Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020

khám phá thành phố

(1)

Báo địa phương hôm nay đưa tin các ông bà uỷ viên hội đồng thành phố biển bé tý xíu này đã thông qua quyết định tống kho dài lâu quý ngài Columbus [tượng]. 

Đi loanh quanh ở khu trung tâm, chỗ nào tôi cũng thấy nếu không phải là pa-nô, biểu ngữ hay tranh tường chủ đề Black Lives Matter thì là về các đồng chí LGBTQ

(2)

Ở ven cửa sông đổ ra biển có các cơ sở nghiên cứu quân sự kín cổng cao tường không nói làm gì, nhưng còn lại là một công viên tiểu bang rất đẹp và nhiều bãi đất trống chờ khai thác, phát triển. Tôi được nghe chuyện về tham nhũng địa phương kiểu cách xứ cờ-hoa khá thú vị quanh chuyện chọn địa điểm xây một bảo tàng chuyên đề Tuần duyên.

Tất cả mọi người đều nghĩ bảo tàng ắt sẽ được dựng ở một trong các khu đất trống cạnh công viên và vốn có tầm nhìn rất đẹp cũng như cơ sở hạ tầng thuận lợi. Nào ngờ vào phút cuối, đề án thông qua là ở một khu đất hẹp, cũng là cạnh sông cạnh biển nhưng có nhiều phần chật chội vướng víu bởi các công trình bao quanh.

Lý do hoá ra là vận động hành lang của đám chủ giàu có, từ công ty khai thác tàu phà đến ông chủ toà nhà-di tích lịch sử hiện đang là nhà ga xe lửa của thành phố. Tính toán của các ông chủ này là bà con đi tàu biển tốc độ cao từ casino về sẽ dừng ở đây, tiện chân hẳn sẽ vô bảo tàng chơi, rồi nữa khách thăm tới thành phố bằng xe lửa chỉ cần rời nhà ga, băng qua cầu nối trên không là sang ngay khu bảo tàng tương lai lấp lánh dưới nắng trời do toàn bộ tường bao sẽ đều là kính tấm.

Tôi nghe xong gật gù, các bác kể vẫn còn thiếu một tay đắc lợi nữa - ông chủ mấy bãi xe đối diện nhà ga và bến phà. Vì nếu xây bảo tàng bên cạnh công viên, đậu xe gần như chắc ăn là miễn phí. Còn với địa điểm mới được quyết định, xin mời các bác vô parking hết cả lượt nhá.

(3)

Ở mấy khu đất công cộng ven sông - công viên hay bãi đất, bãi đá trống - có một sự tương phản rất rõ về người đến chơi/nghỉ ngơi. 

Trong công viên phần lớn là dân Mỹ trắng - kiểu người lao động chạy xe bán tải, dáng vẻ chất phác, đôi khi là thô tháo. Còn ở các bãi đất, bãi đá ven sông bên cạnh, người Mỹ-Phi hay Hispanics tụ tập cả đại gia đình, ồn ào náo nhiệt, nhạc đá nhau chan chát từ nhóm này qua nhóm nọ. 

Vào công viên không mất tiền vé cũng chẳng mất tiền xe, không rõ có phải do cái sự quy củ của nơi chốn hay không mà mấy người sau này lại thích bãi đất bãi cỏ bên ngoài hơn.

(4)

Bạn đánh chén than phiền là thời gian gần đây ông thấy trong thành phố có hiện tượng chạy xe nhanh ở khu trung tâm và đậu xe ngang tàng, tất cả đều là người Mỹ đen. Nói xong, ông thì thào, tui nói điều này ra ai cũng đồng ý nhưng ai cũng bảo tui nhạy cảm quá, chuyện đâu đáng nói.

Tiếp rồi ông lại thì thào, tui không muốn bị coi là racist đâu, nhưng mà theo tui thì đây là một dạng phản kháng văn hoá của họ. Rằng thì là mà họ vốn yếu thế, chẳng có cách gì để mà lên tiếng ngoài cái khuôn khổ Black Lives Matter Social Justice đang nổi gần đây. Cuối cùng, ông kết luận, tui chẳng chống lại họ, nhưng nếu trong thành phố tình trạng này cứ tiếp diễn mà chẳng ai nói gì thì lâu sẽ thành không tốt.

Lúc rời bãi sông, từ xa chúng tôi thấy một xe bảy chỗ ồn ào lướt qua rồi đậu ở bãi xe dành cho khách mua đồ hải sản ở tiệm nhỏ tự phục vụ. Xe đó đậu ngang tàng thòi lòi đến non nửa thân ra ngoài vạch kẻ, trước tấm biển ghi dành riêng cho người khuyết tật. Bạn đồng hành lại tiếp tục thì thào, tui cá là xe đó không có thẻ ghi người khuyết tật và người trong đó không phải là Mỹ trắng.

Tôi lầu bầu, ông vừa phải thôi chứ. Rõ là ông racist rồi còn gì.

Chúng tôi đi qua chỗ bãi xe đó để vòng về công viên nơi đậu xe của mình. Không có sticker ghi người khuyết tật. Và đúng là cả ông lái quần áo màu mè vàng đeo sáng chói trước ngực vừa mới rời khỏi xe lẫn một bà ngồi rít thuốc phì phèo trong đó, vừa xinh bộ đôi Mỹ-Phi và Hispanic.

(5)

Sống ở trong khu toàn ông bà già Mỹ trắng, chẳng biết thật lòng đến đâu nhưng ngoài mặt thì tuyệt đối niềm nở chỉnh chu, giờ tôi nhìn thấy thêm một khuôn mặt khác của thành phố biển này.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét