đường nát toe nát toét, mép đường nhiều năm không được dọn |
Cái town đó nhỏ, dân số xấp xỉ ngàn người.
Nếu nhìn chằm chằm vào dân cư cơ hữu, một số ít làm việc ở thành phố lớn ngày đi tối về và đa số nếu không phải là có nông trại nhỏ thì là dân ngành nghề dịch vụ hay tự làm chủ kinh doanh nho nhỏ, thì xã này - tôi tạm gọi thế - chỉ là một chấm nhỏ khiêm tốn ở góc quê mùa của tiểu bang Massachusetts giao cắt với láng giềng NY này.
Nhưng cái town này đặc biệt. Vì nó có khu trại trượt tuyết nổi tiếng khắp vùng, đem lại nguồn thu kha khá. Vì nó có những khu nhà nghỉ của đám nhà giàu từ NYC và Boston, đóng góp thuế má cũng kha khá.
(2)
Uỷ ban nhân dân xã - tôi lại gọi thế cho nó vui, theo kiểu Việt Nam một tý - tức town hall là một ngôi nhà to hai tầng nằm trơ giữa khu đất lớn, trước sau lèo tèo đâu một hai cây bụi, nhìn vừa thê lương vừa có chút nghèo.
Nhưng chính quyền xã này và cả những người đứng đầu không nghèo chút nào. Ngân khố xã béo múp míp. Ông chủ tịch xã đất miếng to miếng nhỏ suốt cả vùng Berkshires, kéo lên tuốt tận Williamstown.
(3)
Chủ tịch xã là chủ tịch trọn đời, già lụ khụ vẫn làm chủ tịch xã. Ông rất giàu có cả về tiếng tăm lẫn tai tiếng. Người ta đồn thổi đủ mọi chuyện về ông, túm lại là đừng có dại mà "dây" với ông cụ - người được ví như "đức vua", "lãnh chúa" của vùng đất.
Cả dân sở tại lẫn dân thành phố tiền bạc chữ nghĩa đầy mình đều thua ông hết. Có thể giành phần thắng trong cuộc tranh chấp ở uỷ ban nhưng sau đó có Giời mới biết họ sẽ bị chơi đủ trò "mèo" sâu nông dày mỏng thế nào.
(4)
Đường lên núi dẫn tới nhà của Tiên sinh và hàng xóm trên đỉnh núi là con đường đất rải đá dăm. Nghe nói đây là một trong hai con đường đất duy nhất còn sót lại trong tiểu bang. Tất nhiên là phải hiểu theo nghĩa đường được ngân sách công chi trả tu sửa, nâng cấp hàng năm, chứ không tính các cung đường nằm trong các vùng đất tư hoàn toàn do nhân dân tự chịu trách nhiệm.
Đường đó xấu. Từ mấy năm nay luôn có cuộc chiến trường kỳ giữa bà cụ già nhà trên núi với uỷ ban nhân dân xã liên quan đến lịch cào lại đường - dồn đá thành gờ sống lươn/sống trâu để khi mưa tuyết rơi thì đường không bị ngập nước và thủng lỗ thành ổ gà ổ voi, cũng như lịch dọn tuyết.
Năm trước, tuyết dày đường khó đi, bà lão đợi mãi không thấy xe cào tuyết đến, tức mình gọi điện ra uỷ ban bảo, nhà dưới đang có thợ sửa chữa mà giàn giáo cao vút nguy hiểm lắm, chẳng may cậu thợ nào lớ ngớ rơi cần gọi xe cấp cứu xe không vô được do đường ngập tuyết thì các ông bà [uỷ ban] chịu trách nhiệm nhá. Nửa giờ sau xe dọn tuyết đến liền. Bà lão khoái chí, chúng nó cũng biết sợ. Vấn đề là từ sau cái đỉnh điểm đó, ai cũng biết nếu có chuyện với chính quyền thì tốt nhất là bà đừng có thò mặt ra kẻo từ cãi nhau thành choảng nhau kiểu show truyền hình thực tế luôn.
(5)
Hôm rồi đúng dịp Tiên sinh lên nhà rừng lo việc sửa sang tầng nhà dưới thì sau cơn mưa tuyết nhỏ con đường trở thành gần như là không thể đi [qua] được.
Ông lão sốt ruột báo cáo uỷ ban. Chủ tịch xã đích thân tới thị sát. Lão chủ tịch phán câu xanh rờn, mười năm nay đường này vẫn tốt, chỉ có năm nay tại mày cho chặt rừng, xe lớn đến phá đường, giờ tao cho sửa nhưng bill mày trả.
Lẽ dĩ nhiên là nhân dân phản đối tức thì. Ông không dám ồn ào căng thẳng như bà lão trên núi, nhưng cứng rắn từ đầu tới cuối, thuế năm tao trả, giờ đường mày lo mà sửa.
Lão chủ tịch kết luận với lão chủ nhà chủ rừng, để mai gọi ông phụ trách sửa đường đến xem xét rồi kết luận.
Bữa sau ông kia đến, lão Tiên sinh xuất hiện với bè đảng là con giai bà lão hàng xóm - ông này ghét chủ tịch xã chẳng kém bà mẹ nhưng mồm miệng ngoại giao hơn nhiều, và ông thợ rừng.
Lão thầu đường ngắm nghía con đường đất, câu đầu phán theo đúng ý lão chủ tịch. Nhưng sang câu sau thì ông già thừa nhận đúng là mọi vấn đề đều bắt nguồn từ chỗ đường này đã lâu không được phát quang mép và thông cống ngầm.
Ván này, hai nhà hàng xóm trên núi phất cờ vẻ vang.
(6)
Trên đường về nhà, lão Tiên sinh hỏi ông hàng xóm, lão chủ tịch đáng kính của chúng ta tuổi cao vậy thì tới đây ông ấy vì lý do gì đó không đảm đương nổi nhiệm vụ nặng nề này, chuyện gì sẽ đến?
Ông kia trợn to hai con mắt nhìn người đối diện của mình như giống loại sinh vật ngoài trái đất đi lạc đến vùng quê hẻo lánh này.
Tất nhiên là thằng junior rồi. Đấy là câu trả lời của ông hàng xóm!
(7)
Tối qua tôi gọi điện ề à cập nhật tình hình cuộc sống ở xứ cờ hoa cho bà cụ già ở Bắc Ninh.
Con gái kể cho Mẹ chuyện về ông chủ tịch xã và cuộc đấu trí ai chi tiền [sửa] đường, xong rồi kết luận, ai bảo chỉ có nhà mình mới cha truyền con nối, mới phép vua thua lệ làng hỉ.
Bà cụ già, người luôn tự nhận mình là quê mùa cà tẩm hoá ra rành thời sự nước Mỹ hơn cô con gái lơ ngơ. Mẹ bảo, nghe nói ông Chum tuyên bố dù chuyển giao quyền lực thì vẫn cứ là người thắng cử.
(8)
Ôi xứ sở cờ-hoa!
Ngày bé, tôi chỉ biết về nó qua công thức, ở Texas cái gì cũng to.
Giờ thì là, ở Mỹ cái gì cũng có, điều gì cũng là có thể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét