phải lo này nọ. Thời điểm tôi biết chuyện của cô, cô làm liền lúc ba công việc, từ chạy bàn trong tiệm cafe, coi tiệm bán rượu ca tối và một việc gì nữa tôi không nhớ rõ, để lo toan ổn định tài chính gia đình trong khi anh chồng có thời gian cũng như sự yên tâm - nhà mình gọi là hậu phương vững chắc - để viết nhạc, sáng tác kịch với một dự phóng tương lai huy hoàng.

Về cặp đôi đó, bạn đánh chén của tôi bảo, thằng nhóc lơ mơ lắm, tui e là có ngày cô vợ sẽ táng cho một trận ra trò vì đầu tư mãi mà dứt khoát không chịu phát tiết tinh hoa, trở thành ông này bà nọ. Tôi không biết họ đủ lâu để tám này tám nọ. Nhưng mấy lần gặp họ trong thành phố, lúc là ở buổi nghe hát ở Garde lúc là trong tiệm rượu nơi từng ghi dấu ông lão đạt giải Nobel văn chương từ cách đây gần cả thế kỷ, hay khi cùng ở trên một chuyến bus coi bóng chày ở NYC, tôi thấy họ phóng khoáng, vui vẻ, và thực biết tận hưởng cuộc sống!

(3)

Chuyện cô Hàn còn hay nữa ở chỗ đó là một câu chuyện cá nhân/cá thể chứ không mang tính nhóm/cộng đồng.

Tôi nói vậy bởi lẽ những người Thái, người Hoa, người Tạng, người Nepal và Ấn Độ mà tôi đã từng gặp từ hồi 2002, 2006 cho tới năm trước và năm nay, họ luôn ở trong một dạng mạng lưới, tương tác và tương hỗ vô cùng chặt chẽ, vô cùng hiệu quả. Tôi không biết nhiều về nhóm người Tạng và Nam Á, riêng mấy người Thái và Hoa, rõ ràng là họ có một sự người đi trước dìu dắt người theo sau hay chia sẻ thông tin theo mạng lưới đồng hương vô cùng lợi hại.

Và ở hai nhóm này, sự khác biệt nổi bật là bà con người Thái tụ tập quán xá, sinh hoạt đồng hương mở rộng - tức là không chỉ người Thái với người Thái mà mở rộng vòng tay chào đón đồng nghiệp, bằng hữu, và cả khách hàng từ Mỹ trắng qua Hispanics hay Mỹ Phi tới những người thuộc các sắc dân khác - văn hoá văn nghệ rất xôm trò. Trong khi đó, người Hoa cũng tụ tập, nhưng thường là ở nhà riêng của một ai trong số họ, gần như chỉ quân mình với quân ta ôm cái nồi lẩu và xủng xà xủng xẻng nỉ ni ngồ ngộ khép kín.

Tôi giống như kẻ đứng ngoài vụng trộm rình mò với tinh thần hiếu kỳ không giới hạn, sau một hồi quan sát thì có cảm giác người Thái thoải mái, thụ hưởng cuộc sống - người giàu theo lối nhà giàu, người bình dân có cách của người bình dân - hơn người Hoa lúc nào cũng cắm cúi làm việc và/hoặc nhặt nhạnh gom góp tiền với các dự án mở kinh doanh riêng trong tương lai thay vì sống mòn đời làm mướn.

Thêm nữa, nếu có một sự biểu tỏ phô bày thì người Thái sẽ là xe hơi sang, lễ phục cùng trang sức đậm nét dân tộc vào dịp lễ lạt quan trọng, trong khi ngày thường xuề xoà tùm lum kiểu Mỹ hoá theo nhóm thường thường bậc trung trong xã hội. Trong khi đó người Hoa sẽ dùng đồ Trung Quốc từ đầu tới chân, và không ít là fake, fake cao cấp. Kiểu như một cô sau giờ đứng phục vụ bàn khi đi chợ hay chơi sẽ đeo túi Chanel, đi giày Gucci, mặc quần bò Escada, áo phông [J'a]dior, đại loại thế.

Tôi thấy mình như đang xem cùng lúc nhiều cuốn phim chậm, với không hết từ ngạc nhiên này sang  bất ngờ khác. Càng theo dõi tôi càng thấy đời mình, vấn đề hiện tại của mình đúng là nhạt thếch, đúng là vớ vẩn so với những câu chuyện kể cá nhân hay nhóm kia.

(4)

bản sao của bạn nhỏ Chico
Bữa qua trong khi đánh chén nồi cua xanh Chico mang tới, chẳng rõ do bia vào lời ra hay anh bạn trẻ giờ tiến thêm một bước cảm giác thân cận và tin tưởng với chúng tôi mà cứ thế mặt Bụt rạng rỡ kể cho chúng tôi hành trình di dân phi thường không chính thống của mình.

Đó là chuyện của một thằng nhóc 17 tuổi không có bất cứ suy nghĩ rõ ràng nào của chính bản thân về điều mình muốn, tương lai mình theo đuổi. Bù lại, cậu bé ở trong một lộ trình đã được cài đặt bởi cả đời sống xã hội của trấn quê của nó cũng như bởi chính cha mẹ nó.

Chico giải thích, ở quê cậu lúc đó, người già ở lại, còn thanh niên hầu như tất cả đều theo đường này lối nọ mà tìm đường sang Mỹ hay qua Châu Âu. Nó giống như một phong trào, như một mẫu [hình] vô cùng tự nhiên của cuộc đời các cô cậu mới lớn cùng gia đình họ.

Chico không rõ lắm về đầu mối nhận tiền từ cha mẹ cậu cho hành trình di dân của mình nhưng ở thời điểm kể chuyện bản thân cho chúng tôi, bạn trẻ chắc nịch đây phải là một đường dây quốc tế chứ không phải chỉ là việc "kinh doanh" của mấy gã đồng hương. Tiền chi chuyến đi chính xác là 81 ngàn đồng tiền Mỹ. Lẽ dĩ nhiên, cậu chàng trước khi lên đường được cha mẹ cho ít bạc giắt túi phòng thân.

(5)

Chúng tôi hỏi Chico thời điểm đó có rõ trong đầu sẽ làm gì ở miền đất mới không, và có ai người thân sống ở Mỹ không.

Câu trả lời cho vế thứ hai là có hai ông chú/cậu một ở Missouri và một ở NYC. Còn ở vế đầu, Chico nhún vai bảo nào có biết trước khi chêm một câu, cậu ra đi là do cha mẹ thúc đẩy, rằng riêng bản thân cậu sau một ngày lăn tăn thì chép miệng, cứ thử xem sao.

(6)

Lộ trình của Chico từ quê nhà qua Nga bằng đường bộ hay đường bay tôi không rõ. Còn sau đó, hành trình đường biển của cậu quả thật là ấn tượng.

Ngoài thời gian lênh đênh trên biển, Chico có không ít đoạn nghỉ ngắn trên đất liền chỗ này chỗ nọ: ba tháng ở Cuba, hai tháng ở Haiti, một đoạn thời gian ngắn ở Bahamas trước khi vào vùng biển Florida và gặp tàu của Miami Coast Guard. Toàn bộ thời gian trên tàu biển lẫn trú tạm ở mấy đảo trước khi vô đất Mỹ, cuộc sống được Chico miêu tả là một kỳ nghỉ kéo dài, ăn ngủ ăn tuần hoàn. Cậu chàng vẫn nhớ về tỷ giá chuyển đổi tiền Mỹ với tiền Cuba và kể khám phá ít nhiều xứ đảo này như thế nào.

Sau khi trở thành "khách" của sở di trú, Chico với một hai từ tiếng Anh vốn liếng từ từ được chuyển từ Miami qua Los Angeles rồi được ông chú/cậu ở Missouri đón và bao dưỡng một thời gian ngắn trước khi chuyển giao nhiệm vụ này cho ông chú/cậu ở NYC. Ở đây bắt đầu hành trình thủ tục giấy tờ qua luật sư dài sáu năm của Chico trước khi mang tư cách thường trú nhân, lần này dĩ nhiên là hợp pháp.

(7)

Tôi hỏi Chico, từ hồi đó đến giờ mày có về lại Trung Quốc không, hay cha mẹ có qua thăm không. Câu trả lời kép là không.

Lý do Chico không muốn cha mẹ sang chơi là vì cậu quá bận. Công việc ở tiệm ăn 6 ngày một tuần, và hoàn toàn không có khái niệm nghỉ phép hay thu xếp dừng việc một thời gian để đón tiếp đưa rước cha mẹ qua chơi ngó nghiêng chỗ này chỗ nọ.

(8)

Chico có một xe Acura đã thanh toán hết. Nhà ở hiện tại là nhà của ông chủ tiệm ăn, không phải trả tiền thuê cũng như cả các chi phí điện nước khác. Làm việc 6 ngày ở tiệm đồng nghĩa với việc nếu muốn tính toán thì sẽ không tốn lấy nửa cắc cho ăn uống của bản thân vì chủ tiệm cấp bữa ăn và cafe miễn phí. Tiệm có kho lớn nên đến cả giấy vệ sinh, gel rửa tay khô hay khẩu trang và bao tay cậu chàng cũng chẳng phải lo nghĩ gì nhiều, cần chừng nào lấy từ tiệm chừng đó.

Tôi nghe chuyện Chico, lẩm bẩm trong dạ, giờ là thời của dịch dã nên không có chuyện chạy xe đường dài đi NYC tán gái hay ăn quà vặt ở Chinatown, thế nên thằng cu này xem ra chỉ trả chút xíu tiền xăng xe từ nhà tới tiệm và qua bờ sông câu cua, cùng với tiền mua bánh kẹp ở tiệm Wendy trong thành phố là kịch kim.

Chưa quá thân tình nên tôi không dám hỏi. Nhưng thực thà mà nói, tôi thực muốn biết là đến giờ cái khoản 81 ngàn đồng tiền Mỹ chi cho chuyến đi liệu đã được anh bạn Chico hoàn vốn bằng/với tiền lương kiếm được từ vai phó bếp sushi chưa.

(9)

Hè năm trước, mỗi tuần qua Mystic ăn tối là mỗi lần chúng tôi được bữa cười ngất về chuyện Chico trong ngày nghỉ của mình phóng xe lên NYC để "cua" gái như thế nào. Đại loại là cậu chàng lần lượt quen đôi ba cô gốc Hoa, một vài cô Hispanics, mỗi chuyến đi là một vòng vèo ăn uống ở Chinatown để kề cận tìm hiểu nhau. Theo lời anh chàng, các cô Hispanics rất nhiệt tình nhưng với các cô tương lai khó đoán định vì những khác biệt văn hoá và chủng tộc. Còn với mấy cô cùng gốc gác thì sau một hai cuộc gặp các cô chê cậu nghèo, không có tương lai nên chạy mất dạng.

Cuối hè, Chico nói không còn muốn đi NYC nữa. Lý do là ngay cả khi có cô người Hoa nào đó nghiêm túc với cậu thì kịch bản gần như chắc nịch là cậu sẽ được yêu cầu chuyển đến thành phố lớn với cô. Rằng cuộc sống của hai người sẽ là trong một căn hộ bé tý nị. Rằng cậu sẽ cần mẫn mỗi ngày đứng hơn 10 giờ đồng hồ trong một căn bếp chật hẹp ám mùi dầu mỡ của một tiệm ăn Hoa nào đó. Và sức ép tiết kiệm tiền để nghĩ tới một căn nhà nhỏ của riêng chúng mình, tương lai đón chào bọn nhóc trong gia đình là thường trực 24/7.

So với viễn cảnh đó, thời gian làm bên quầy sushi bar to rộng dài ở Mystic có thể nói cười giao tiếp với đồng nghiệp và khách hàng, thời gian thảnh thơi mò mẫm câu cua bên bờ sông thành phố, và cả thời gian qua Wendy bắn tiếng Tây-ban-nha vèo vèo tán tỉnh mấy cô phục vụ ở đó, tất cả đối với cậu quả là thiên đường.

Cũng nhân chuyện tìm hiểu, yêu đương, Chico kể mấy năm trước có cô gái trẻ người Thái làm phục vụ bán thời gian ở tiệm phải lòng với cậu. Vấn đề là cô này có bác chồng Mỹ trắng tuổi lớn gấp đôi. Cô nói cô không vui, không hạnh phúc khi ở cạnh ông chồng già và muốn có quan hệ yêu đương nghiêm túc với Chico.

Tôi cứ nghĩ sẽ nghe một màn mùi mẫn chuyện tình yêu ngoài luồng hay chuyện ông già Mỹ trắng kia  vác súng đến doạ nạt. Hoá ra chuyện không phải vậy. Chico nói cậu có nguyên tắc của mình, tuyệt đối không loằng ngoằng với người còn ở trong quan hệ hôn nhân chính thức/hợp pháp. Sau đó cô Thái rời tiệm đi làm chỗ khác. Không rõ cô có tìm ra được một đối tác ngoài hôn nhân hạp ý nào không.

(10)

Kết thúc chuyến ghé qua chơi nhà dài non nửa ngày, Chico bảo giờ ở quê cậu tình hình đã thay đổi. Thanh niên giờ xem chuyện sống và làm việc ngay tại quê nhà là chuyện bình thường. Họ cũng không bị cha mẹ và/hay xã hội tạo sức ép lên vai về chuyện ly hương nữa.

Chúng tôi chào tạm biệt. Như trong toàn bộ thời gian trò chuyện lúc trước, Chico bô lô bô la một tràng dài trước khi ra xe.

Và như thời gian trước đó, tôi nghe liên tục những mú-chồ [mucho] và sểnh sênh [same same] từ cậu bé có khuôn mặt Phật cười này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét