Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

đóng mở mở đóng - trường học

(1)

Liền hai ba tuần tôi nghe loáng thoáng tin tức dịch bệnh bên Pháp, định bụng viết thư hỏi thăm TA xong rồi loanh quanh ốm đau và đi nhà rừng hồi giữa tháng Tám thì ý định cứ để đó.

Trở lại nhà biển, nhận thư bạn viết thư hồi đáp hỏi tình hình, đọc email tiếp của bạn cứ như thể đang xem một bộ phim tổng hợp đủ món từ ma, kinh dị tới hành động qua hài cười bể bụng.

Ngẫm ngẫm nghĩ nghĩ, chuyện đời, chuyện người, và thậm chí là cả chuyện mình vẫn chẳng khối mảnh dở hơi bi hài còn gì. Chẳng qua vào cái thời "thổ tả" này, mọi thứ trở nên dồn dập, ép nén nên từ các mẩu mảnh rời rạc thì nay toè loe dòng thác lũ những chuyện siêu tệ, siêu kinh [...].

(2)

Trước khi chúng tôi đi nhà rừng, nghe bập bõm tin trên radio có vụ trường đại học to đùng ở tiểu bang kia mới đón sinh viên trở lại được một tuần thì đã phải sấp ngửa đóng cửa vì bùng nổ số ca nhiễm covid-19.

Nghe nói cánh sửu nhi vì campus không chứa hết đầu sinh viên đã thuê nhà bên ngoài. Mà tuổi trẻ thoát khỏi cương toả của những quy chế này nọ nọ chi ắt sẽ hội hè đình đám, nhảy múa ăn chơi thâu đêm bét nhè. Một trong những sự kiện bị tố là nguồn cơn làm bùng số ca nhiễm mới chính là một cái pạt-ti có đến cỡ bốn trăm tinh hoa tương lai hội tụ, và dĩ nhiên là chẳng có chồi tinh bông nào mang cái bịt miệng cả.

Lại nghe nói, trong hoàn cảnh ầm ào những yêu sách cải tổ và đổi thay này, thời của Black Lives Matter, phản ứng cùng can thiệp từ giới lãnh đạo viện đại học cũng như cảnh sát địa phương trước những tụ họp mang tính nguy cơ kia bỗng trở nên có chút chậm chạp. Lý do rất đơn giản, phát ngôn hay hành động không khéo dễ trở thành nhạy cảm, dễ bị chụp mũ và chịu búa rìu công luận.

(3)

Trong thành phố biển này có hai đại học tư kích cỡ xinh xinh. Sinh viên từ tứ xứ sắp quay trở lại campus.

Thông tin phát ra hồi giữa tháng trước từ một trong hai trường kể trên là sẽ hạn chế số sinh viên trú trong khu ký túc. Điều này đồng nghĩa với việc trong cái thành phố vốn được xem là của người già này sẽ nhan nhản các nữ tú nam thanh hừng hực sức sống của tuổi trẻ, và cũng có thể bị xem như là những nguồn lan lây tiềm năng không thể coi thường.

Hay tin, tức thì dân chúng nơi này đã có vài người phát sốt, phát rồ. Chuyện đóng đóng mở mở trường học, viện đại học cứ tưởng chỉ đơn giản là chuyện của những người trong cuộc, bộ ba học sinh - phụ huynh - nhân sự nhà trường nay thòi lòi ra cái vấn đề cư dân địa phương. Các campus đại học nhỏ ở các thành phố hay trấn nhỏ vốn là một thế giới riêng bên trong, bên cạnh, bên ngoài cộng đồng cư dân địa phương. Nay thì các ranh giới chẳng còn rõ ràng rành mạch như trước.

Đầu chiều hôm trước có việc ra ngoài, chúng tôi đi qua mặt sau của khuôn viên trường đại học ở cách nhà chỉ dăm phút rảo bộ, thấy lố nhố láo nháo sinh viên ở sân vườn bên này và bãi đất dẫn xuống biển bên kia. Trừ một cô mặt Á mang khẩu trang đứng dưới tán một cây magnolia đang nhoay nhoáy bấm điện thoại thì còn lại từ một cậu chàng đu đưa trên skateboard đến mấy cô từ dưới bãi biển lên bikini mặc như có như không tất cả đều phơi phơi mặt mày rạng rỡ sức sống dưới nắng hè.

(4)

Tuần đầu tháng Chín này, đọc tiếp thư bạn từ Paris, cạnh mấy chuyện tăng số người nhiễm mới và cái khẩu trang lại tiếp tục chủ đề đóng mở mở đóng. 

TA kể, "Pháp vừa khai giảng hôm 1/9 thì hai hôm sau đã có 22 trường học (cấp 1-2) phải đóng cửa vì có trẻ con nhiễm bệnh. Hài hước nhất là có một trường ở Paris, tối bố mẹ đến đón các con ở trường, được tụi trẻ con đưa tận tay một bao thư dán kín, đề "khẩn" của ty y tế. Các bố mẹ mở ra đọc được: từ ngày mai yêu cầu các bậc phụ huynh không đưa con đến lớp trong vòng 14 ngày, vì có một em nhỏ bị dính, và em nhỏ đó thì có một em trai nữa, học khác lớp nhưng cùng trường".

(5)

Ngay từ hồi tháng Ba lúc rục rịch chuyện lockdown, tôi nghe bạn đời lẩm bẩm, thế này thì các gia đình cả bố lẫn mẹ đều đi làm tính sao đây.

Đến lúc trường học đóng cửa, có việc phải ra ngoài tôi thấy không ít cảnh bọn trẻ con dán mặt qua cửa sổ, nhà nào rộng rãi thì có trò chúng nó lăn lê chỗ lối dẫn vào nhà lát xi-măng và vẽ vời bôi quệt đủ thứ. Còn đọc báo và nghe radio thì phụ huynh phát rồ, nhảy tưng tưng, không ít người nói sắp rơi vào trầm cảm cả nhà từ bé đến lớn. Bọn bé không ngừng hỏi "Tại sao" [chúng nó phải ở nhà, không được ra ngoài chơi]. Còn bọn lớn thì phát hiện hoá ra trường học tuyệt vời làm sao khi không thể "chịu đựng" lũ quỷ nhỏ.

Đấy là chuyện mấy nhà còn có kinh tế chút. Nhà nghèo vấn đề còn trầm trọng hơn nhiều. Bọn trẻ đi học đồng nghĩa với có bữa ăn miễn phí ở chỗ này hay tiền ăn trưa của con được hỗ trợ ở chỗ kia. Khi đóng cửa, bố mẹ nhìn con, trông con và phải cho chúng ăn ngày ba bữa với cái thẻ tín dụng nhảy lách tách mau lẹ bất thường.

(6)

Bữa Hà Nội đóng cửa, tôi nghe TL cười khì khì kể chuyện đồng nghiệp than thở hai đứa con ở nhà làm tốn thêm nhiều tiền chi cho giấy vệ sinh và nước [chắc đóng chai], thật muốn cười té ghế.

Sau nghe thêm vụ than thở lũ người lớn phụ huynh cóc chịu được lũ quỷ sứ trẻ con. Nhưng hiếm có màn than về chi phí ăn uống.

Ngẫm nghĩ, ở xứ mình nhân dân giỏi tự lo, hay nói theo lối quen thuộc là "xã hội hoá" lên ngôi, nhà nước và nhân dân cùng chăm lo đóng góp, phụ huỳnh è ra mà nộp tiền bữa cho con nếu là học bán trú chứ làm gì có cái khỉ mốc gì mang tên bữa trưa học đường được hỗ trợ một phần hay bữa phụ/sữa miễn phí để mà một bộ phận nhân dân kém khá giả "ỷ lại" thành quen đến lúc trường học đóng cửa mới hẫng hụt tài chính tín dụng.

(7)

Bữa trước khi gia đình mấy bạn người Hoa ghé qua chơi, tôi nghe kể hai bé gái nhà đó tuần đi học ở trường hai ngày, còn lại là học qua mạng ở nhà.

Cô mẹ hổ của hai đứa trẻ một lên mười một mới qua sinh nhật bốn tuổi than thở, với bé lớn thì chẳng lo vì nó đủ nhận thức về đại dịch và các phép phòng ngừa. Nhưng con bé bốn tuổi kia, nó nhảy choi choi như một tiểu hầu tử, ai mà biết được khi đến lớp thì nguy cơ sẽ lớn đến chừng nào.

Vẫn cô mẹ hổ còn tính vì con gái mình đã qua bài test quan trọng cho việc đi lớp sau này nên thời gian tới có thể vợ chồng cô sẽ ỷ lại vào việc có ông ngoại sống cùng mà không gửi con gái nhỏ đi nhà trẻ và ông ngoại sẽ có nhiệm vụ mới là ông ngoại giữ trẻ. Cô nói xong ý định đó thì bảo, may mà nhà tao có ông ngoại chứ bố mẹ của đám bạn cùng lớp con bé Abby thì dù có lo như tao chắc cũng vẫn phải gửi chúng nó đi lớp chứ chẳng làm chi khác được.

(8)

Đóng. Mở. Mở. Đóng. 

Đã hơn nửa năm trôi qua kể từ khi xứ cờ hoa bị con virus chết tiệt này quay vòng vòng. Kêu ca phàn nàn, thậm chí là phẫn nộ la lối om sòm đủ mọi kiểu loại biểu tỏ, xét đến rốt ráo thì cuộc sống vẫn tiếp diễn. Khái niệm "bình thường mới" xem ra đã trở thành bình thường.

Sự không bình thường nhiều người nghĩ trong dạ nhưng có vẻ như bắt đầu ít nói ra tuy vậy vẫn luôn ở đó. 

Các âm ỉ tâm lý tích tụ đã lâu chờ một tích tắc cơ hội có thể bùng phát bất kỳ lúc nào. Các khoản nợ tín dụng không tự dưng biến mất mà chỉ tiếp tục phình nở trước mắt vô số người.

Nguồn cơn của các nguy cơ có nhiều. Như sự thả lỏng thiếu ý thức như mấy cô cậu sửu nhi ở cái trường đại học lớn kia. Hay những sự giữ ý tứ trong thời buổi nhạy cảm chính trị trở thành siêu nhạy cảm, ngăn trở những can thiệp kịp thời giúp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Ở tầng cao hơn, gọi là vĩ mô đi, giới chuyên gia bị chia rẽ bởi các quan điểm, khoa học hay nhân danh khoa học có mà tư tưởng hệ ngầm ẩn cũng có, đập nhau chan chát và không thiếu dịp thẩm quyền chuyên gia nhượng bộ trước sức ép quyền lực. Đám chính trị gia thì uýnh nhau vì lá phiếu bầu cử, thằng đóng thằng mở thằng nào cũng bố mày đây chân chính đúng, chân chính vì nhân dân.

Còn lại nhân dân thì là loạn xà ngầu cũng dăm phe bảy phái nếu không phải là ngơ ngơ ngác ngác giờ chúng tôi nghe ai và tin ai được đây. 

Thế nên, đóng hay mở, mở hay đóng, câu chuyện cứ là tự mình bảo vệ mình cùng với chút phần may mắn Trên ban và sức mạnh của tinh thần lạc quan trông chờ vào mấy món vắc-xin. 

Bác nào né được con virus thì cứ né, bác nào lơ mơ bị nó rơi đánh rụp một cái trúng đầu thì coi như không may và chuẩn bị tinh thần nghiến răng nghiến lợi nhìn thấy thêm một đống hoá đơn đòi nợ gửi tới nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét