Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

ngăn bỏ ngũ tân tuyệt đối?

Tôi không theo đạo Bụt và về căn bản là chú ý tránh không ở gần bất cứ thể loại Phật tử tự xưng nào có xu hướng khua chiêng gõ trống thông báo cho cả thiên hạ bố mày đây là người tu, người tu chân chính. Lý do rất đơn giản, bọn người đó đặc biệt lạ, hễ mở miệng là không tha bất cứ ai không theo tôn giáo của mình. Họ bài xích tuốt tuột, từ đường ăn nếp ở tới thái độ và triết lý sống cá nhân của kẻ đối diện khác mình. Tôi gọi lũ người đó là tu Phật kiểu hung hăng.

Từ nhiều năm nay, tôi đặc biệt thích thú món thiền liệu lý và dù không liên tục hay không tập trung bỏ sức tìm hiểu nhưng thi thoảng vẫn để ý, mò mẫm chơi chơi về bếp chay của những người tu Thiền, tu Bụt. Có rất nhiều giải thích, diễn giải vô cùng thú vị và bổ ích về triết lý ăn chay, về cơ thể, về vũ trụ... tôi cứ thế mà biết theo lối mẩu đoạn, tích tiểu thành đại rồi đến lúc nào chẳng hay bỗng phát hiện ra là mình té ra cũng chịu chút xíu ảnh hưởng, đã bớt đi không ít phàm ăn tục uống chi chi trong sinh hoạt hàng ngày.

Nhưng ở một chiều khác, cũng có không ít lần tôi khó chịu khi phải nghe vài người giọng điệu gia trưởng ta đây chân chính đúng, duy nhất đúng nói về bếp chay đạo Bụt của họ. Nói họ là hống hách thì có lẽ hơi nặng lời, còn nói họ là thiếu cái tính khiêm cung của người Phật tử thì chẳng trật đi đường nào.

Nghe loại người này nói về ngũ tân thực rất mệt và thậm chí là đáng sợ. Nào là cơ thể sẽ thúi hoắc, dục tính sẽ nổi lên ầm ầm, ma quỷ sẽ mò đến huỷ hoại chúng ta, và thậm chí là chính chúng ta hoá thành ma quỷ. Với họ, ngũ tân tuyệt đối phải tránh, phải bỏ, không bàn cãi.

Nhưng có một vấn đề xuất hiện là đối với một số Phật tử đau yếu theo đơn bác sĩ phải xài thuốc có chứa một thành phần nào đó trong ngũ tân - tỏi chẳng hạn - thì làm sao đây?

Thế nên, thi thoảng đọc và nghe một vị hoà thượng nào đó giảng về ăn chay với tiếp cận ôn hoà thì tôi khoái chí lắm. Diễn giải, phân tích của họ không chỉ giá trị về mặt nội dung khai sáng mà còn giống như một sự khích lệ cho những người, tu hay không tu Phật, quan tâm đến cái thân [thể] của mình, đến quan hệ [hoà ái] của mình với người, đến cả thái độ sống vừa đảm bảo hợp đạo lại hợp lẽ, linh hoạt và uyển chuyển mà đích đến không phải gì khác chính là tu sửa, hoàn thiện mình tốt hơn.

Tu tập là [nhiều] quá trình trong quá trình [tổng thể]. Trong đó, đối với người Phật tử, hành trình hiểu và yêu thương cái dạ, cái thân của mình rất thú vị. Ai giỏi, chuyên tu, dứt khoát vĩnh biệt ngũ tân quả là đáng quý. Nhưng cũng có những người chầm chậm, điều chỉnh dần dần, thế cũng không phải là tệ, phải không nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét