Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2020

sống đời giản dị (7)

Cuối hè hai năm trước, tôi đang gật gù ngủ gật trên xe bus 14 lúc này vừa mới lướt qua vườn hoa Hàng Đậu thì nghe lao xao nhốn nháo khắp cả xe. Ai nấy trong xe, kể cả thủ trưởng lái và phụ bus, đều đồng loạt quay đầu về một phía. Ở cách cổng cơ quan Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội vài số nhà có một sự kiện nào đấy rất màu mè với tấm bạt vải chi chít các logo dựng choán hết mặt tiền của căn nhà, và dăm ba cô người mẫu cả da trắng mắt xanh tóc vàng lẫn Việt thời đại 4.0 với tràng mày, cánh mũi và ngực chảng y sì phóc như nhau đang uốn éo trong lễ phục dạ hội trước một tiểu đội phó nháy.

Cái hình ảnh trên đoạn phố Quán Thánh bữa đó ghim lâu trong trí nhớ của tôi. Không phải là do hay về các cô gái đẹp. Mà là suy nghĩ nhất thời, và như mọi khi luôn sặc mùi xỏ xiên cố hữu, của tôi khi đó. Đó là về sự hào nhoáng giả tạo, mong manh nhưng lại như thật, nhan nhản cùng khắp các mạng nhện truyền thông xã hội, cổ xuý cho một thứ chuẩn phù phiếm mới, một sự truy đuổi mới về cái được coi là "sang chảnh".

Vui vui tý thì chẳng sao. Nhưng đáng sợ nhất là khi chỉ có một chuẩn độc tôn hay ở thế chủ lưu lấn áp tuyệt đối ăn sâu vào não trạng của con người.

Ngày trước, chuẩn thường là được làm sẵn, quy định từ trên xuống. Kiểu như hơn sáu chục tỉnh thành trong cả nước sẽ có hơn sáu chục cái bảo tàng y chang tổ chảng. Hay tờ báo đàn bà chính thức của nước nhà sẽ chỉ tay định hướng rõ ràng về chuyện mặc váy là lịch sự và hiện đại hay không. 

Còn giờ, cạnh các chuẩn quan phương có thêm chuẩn của anh trọc phú, kiểu như xây toà bui-đinh ở ngay trung tâm Sài Gòn rồi đặt ềnh chềnh chính giữa sảnh lớn một mớ tre đại biểu cho món đồ dùng quen thuộc trong căn nhà Bắc Bộ ngày xưa được sơn đỏ choe đỏ choét và bảo đấy, nghệ thuật là đấy. 

Rồi nữa, và hay hơn cả, là chuẩn đi từ dưới lên, từ lòng nhân dân, đặc biệt là nhân dân trẻ. Cứ xem mấy cái phây của mấy nàng "tiểu tam" đang bị moi móc trên mạng nhện hay thủ trưởng hót-boi và hót-gơn đình đám mạng nhện, nhìn tý hay ho ra phết, nhìn thêm tý nữa bội thực toàn tập. Tại sao? Vì hoá ra là cùng rập một cái khuôn tiết kiệm vải, rãnh ngực càng hở sâu càng tốt, váy hay quần sọt càng vén cao càng tốt, mông càng cong vú càng bự càng tốt. Vì càng thấy các logo hàng xa xỉ, chắc xuất xứ Đông Quảng, bao khắp quanh người càng tốt.

Cuộc đời phong phú đa dạng, nhất là đời bốn chấm không, nên ai biểu tỏ cái gì là quyền của họ, thích ta xem không thích ta không xem, chuyện vốn dĩ là vậy. Nhưng có một điều nhỏ làm tôi có chút gờn gợn, nếu có một ngày những tờ-ren đó trở thành chân chính đúng, duy nhất đúng thì chuyện gì sẽ xảy ra?

"Tại sao lại vì cớ làm đẹp nhà đẹp cửa, chúng ta lại lấy mất của chúng ta cái gì là đặc điểm, cái gì là quý báu? Tại sao lại làm những căn phòng của chúng ta thành ra những căn phòng khách sạn, làm những phòng khách của ta thành ra những phòng đợi của nhà ga? Tại sao lại làm những nơi ấm cúng đặc biệt của ta thành những nơi tầm thường, vô vị - thầm thường, vô vị vì ta đã quá đề cao một điển hình của cái đẹp chính thức, ai cũng biết, ai cũng dùng? 
Có gì khổ tâm hơn là cứ phải đi dạo cùng khắp các tỉnh thành trong một nước, cùng khắp các nước trong bất cứ một chỗ nào cũng chỉ thấy những hình thức giông in nhau, không dám khác nhau một ly, đến nỗi làm cho ta phát bực vì tẻ nhạt, vì nhiều quá [...]

Tôi muốn nói thêm về mấy công việc nhỏ nhặt nữa trong nhà, mà những người ít tuổi thời nay không lấy làm thích thú. Sở dĩ họ coi thường những công việc vật chất, họ không muốn nhúng tay làm những việc tầm thường ở trong nhà, đó là vì họ đã hồ đồ, lầm lộn, mà sự lầm lộn, hồ đồ đó không phải là hiếm thấy và ít hại như ta vẫn tưởng đâu. Họ tưởng rằng chính những đồ vật nên thơ hay không nên thơ, đẹp hay không đẹp. Vì thế mới chia ra những công việc cao sang nhã ái như làm thơ, viết văn, đàn, thổi sáo, uống rượu, đánh cờ và những công việc tục tằn thô lậu như lau bàn, quét ghế, đánh giày, vơi nước hay đun bếp".

Charles Wagner - Bản dịch của Vũ Bằng được Lục Phong gõ lại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét