hạnh phúc đôi khi chỉ là thế này nhìn phà tắm nắng biển vàng |
Thành phố biển nhỏ này đối với tôi giống như một trấn ma, lờ đà lờ đờ với rất nhiều ông già bà già và chó. Nếu có chút ồn ào náo nhiệt thì đầu bảng luôn là xe cảnh sát, xe cứu hoả và xe cấp cứu.
Thi thoảng thành phố lên bảng tin truyền hình khu vực, phủ sóng tiểu bang và/hoặc thêm tiểu bang hàng xóm. Kiểu như có ngày nọ, ở ngay một trong những phố chính của thành phố đột nhiên một cây ATM biến mất dạng. Hay có anh kia phá đám, đập phá chi chi ở chỗ cầu tầu thuộc sở hữu của tiểu bang trong bối cảnh tranh chấp lợi ích giữa ba phe bốn bè về khai thác cầu tầu của tiểu bang và cầu tầu của thành phố.
(2)
Còn tháng vừa qua, thành phố lên bản tin toàn quốc sau một vụ cháy nhà mà hiện trường không xa nhà của lão Tiên sinh là mấy. Một đám cháy, báo động được phát, xe cứu hoả, xe cấp cứu, xe cảnh sát tới nơi xử lý.
Chuyện bình thường sẽ là vậy. Nếu có nạn nhân thì trong phần lớn hoàn cảnh sẽ là bị thương chỗ này bị bỏng chỗ kia. Còn tử vong? Nói chung là hiếm. Vì thành phố quả nhỏ, lính cứu hoả, cảnh sát quá nhiều. Họ tới mau lắm, xử lý nhanh lắm. Trừ phi họ nhầm địa chỉ giống như thời gian trước khi bà lão đối diện nhà chúng tôi còn chưa hai năm mươi, một lần bà ngã xe cấp cứu và xe cứu hoả phi thẳng tới nhà bà lão khác ở phố trên, còn lần khác có ai đó phố bên cạnh cần cấp cứu thì thì mấy ông bác vác cáng lại hì hục xông pha định vác bà đi.
Vụ cháy tuy vậy lại thành tin thời sự hàng đầu. Lý do? Có một ca tử vong. Và đó không phải là một ai đó trong hàng vạn người nào đó.
Nạn nhân của đám cháy là Tony Hsieh, người tên tuổi gắn với nhiều nhãn mác, trong đó có Zappos và Delivering Happiness.
(2)
Tôi mù tịt về mấy món thế giới kinh doanh, khởi nghiệp, văn hoá và/hay triết lý doanh nghiệp chi chi.
Zappos tôi biết từ lâu dù chẳng mua món đồ nào từ đó. Nhưng Tony Hsieh là ai, nếu không có đám cháy ở thành phố biển nhỏ này, tôi dứt khoát vẫn cứ là mù tịt.
Thời dịch bệnh thổ tả, nhốt mình trong nhà, chán chường phẫn nộ vì tình trạng bị mắc kẹt mãi thì con giời tìm cách làm cho mình bận bịu. Trong đó có việc xem anh Hsieh này là ai.
(3)
Tốt nghiệp ngành khoa học máy tính của viện đại học danh tiếng, tự nhận là một người luôn mang tinh thần hoài nghi và không bao giờ chán xỏ xiên bình luận mấy món tâm lý học và triết học song anh Hsieh lại giữ một niềm tin vững chắc về việc có thể nghiên cứu hạnh phúc như là một đối tượng của khoa học.
Khác với ý kiến phổ biến cho rằng có thể chạm tay hạnh thúc một cách tuỳ tiện, anh cho rằng có những đặc điểm, điều kiện nhất định làm cho con người trở nên hạnh phúc.
Vì thế, thay vì gật gù hài lòng với những chuyện kiểu như cứ hiện thực hoá được một mục tiêu đã đề ra hay vô tình trúng một con đề là có thể hạnh phúc dài lâu, anh Hsieh nghiêm túc đề xuất ra những khuôn khổ định hình, tạo dựng nên hạnh phúc.
Đó là năng lực kiểm soát nhận thức của bản thân, hiểu rõ được tiến bộ của bản thân, kết nối bền chắc (các mối quan hệ), và việc là một nhân tố của một thể lớn hơn chính bản thân.
(4)
Lý luận vậy, anh Hsieh đem nó áp dụng vô chính doanh nghiệp của mình, làm nên một văn hoá doanh nghiệp có nhiều điểm mới lạ và hấp dẫn.
Cấu trúc phi tập trung, không phân cấp bậc - holacratic structure - mà anh áp dụng đó tuy vậy cũng khiến cho một số người bối rối và không thích nghe nổi. Sau tuyên bố xoá bỏ mọi chức danh ở Zappos vào năm 2013 của anh Hsieh, có gần 15% nhân sự đã quyết định ra đi.
(5)
Anh Hsieh rất giàu, điều này là hiển nhiên.
Nhưng khác với nhiều người giàu sống phô trương, anh sống khác người tý xíu, ngắn gọn là đơn giản và không nề hà hoà đồng trong công việc.
Tỷ như anh sống trong một toa xe moéc nhỏ hơn hai chục m2. Tỷ như anh khăng khăng hưởng lương năm 36 ngàn đồng tiền Mỹ. Tỷ như khi Zappos mở khu nhà kho mới ở tiểu bang khác, anh lái xe tới đó cùng dựng giá hàng và dỡ các hộp giày với những nhân viên khác.
(6)
Triết lý kinh doanh và lối sống đó, mà chính anh tự nhận là "vui vẻ và có chút kỳ cục" thực có thể coi là một đặc điểm và một sự hấp dẫn của xã hội, con người và văn hoá xứ cờ-hoa. Ở trong hoàn cảnh bình thường!
Còn trong bối cảnh khủng hoảng, đại dịch, câu chuyện không tránh khỏi sự rẽ dòng, ly khai tự sự ban đầu.
(7)
Tony Hsieh không kết thúc cuộc đời của mình một cách hiển nhiên như Philip Brickman. Song không ít tin đồn và nghi vấn về sự ra đi của anh Hsieh.
Về sự lạm dụng chất cồn. Về xu hướng tự huỷ hoại bản thân. Về điểm bùng phát của tinh thần hoài nghi.
Nhưng bất luận thế nào, câu chuyện của/về anh Hsieh là một minh hoạ thú vị về xứ sở này, nơi có những giấc mơ, những sự theo đuổi giấc mơ ngoài khuôn khổ của những nhận thức cũ mòn.
(8)
Và thêm nữa, câu chuyện của/về anh Hsieh làm cho hạnh phúc dường như càng trở nên khó nắm bắt, nếu không nói là bí ẩn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét