Có tấm hình selfie của một ông bác sĩ ở trong bệnh viện dã chiến vốn là bãi/hầm đỗ xe từ đôi tuần này bỗng trở thành chuyện nóng. Trong một tuýt khác của ông tổng, ông khẳng định chắc nịch đấy là chuyện bịa, rồi thì là mà còn bao nhiêu trang thiết bị y tế đâu có ai cần dùng, bờ la và bờ la.
Xứ mình có ông thủ tướng đeo cái khẩu trang không đúng cách một tý bị bà con lề bên kia và những người thích nói trong dân gian lôi ra chế tưng bừng. Xứ người trong khi số bệnh số tử hàng ngày cao ngất ngư, có cái nhà màu trắng tiệc tùng kha khá người chẳng thấy đâu bịt miệng, còn khoảng cách xã hội thì khỏi phải nói rồi, nào lấy đâu ra.
Có tiểu bang nọ báo động đỏ nhiều ngày, bà thống đốc vẫn ngân nga bài ca tự do là trên hết. Mấy trấn nhỏ hội đồng địa phương sốt ruột, mà là người đảng con voi nhá, quyết định mình đây tự quyết lo cái thân mình, chủ trương hạn chế này, bắt buộc nọ. Thế là bị một đám quần chúng tin vào những gì ông tổng nói, vác cờ cùng bìa carton bôi chữ đứng vây phản đối, chửi rủa ầm ầm.
Đôi tuần trước nghe chuyện người thật việc thật là có ông đang hấp hối vì covid vẫn không tin covid có thật, tôi đã thấy quái dị rồi. Đến hôm nay lại nghe tiếp chuyện kha khá nhân dân vẫn kiên cường bất khuất giơ cao ngọn cờ đức tin vững chắc, rằng covid là một hoax. Rồi nữa là quan điểm đại dịch chỉ là một sản phẩm của sự tạo dựng.
Hồi đại dịch bắt đầu trở thành một hiện thực ở xứ sở này, các tiểu bang, các sở vụ, các hội đồng thành phố tranh đua trong tuyệt vọng mua trang thiết bị y tế, từ đơn giản là khẩu trang tới quan trọng hơn là máy thở. Có hai anh lốp-bi theo tín ngưỡng cộng hoà đảng phái tung tẩy rủ nhau lập ra cái tập đoàn cung cấp trang thiết bị y tế, đặt cho nó cái tên rõ kêu, và pi-a, ma-két-tinh siêu cao thủ, khiến dân tình tin sái cổ là cái tập đoàn vừa mới chào đời là nhà cung cấp lớn nhất thế giới. Bao nhiêu tiền thuế của nhân dân được đổ vào túi tiền của hai anh chơi chính trị tiện rẽ ngang kinh doanh y tế. Vấn đề là các chính quyền tiểu bang, chính quyền thành phố hay sở vụ đặt hàng dài cổ đợi mà chẳng thấy cái khẩu trang y tế hay máy thở nào.
Tuần sau Lễ Tạ Ơn, có ông bác sĩ mặt đỏ tưng bừng cáu ầm ĩ, [tao] chịu thế là đủ rồi. Ông kể, bà con mắc bệnh có chung mấy công thức biện hộ/chống chế cho cái sự chủ quan dở hơi để dính bệnh của mình. Người thì tôi chỉ tổ chức cái tiệc nhỏ trong gia đình thôi mà. Kẻ thì tôi cứ nghĩ tiểu bang mình an toàn nhất cả nước. Giời ạ, ngay trước kỳ nghỉ lễ, cả nước Mỹ đã đỏ tươi một sắc doạ người rồi, còn cái mẩu nào dám tự nhận an toàn cơ chứ. Tuần này, không chỉ có bác sĩ hay y tá nước mắt rưng rưng mà nhà quản lý máu lạnh cũng bật khóc, nghẹn lời trước ống kính trong giờ họp báo.
Ông luật sư riêng của ông tổng chẳng hiểu lôi đâu ra được một cô nhân chứng cho vụ kiện "gian lận bầu cử" từ phục trang tới giọng nói và hành động thể hiện tuyệt hảo phong cách pha trộn Hooter với tú bà đời mới. Trước toà, cô hung hăng thừa lời thành nhảm đến mức ông kia phải lấy tay khều khều kêu ngừng. Ông kia sau đó dương tính với covid. Người ta hỏi cô, mày ngồi ngay cạnh nó giờ thì tính sao, có định tự cách ly không. Cô tỉnh bơ, nói tin ông tổng của cô, mà theo niềm tin đó thì cô cóc việc gì phải sợ con cúm Tàu.
Gõ chữ đến đây tôi nhớ bữa Sài Gòn vừa ồn ào câu chuyện bộ đôi 1342 - 1347, tôi kể cho bạn đồng hành nghe, ông lão bảo may cho Việt Nam không có đặc sản ông tổng xứ này.
Phần lớn thời gian của năm 2020 này tôi sống trong nỗi sợ, với đủ sắc màu, mùi vị, hình dạng, và kích cỡ. Có lúc là lo lắng bất an mơ hồ. Có lúc là hoảng loạn. Có lúc là nỗi sợ về những gì đang diễn ra trước mắt. Có lúc lại là cảm giác bất lực và chán ghét bản thân không còn sức chịu đựng được hoàn cảnh hiện thời. Rồi nữa là sợ hãi kèm oán trách thứ mang tên số phận.
Giờ, tôi không biết gọi nó là gì nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét