Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

cử tri luke

(1)

Mấy tuần trước, khi tôi bám càng gia đình mấy bạn người Hoa đi siêu thị ở đảo Rhode, trên đường về có một xe bán tải vút qua, sau thùng xe phần phật cờ Mỹ với khuôn mặt của ông tổng Chum to tướng. Đến đoạn giữa các làn nhanh chậm khác nhau, xe chúng tôi vượt qua cái bán tải kia, tôi ngó sang thấy một anh trẻ chừng tuổi 30 điển hình của dân lao động Mỹ trắng làm việc ở một cái xưởng hay cửa hàng cơ khí nào đó, mặt mày rất phởn, vừa vặn phù hợp với cái xe ngông nghênh phóng trên xa lộ của anh ta.

Còn hôm rồi từ nhà rừng về nhà biển, lại một xe bán tải với cờ Mỹ, lần này nhỏ hơn và chẳng có cái mặt nào trên đó, lạng lách ồn ào từ làn này qua làn khác. Sau khoảng mươi phút, chúng tôi thấy từ xa xe táp vào lề, từ trong đó phi ra một chị Mỹ trắng trẻ chừng dưới tuổi 30, cũng thô tháo một vẻ người làm mấy nghề dịch vụ hay nông nghiệp gì đó, vóc bằng cỡ hai cái thùng tô-nô chụp lại. Chị gái nhảy phắt vào bụi rậm bên lề đường, cả tôi và bạn đồng hành chẳng ai bảo ai quay sang nhìn nhau cười phì. Xe chúng tôi lướt qua, đằng sau thùng xe chi chít Chum và Pen.

(2)

Có ông giáo sư chuyên món Political Science là người bỏ phiếu có thâm niên cho đảng con voi, bốn năm trước bỏ phiếu cho ông tổng hiện tại nhưng giờ thì ở thế "mắc kẹt".

Ông ghét bọn đảng con lừa nhưng gần bốn năm qua thất vọng không ít về người mình đã bỏ phiếu cho. Câu nói cửa miệng của ông những ngày này, giống như điệp khúc từ một cái băng cát-xét rè cũ kỹ tua đi tua lại, là: Tui không bỏ phiếu cho Chum nhưng chắc chắn cũng sẽ không chọn Đèn.

(3)

Ông cha nhà bên có em trai tên Luke, nghề nghiệp thợ làm vườn kiêm việc vặt liên quan cho chuỗi nhà thờ và chủng viện ông anh trai phụ trách. 

Ông Luke này là một phiên bản dân đen tầng đáy của mồ ma ông tổng Côn. Ông nói năng chậm rãi, lúng búng cả mớ từ trong miệng, đến người đồng bào của ông nghe không quen còn chẳng thủng thì nói chi tới tôi, kẻ gần như là mù chữ ở xứ này. Nhưng dù gì tôi cũng rất có thiện cảm với ông vì từ hai năm nay được chén bét nhè ngao do ông đi câu ở sông Niantic gửi cho.

Hôm trước ông cha đi bệnh viện mổ thay khớp chân. Ông em Luke chạy qua chạy lại chuẩn bị chào đón ông anh trở về nhà. Tiên sinh đi ra đi vô xếp đồ chuẩn bị cho chuyến đi nhà rừng, được lúc vào nhà với vẻ mặt nghiêm trọng hướng tôi thì thào: Luke ấy mà, nó là fan bự của Chum đấy. 

Tôi ra cửa tiễn bạn đánh chén lên đường đi nhà rừng, cái xe bán tải trắng của ông Luke đậu trước cửa nhà ông cha. Ở góc phải của thùng xe có một mẩu sticker cỡ bằng lòng bàn tay ghi tên ông tổng.

(4)

Thêm một chuyện hài liên quan chủ đề bỏ phiếu là về một ông giáo sư đại học về hưu. 

Tôi nghe lịch sử là/làm động-vật-chính-trị của ông thì cười không dứt. Đại khái là sau một đoạn ngắn sửu nhi hăng máu đi làm mấy việc tình nguyện cho bộ máy chính trị đảng trong vùng New England, ông choáng ngợp trước sự thật cỗ máy chính trị đảng phái gia trưởng, cứng nhắc ra sao - cái này nhà mình gọi là "kỷ luật [trong/của] tổ chức đảng" - khác xa với những mơ mộng tự do ông vốn luôn mang ở bên mình, thì ông đánh bánh chuồn khỏi mọi dính líu đảng phái.

Kể từ đó, ông thành chuyên gia "phá bĩnh" trong các kỳ bầu cử từ cấp nhỏ lên cấp to. Đại khái là cứ nhân vật nào của phe thứ ba - chủ yếu là mấy ông bà vị môi trường, thì ông bỏ phiếu. 

Còn nếu nói đến hai lần bỏ phiếu trắng đen giữa voi là lừa ấn tượng nhất của ông, thì gần đây nhất là chuyện của bốn năm trước, ông bỏ phiếu cho quý bà Tơn dù ghét cay ghét đắng bà này. Ông nói lựa chọn của ông là một hành động mang tính biểu tượng, thể hiện cho việc ông không ưa ứng cử viên còn lại đến mức nào, và vì chẳng cần lá phiếu của ông thì tiểu bang ông sống chắc chắn mang sắc xanh rộn ràng. Xa hơn chút nữa, lần duy nhất ông bỏ phiếu cho phe con voi là vì một ông thống đốc mà ông luôn nhắc đến với sự kính trọng và ngưỡng mộ, về cả nhân cách lẫn những việc ông đốc này đã làm cho tiểu bang trong thời gian nhiệm chức.

Tôi nghe xong trường kỳ lịch sử công dân-cử tri của ông, lại nghe thêm một bài phàn nàn của ông về ông tổng hiện thời, với tinh thần xỏ xiên cao độ thì chọc chơi ông. Ông kêu thế nhưng tôi hỏi ông nhá, có phải là ông không bị tăng thuế không, có phải là ông kiếm kha khá từ các khoản đầu tư không? Ông chống chế, đúng thế nhưng mà [...]

Tôi hỏi ông, mấy tháng tới ông bỏ phiếu cho ai. Ông trả lời lá phiếu của ông thực chẳng có ý nghĩa gì vì giống như bốn năm trước, tiểu bang ông sống vẫn xanh ngắt một màu. Thêm nữa, ông cũng chẳng có hy vọng gì ở cái ông lão ứng viên chỉ nhìn đã thấy buồn ngủ rồi.

Cái "kẹt" của ông giáo này, dù không nói toang ra như ông giáo chuyên cái món nghiên cứu chính trị ở trên, cũng có thể coi là ví dụ cho tình trạng của đáng kể người xứ hoa-cờ ngày nay. Những người có bằng cấp, sống sung túc, đề cao các giá trị này kia, không chịu nổi một ông phong cách "chợ búa" - nguyên văn là gangster - nhưng cũng chẳng dám đặt niềm tin vào một ông phong cách "xác ướp" - ám chỉ lờ đờ, cạn kiệt sức sống.

sưu tầm từ Michigan - tưởng pro hoá ra contra

Niantic - nhà xập xệ trong khu nhà giàu sát biển với bác chủ
chơi tuốt từ con lừa qua Black Lives Matter đến LGBTQ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét