Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2020

ở nhà một mình - đạp xe lòng vòng tiểu khu

(1)

Khi để tôi ở nhà biển một mình để đi Massachusetts, mối bận tâm lớn nhất của bạn đời về tôi luôn là câu chuyện vận động cơ thể

Mỗi tối gọi điện về, ông luôn hỏi, hôm nay có ra ngoài không, mấy lần, đi những đâu, coi gì, nhìn thấy ai. Và sau đống câu hỏi mà đáp lời gần như đã thành công thức, tỷ như mưa lắm, lạnh lắm nên sao ra ngoài được, ông lão không quên xỏ xiên tôi một chặp. Khi đó, tôi sẽ trịnh trọng tui thề, tui hứa, tui đảm bảo và rằng thì là mà, ngày mai sẽ khác.

Tuần này tôi ở nhà một mình, chẳng có cái ngày mai sẽ khác nào cho tới hôm nay, một Chủ nhật trời đủ ấm và đủ sáng sủa để cuối cùng con giời cũng động đậy thân mình, bước xuống sân sau, mở cửa ga-ra, lấy ra cái xe đạp, đội mũ và lên đường.

(2)

Tôi không đi xa sang bên kia cây cầu nhỏ để bước vô địa phận trấn hàng xóm.

Hai vòng lộ trình quen thuộc, một dọc theo đường biển, một vòng quanh bloc nhà mình với mấy nhà hàng xóm.

Hôm nay tôi vui vẻ cởi mở, gặp ai cũng chào, từ ông bà già tới đứa nhóc bốn năm tuổi đạp xe ba bánh có mẹ đi kèm, từ người tới chó. Chào tất. Hớn ha hớn hở mà chào. 

Và trừ con chó ở góc ngã tư nhà có ông già sống một mình lúc nào cũng lọ mọ bên cửa sổ bếp với cái vẻ vừa tò mò vừa khinh khỉnh với những người đi qua sân vườn nó trông coi thì mọi người ai cũng đáp lại tôi với cùng mức độ hớn hở, phấn chấn. 

Tôi nghĩ, có lẽ do trời đẹp nên tâm trạng bà con tốt!

(3)

Mùa đông, đại dịch, khủng hoảng kinh tế, nhưng phát triển nhà cửa xem ra vẫn trên đà tăng tiến.

Có căn nhà nhỏ kỳ dị với bà mẹ béo to gấp bốn lần tôi bệnh hoạn từ chân tới cổ và anh con trai mang dáng vẻ của sát nhân hàng loạt giờ đang trong quá trình bị phá dỡ. Nghe nói bà mẹ đã phải vô viện dưỡng lão, còn anh con trai đi đâu không rõ. 

Nhà đó là điển hình của bần hàn nhưng ngồi chồm hỗm trên đống vàng. Mọi bữa nhà bị vây tủa bởi cây bụi không được chăm dọn, giờ cây phát quang, nhà bắt đầu được dỡ một phần, bỗng lộ ra trong tầm mắt kẻ qua đường một khu đất rộng thênh thang ngay bên mép nước. Không rõ nhà giàu nào mua lại nó hay một ông bà phát triển mua, xây mới rồi rao bán nhà. 

Ở giữa con đường lớn ôm bờ biển, nhưng là mé đường bên này, có miếng đất lớn để không từ lâu. Năm trước một rẻo nhỏ được xắn để xây một căn nhà bé hạt tiêu nhưng giá bán cao ngất ngây chạm trời do cái địa phương nó cắm rễ. Nghe nói để phát triển khu đất này đã có kiện cáo lùm xum hơn mười năm trời vì các nhà hàng xóm siêu giàu đằng sau khu đất đó bất chấp việc nhà họ ở sườn đồi cao và do đó về căn bản không mấy bị ảnh hưởng tầm nhìn ra biển đã hò nhau lập hội phản đối ầm ĩ.

Bữa nay tôi thấy phần đất rộng còn lại được giăng dây cắm biển thông báo một công trình xây dựng mới. Căn nhà tương lai hẳn sẽ phải rất tuyệt vì tầm nhìn mở không giới hạn của nó!

(4)

Tôi đạp xe như một con điên, không đến mức phóng nhanh vượt ẩu nhưng rất da dáng, gò lưng hì hục đạp, kiểu rất pờ-rồ. 

Qua nhà Dona, cô người quen dân gốc nhiều đời gốc Ý ở thành phố này, như mọi khi tôi nhìn kỹ xem có thấy bóng cô không để rồi hét lên một câu chào hỏi. Bà chủ nhà không thấy, con chó yêu của Dona cũng chẳng thấy đâu.

Nhưng nhìn ngôi nhà với khuôn viên của Dona luôn đem lại sự thích thú. Hàng tuần cô luôn thay ghế dựa bên mép cỏ, chiếc ghế cô dành cho những người chờ xe bus thành phố, đảm bảo tuần này ghế đỏ thì tuần kế tiếp sẽ là vàng và sau nữa là xanh lá.

Hôm nay mọi khung cửa sổ lớn của ngôi nhà cổ đó tưng bừng các vòng lá trang trí mừng Giáng sinh. Điểm đặc biệt là thay cho sắc xanh lá truyền thống thì màu nền cho các món trang trí sắc đỏ lại là xanh da trời. 

(5)

Tôi chưa thấy nhiều phong vị Giáng sinh ở những chỗ đạp xe qua hôm nay.

Vài bờ rào chăng các vòng lá, một hai ông người tuyết bằng kim loại lơ mơ dưới nắng, đôi ba cây thông lấp lánh sắc kim tuyến của các trái bóng nhỏ. Chỉ có vậy.

Về nhà mở cửa ga-ra cất xe, tôi vô tình ngó thấy và lấy ra khỏi góc tối phủ bụi một vò, một vại, một niêu, đều là các món đậm đà vị quê đồng bằng Bắc Bộ.

Tự dưng có chút trào phúng, đôi khi không phải là quá tệ việc chúng ta là những kẻ tích đồ đến mức bệnh hoạn. Nhờ cái bệnh này của lão Tiên sinh mà tôi lại có thêm trò nghịch ngợm khi trốn ở trong nhà.

ngày đẹp, trời đẹp, tâm trạng đẹp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét