Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

gia thành tự, tự hoá gia - mẹo lách thuế và tinh thần sáng tạo

đây tự hoá gia - nhà thờ cũ gần Williamstown

(1)

Chuyện ngoài rìa.

Năm trước ở Narita trong lúc chờ trèo lên máy bay về Hà Nội tôi lơ đễnh hoá thành cố ý nghe lỏm cuộc trò chuyện giữa hai người đàn bà không quen biết nhưng vì cùng ngồi chờ chuyến bay thì sau năm phút tám chuyện hoá thành thân quen thắm thiết.

Cô trẻ trông xa xinh hơn hoa hậu nhìn gần tưởng chui từ bảo tàng tượng sáp ra, người toả ra sặc mùi tiền mới với hàng hiệu cồng kềnh từ chân tới tóc. Cô già thoáng coi giản dị nhưng mở miệng kiêu ngạo đẳng cấp thượng thừa, cái sự kiêu của người đàn bà gốc gác đi từ nông thôn có ông chồng chắc cũng cùng dạng và giờ đang mang hàm cấp hay chức vụ không uỷ viên này thì cũng là bộ trưởng nọ. Cô già thăm con gái học đại học ở Mỹ, khoe đã kịp mua nhà riêng cho con để con không phải ở campus khổ thân. Cô trẻ có chị gái lấy chồng Mỹ giờ thành người Mỹ, làm kinh doanh gì không rõ nhưng trong các món thì có kinh doanh tôn giáo.

Cô trẻ khoe với cô già, bà chị em nhanh nhạy lắm, làm ăn tốt lắm [vụ kinh doanh chùa]. Chẳng là cô chị kia mở chùa, mở trung tâm tâm linh kèm động đậy chân tay các khoá ngắn hạn mang tên tu tập. Chùa dành cho người sống ở Mỹ nói tiếng Việt. Còn các khoá tu thiền thì dành cho dân Mỹ sính thử các đức tín và kiểu cách tu tập ngoại lại, mới. 

Cô trẻ thì thào to nhỏ với cô già. Được lắm chị ạ vì đất bên Mỹ nó rẻ, mà là hoạt động tôn giáo thì đỡ rất nhiều tiền thuế má. Còn chùa thì về Việt Nam kiếm sư có mà đầy. Mà chỉ cần tìm mấy cậu sư trẻ ngoan ngoãn biết điều dễ bảo là được. Cô cũng bảo, bọn này [sư] tiếng Anh có kém tý không sao, mà cũng chẳng cần phải loại quá giỏi làm gì, chỉ cần mặt mũi sáng sủa gọi là.

Tôi đi tìm mua cafe, có cốc đồ uống ấm áp trong tay rồi thì sự chú ý chuyển sang phía ngoài cửa kiếng lớn, ngó máy bay lên xuống. Vì thế không quay lại hàng ghế cũ để nghe tiếp chuyện hai người đàn bà kia nữa.

(2)

Chuyện ngoài rìa tiếp.

Bloc mười mấy nhà hàng xóm láng giềng với nhau trong cùng đoạn phố, ngoại trừ hai ba nhà có bãi biển riêng thì còn hơn chục nhà chia nhau quyền sở hữu và sử dụng một bãi biển - tôi gọi vui là bãi biển khu phố.

Thuế nhà và đất của ai người đấy trả, bác nào tầm nhìn ra biển càng đẹp càng bị người thu thuế của thành phố đánh càng cao, và đây là chuyện riêng của mỗi nhà, là cuộc mặc cả giữa mỗi người với chính quyền thành phố. Riêng về bãi biển khu phố, chẳng cần biết nhà to nhà nhỏ nhà neo nhà đông thế nào, cứ bổ đầu theo từng hộ gia đình mà đóng thuế cũng như những khoản phí phát sinh này nọ.

Gần mười năm trước, ngày đẹp trời, ông hàng xóm kế bên nhà Tiên sinh quyết định bán nhà để về ở với con trai con gái sống ở trấn bên. Ông này rất hay, không có gọi môi giới / cò nhà đất chi chi, cũng chẳng cắm biển báo bán nhà bởi chính chủ / by owner miễn mọi trung gian. 

Việc đầu tiên ông làm là với tư cách một con chiên ngoan đạo tuần nào cũng đi lễ và lại có chút tư cách cùng tiếng tăm với chức thủ quỹ của nhà thờ, ông thông báo miệng rộng rãi cho cộng đồng tín hữu về ý định bán nhà của mình. Sau đó, ông đi gặp thẳng ông cha đại tổng quản giáo hội khắp cả một vùng [xứ đạo] rộng lớn để hỏi Giáo hội liệu có quan tâm.

Kết quả, lại một ngày đẹp trời, lão Tiên sinh có hàng xóm mới, Father Mark. 

Từ ngày có ông cha hàng xóm, thuế nộp cho thành phố của không chỉ lão Tiên sinh mà tất cả những đồng chủ sở hữu bãi biển khu phố đều tăng kha khá. Lý do rất đơn giản. Đã là Giáo hội thì miễn sạch sành sanh thuế má nhà đất bãi biển. Thế nên thay vì bổ đều thuế bãi biển cho 13 nhà thì giờ 12 bác chủ nhà còn lại phải gánh vác phần cho cái nhà thứ 13 kia kể từ nay trở thành tài sản của Giáo hội.

Điều thú vị là Father Mark chẳng bao giờ bén mảng tới bãi biển chung đó.

(3)

Con đường dài và đẹp chạy dọc theo bãi biển của thành phố ngoài những bãi biển riêng của một hộ gia đình hay bãi biển khu phố còn có không ít ngôi nhà sát mép nước.

Những ngôi nhà đó chưa cần biết diện tích to nhỏ thế nào, chỉ cần cứ là sát bờ biển thì tiền thuế cao ngất ngư rồi.

Thế nên mới có chuyện mỗi năm trôi qua, số người dân gốc gác thành phố biển này lại ngậm ngùi "buông bỏ" ngôi nhà thân yêu thừa kế từ ông bà cha mẹ của mình càng nhiều. Lý do? Dân bản địa nghề ngỗng nhàng ngàng, phiếu lương tuần đủ để sống vui vui vẻ vẻ ở mức trung bình, vừa vặn thế thôi chứ tiền thuế nhà cạnh biển thì kham không nổi. Có những trường hợp con cái được cha mẹ cho cái nhà, chuyển vô sống được đôi năm thì vội rao bán và chạy mất dạng vì tiền thuế năm cho ngôi nhà còn lớn hơn cả lương năm của vợ hoặc chồng. 

Ngày nọ có nhà kia bên mép nước đột nhiên cho cắm một cái biển ghi là chapel của một hội thánh Tin Lành nào đó. Hàng xóm trong khu thì thào kháo nhau, thằng cha này [chủ nhà] nó khôn, đi kiếm cái chứng chỉ [tôn giáo] rồi biến luôn nhà mình thành cơ sở thờ tự. Thế là miễn luôn thuế nhà đất, thật khoẻ!

nhìn xa tưởng cái nhà thường

(4)

Từ nhà trên núi đi xuống "phố" mua thực phẩm này kia chi nọ, chúng tôi bước vào địa phận tiểu bang NY. 

Ở khu trung tâm buôn bán đó, có một nhà thờ cũ lúc nào cũng đóng cửa im ỉm. Tôi ấn tượng về nó lắm. Năm trước thuận miệng hỏi bạn đồng hành, ông lão bảo, giờ không còn là nhà thờ nữa rồi, và cũng chẳng biết nó thuộc sở hữu của ai và là cái gì nữa. Còn lần cuối cùng cơ sở đó mở cửa thì đó là quán bar của một tay máu mặt chuyên tổ chức đua ngựa lậu bài bạc trong vùng.

Mà thế vẫn chưa hay bằng nhà thờ nhỏ hoá thành nhà tôi thấy trên đường đi Williamstown. Bạn đồng hành xem ra hóng hớt không ít chuyện về sự chuyển đổi đó. Nghe nói người mua lại nhà thờ cũ ban đầu là một ông nghệ sĩ muốn phù phép nó thành atelier nghệ thuật. Còn sau thì nó thành nhà ở, và mùa hè có cả đám trẻ con nô đùa ở khu đất bên hông nhà-nhà thờ coi rất phỉnh.

(5)

Mỗi lần đi theo con đường ven biển và qua cái nhà "gia thành tự", mười bữa thì có tới quá năm bạn đồng hành quay sang đùa tôi, hay là đi học lấy cái chứng chỉ rồi về mình biến nhà mình thành một cái chùa nhể!

Hic, bác chờ em biết nói tiếng Mỹ cái đã, hì!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét