Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

giường 5 chân & chuyện bà con xóm núi rủ nhau mua ti-vi

(1)

Khu tập thể trường kinh-tài (Kinh tế Kế hoạch, sau đổi thành Kinh tế Quốc dân) ở sân vận động cũ bỏ hoang rộng thênh thang là một dãy nhà cấp 4 mười hộ gia đình. 

Có nhà đầu hồi bác trai tên Giàu, bác gái tên Thiện, cả xóm quen gọi nhà bác Giàu. Trong xóm hai bác thuộc hàng cao tuổi nhất, và trừ chị con gái út nhỉnh hơn tôi tý chút thì hai anh con trai lớn rõ ràng là thanh niên chứ không phải tụi nhóc choai choai đứa nào đứa nấy đều có biệt hiệu riêng gắn với từ gà tới chuột qua heo rồi khỉ hay chiều cao thấp như lũ chúng tôi.

Nhà bác Giàu thời đó đúng là giàu thật, là một trong hai hay ba nhà của xóm có ti-vi. 

Và vì hai bác cởi mở nên trẻ con cả xóm cứ đều đều tối tối điểm danh chạy qua nhà hai bác để xem ké truyền hình, kể cả những đứa nhà có vô-tuyến nhưng vì ham vui nên cũng góp mặt. 

(2)

Nói là nhà nghe nó oách chứ thực là một căn đúng một phòng chừng ba chục mét vuông, nhà nào cũng như nhà nào có một cái giường, một cái tủ mà nóc kiêm bàn thờ cúng Cụ - nhà sang có tủ cái tủ li -, rồi nhà nào sang nữ nữa thì có thêm cái tủ lạnh Xa-ra-tốp, và vì là trí thức thời bao cấp thì mười nhà phải có đến bảy hay tám chễm chệ bộ Lê-nin toàn tập hơn 50 cuốn nặng chịch mà chỉ cần một thôi cũng đủ làm hung khí sát nhân.

Khổ thân cái giường nhà bác Giàu, bọn trẻ con lúc nhúc ngồi trên đó nên để tránh nguy cơ giường sập, bác phải thêm cái chân trụ ở chính giữa. Vì thế mà có chuyện nhà bác Giàu có cái giường 5 chân độc nhất vô nhị.

(3)

Sau này cái sân vận động cũ biến thành mảnh đất màu mỡ, bắt đầu xuất hiện thêm dãy nhà tập thể cấp 4 mới, bắt đầu xuất hiện đại công trường xây nhà tập thể cao tầng.

Đó cũng là thời gian nước nhà bước vào đổi-mới, đổi tiền hai lượt thời gian không xa cách nhau là mấy, tiền mới tiền cũ làm cho bà nội trợ như Mẹ cười tít mắt vì việc đi chợ bỗng sao dễ dàng. Bọn trẻ con như chúng tôi trong bữa cơm mặt mày cũng hồng hào hơn vì cơm nhà mình có thịt.

Và đương nhiên, trong hoàn cảnh đó, cái ti-vi cũng như cái giường 5 chân huyền thoại nhà bác Giàu đã hoàn tất vai trò lịch sử và đi vào quá vãng. Vì hầu như nhà nào cũng bắt đầu có cái máy truyền hình của riêng mình!

(4)

Thống đốc của tiểu bang Massachusetts là một người rất thú vị. 

Trong nhiều tuyên bố rắn của vị này có câu nói, tuyệt đối không để hộ gia đình nào trong tiểu bang, dù là ở góc xa xôi khuất nẻo nhất, mù internet.

Kết quả là cứ từ từ theo kế hoạch nhiều năm, dây cáp được kéo lên tít tắp tới tận đỉnh núi. Mà không những thế, tiểu bang còn cấp ngân sách hỗ trợ lắp đặt kéo dây vô nhà rất hào phóng.

(5)

Bữa trước thấy dây rợ kéo xong cả vài tuần mà chẳng có động tĩnh gì thì Tiên sinh ngồi nhà biển cao hứng tìm số điện thoại gọi hỏi loạn xà ngầu. Ông lão trúng quá gặp đúng người đúng việc, vớ luôn được ông cung cấp dịch vụ có tiếng tăm không nhỏ. 

Sau gần ba giờ ề à trò chuyện với một anh nhân viên ngồi ở Florida thì chốt liền hợp đồng internet cho nhà trên núi. Anh kia khéo mồm gạ gẫm mấy gói combo nào sóng wifi nào tivi nào điện thoại chi chi, ông lão từ chối tất, bảo tui đây chỉ cần căn bản. Sau hồi thì chốt chét lấy sóng mạng và điện thoại là OK.

Điện thoại vừa dập, ông ngay tắp lự gọi điện khoe thành tích với nhà hàng xóm trên đỉnh núi, với ý để bà con biết mà chủ động liên lạc đặt dịch vụ.

(6)

Đợt này quay lại nhà rừng, không chỉ nhà hàng xóm cận kề mà cả nhà dưới núi - của hai chị em gái sống ở Boston và chỉ cuối tuần mới về đây nghỉ ngơi - đều tưng bừng phấn khởi xoá nạn mù internet.

Trên đường xuống núi, chúng tôi gặp một trong hai bác trai của nhà đó. Dừng xe tám chuyện gần một phần tư giờ đồng hồ, nghe ông bác khoe tức thì mua ngay một cái ti-vi rồi.

Còn nhà trên núi sau hai lượt bể hẹn lắp đặt vì cơn bão tuyết thì chiều nay đã có anh thợ mặt non búng ra sữa, người nhỏ thó trèo leo nhanh hơn khỉ đến kéo dây vô nhà. Ông chủ cười phớ lớ, ti-vi nhà tui sẵn sàng rồi.

(7)

Tôi bắt đầu tò mò tự hỏi, bao giờ bạn đời cao hứng, nhà mình cũng cần có cái ti-vi, nhể!

Trong khi chờ đợi xem kế hoạch mới của ông lão với nhà rừng là gì, tôi hỏi ông, thế này thì mình đã được coi là người "văn minh" chưa?

Ông lão bĩu môi, vẫn là vùng sâu vùng xa. Và cái minh chứng hùng hồn nhất là cho tới giờ này, bà con xóm núi hoặc vẫn phải cậy nhờ hộp thư ở trại trượt tuyết hoặc phải chạy sang vùng đất thuộc NY dưới chân núi, cắm cây cọc dựng hộp đựng thư. Còn tinh ranh hơn nữa là địa chỉ nhận thư ghi chính xác số nhà và tên đường, nhưng thay vì trấn hạt thuộc Massachusetts thì phải ghi thành Stephentown thuộc NY. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét