bánh mỳ "hoa hồng" tự làm giòn từ trong ra ngoài chấm sữa đặc có đường |
Ngày xửa ngày xưa, khi đường Giải Phóng còn bé tý hi, khi đối diện Bệnh viện Bạch Mai còn là các nhà mái giấy dầu lúp xúp, lụp xụp hàng quán tối om om, tôi nhớ chỉ khi bị ốm mới được hưởng cái đặc ân ăn phở ở một trong mấy cái quán đó. Bố đạp xe mang theo cái cặp lồng đi mất mươi phút thì về đến khu tập thể, phở lấy ra bát cho con gái ốm vẫn còn nóng hôi hổi, dù ốm mồm miệng vốn dĩ phải là dở quẻ đắng ngắt nhưng thế quái nào phở đó sao mà ngon. Chẳng giống bây giờ, động chút ốm đau chi chi, món bổ dưỡng để đến tận miệng mà con bệnh phần nhiều trường hợp đều mang cái thái độ nguây nguẩy, ăn không vô.
Từ chuyện phở lan man sang chuyện đau ốm và cách người thời bao cấp đi thăm hỏi nhau mỗi khi đổ bệnh, và nhất là phải vô bệnh viện. Công thức chung nổi bật nhất, đã trở thành "lịch sử", ghi dấu về một đoạn dài thời gian nghèo khó vật chất song lòng người hãy còn sáng sủa chân thành nhiều: "cân đường, hộp sữa".
Đơn giản chỉ vậy, chuyện "cân cam" và "cái phong bì" là chuyện của sau này, muộn hơn chút!
Hộp sữa cũng tuân theo một công thức độc quyền duy nhất trong một thời gian dài: Sữa Ông Thọ. Trước khi có mấy nhãn khác, mà giờ tôi nhất thời chỉ nhớ được bạn Phương Nam.
(2)
Ngay cả khi ốm đau và được thăm hỏi "cân đường hộp sữa", chưa chắc cả người ốm lẫn người nhà người ốm dám mạnh tay khui lon sữa bò trân quý này.
Thế nên mới có chuyện cười ra nước mắt là nhà nghèo cất hộp sữa kỹ quá, lúc nhớ ra thì hạn hết từ đời tám hoánh và nắp lon phồng rộm.
(3)
Tôi vẫn nhớ mùi vị của cốc sữa nóng pha từ bạn sữa đặc có đường này. Ngọt. Ấm áp.
Sữa pha uống nóng cứ thế uống, thích! Thích nữa là pha đặc đặc chút rồi vặt các mẩu bánh mỳ thả vô, rất mau bánh nở mềm, giờ nghĩ lại có thể thấy hơi "mọi rợ" nhưng ngày bé, tôi thích món đó lắm. Thi thoảng nữa tôi còn có tiết mục nguyên mẩu bánh mỳ chấm trực tiếp vào sữa đặc, ngọt lừ!
Sau này, qua cái thời nghèo khó, thấy sữa Ông Thọ và các phiên bản tương tự thì tôi ngán. Ấm áp vẫn ấm áp đấy. Nhưng mà ngọt quá. Quá ngọt!
(4)
Cũng sau này, lon ton hóng hớt ngoài đường thi thoảng tôi cũng đu dây theo thời đại, gọi ly cafe sữa nóng với đáy ly thuỷ tinh một lớp sữa ngả sắc bơ sánh đặc mịn màng. Nhưng mà cũng rất mau tôi bỏ cuộc vụ này. Cafe pha phin quá đắng, gặp sữa đặc quá ngọt thì tổng hợp vị vào đến cổ họng tôi thành khé [cổ], siêu khé.
Bếp nhà Hà Nội có đợt tôi và TL tích cực xay sinh tố, nhất là món sinh tố quả bơ. Thế là mua sữa đặc có đường. Nhưng không phải lon thiếc mà là vỉ sữa chia phần - hình như là Vinamilk - mỗi hộp nhựa nhỏ vừa xinh cho một suất đồ uống.
(5)
Mấy tháng trước ghé qua siêu thị của người Hoa bên đảo Rhode, tôi cao hứng nhặt một lon sữa đặc có đường. Không phải Ông Thọ và là một con vẹt.
Bánh mỳ tự nướng, tôi cố tình làm thành bánh mỳ que, bánh mỳ nhỏ viên vừa nắm tay, đại khái nặn, rồi vân vê tùm lum, khi nướng cố tình lấy giòn cho bánh, giòn đến mức xơi liền xong mấy cái con giời vẫn chẳng có lấy một mẩu ấn tượng về thứ có tên ruột bánh mỳ.
Bánh đó chấm sữa đặc có đường ngon thật là ngon!
tôi gọi đây là sữa con vẹt |
Nespresso Colombia quá đắng? Đã có ông vẹt! |
lon sữa Ông Thọ vỏ mới ở khu cách ly tập trung 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét