ấm áp hương nén chạy qua hàng trầm gặp thơm khỏi củi lách tách trong lò sưởi |
Ông tìm hiểu về kinh tế phi chính quy, gặp ngành nghề gì thì thành "khách hàng" của ngành nghề ấy.
Hơn chục năm đi theo các cô chị bán hàng rong, cứ đến mùa hè là ông thành chủ buôn hoa quả. Hôm phỏng vấn chị bán xoài, tối tôi vác về phân phát cho hàng xóm gần hai chục ký. Bữa phỏng vấn chị bán vải, chúng tôi hì hục rải túi quả từ hàng cafe quen đến mấy bác gác toà nhà và cô chuyện dọn phòng ốc cho ông lão.
Rồi khi đi làng Chuông phỏng vấn, ông vác về nón cả chồng ba bốn chục cái.
Thăm làng đúc đồng gần Hội An, túi hành lý về Hà Nội của ông nặng trĩu từ chuông mõ tới tượng Phật to tượng Bụt nhỏ.
Vải vóc và dụng cụ dệt của người Hmong, ông tích cực tích trữ, giấu kỹ quá đến mức cả chục năm sau đồ vẫn nguyên trong bọc.
Qua Phù Lãng, chum vại cách điệu ông tha lôi cả đống. Lại sang đến Thổ Hà, đặc sản mang về Hà Nội là mỳ miến bánh đa.
Từ Kiêu Kỵ về, ông kiếm cho tôi không ít quỳ vàng quỳ bạc, đủ để con giời hết bôi trát cho cái cây gỗ trang trí thì lại bày đặt phủ đáy bát hương rồi dán tứ tung lên các lớp giấy bọc quà tặng gửi bạn gửi bè.
Có mấy năm liền ông tìm hiểu thăm trầm của mấy làng chuyên nghề dệt, kết quả là nhà Hà Nội có khăn mặt, khăn tay đủ dùng đến cả chục năm.
Có lần tôi kể chuyện thành tựu ngâm cứu của ông cho cô nghệ sĩ đóng bỉm, nó cười lăn lóc. Xong hồi nó phán, may mà bác ý nghiên cứu làng nghề và ngành nghề buôn thúng bán mẹt. Chứ ông bác làm quả ngâm cứu bà con xì ke hay các chị buôn hương son phấn thì chả nhẽ lại suốt ngày đi chích, đi chịch à. Tôi nghe vừa tức vừa buồn cười.
Trong cái hành trình tìm hiểu và mua đồ đó của Tiên sinh, chỉ có một thứ duy nhất ông không mua làm kỷ niệm dù có những cuộc trò chuyện, phỏng vấn làng nghề ra trò. Đó là món thủ công làm nên tên tuổi của các bác thợ Thổ Hà! Về điểm này, ông thua xa một ông nghệ sĩ Pháp quốc mà tôi biết, người đã mang về căn hộ của mình ở Paris không dưới mười cái tiểu sành để làm món sắp đặt chình ình trong phòng khách!
Tiên sinh nghiên cứu nghề làm hương truyền thống, ông la lê từ phố chợ Đồng Xuân đến tận mấy làng chuyên làm hương xuất đi xứ Ấn - tính cả cơ sở làm hương lẫn các cơ sở cung cấp nguyên liệu. Thành tựu vác về cả nhà trọ ở Hà Nội lẫn nhà riêng xứ cờ-hoa là bó tướng que tre nửa trắng nửa đỏ, và không biết bao hộp hương từ nén tới vòng.
Năm trước ở đây tôi thấy ông lão lấy gạo cho vô cái lọ nhỏ rồi châm một nén hương đốt, ngồi rung đùi khoái chí giống Tết Việt Nam nhỉ thì thực cười muốn té ghế. Ở nhà Hà Nội từ vài năm trở lại đây, tôi và TL quen dùng trầm Khánh Hoà để cúng Cụ, đã thật quen với huân hương dịu nhẹ thoảng đến thoảng đi như có như không. Thế nên vừa mới gặp tông hương mới, tôi chê liền, hương chi sao nồng đậm vậy.
Nhưng mà xa nhà thiếu thốn đủ đường, rất mau Thế Hưng thành món quà huân hương quý giá.
Nhất là ngày đông lạnh, trong nhà rừng chẳng có dụng cụ chuyên cắm hương, cứ đại cái vỏ chai bia với một mẩu củi kê để chân hương không thọt lỏm trong chai, xoẹt diêm một cái.
Từ từ, hương ấm áp chậm rãi ôm trọn ngôi nhà!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét