Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

hancock (5)

Lạnh! Lạnh kinh hãi thế tục!

Tiết trời từ biển lên rừng thay đổi ngoài mọi kinh nghiệm cũng như hình dung của tôi. Áo ấm, quần dài cùng tất dày, mũ và khăn được mang theo dự phòng tính ra vẫn là không đủ. Trong khi Tiên sinh quần cộc, áo sơ mi cùng áo phao gillet tung tăng đi tới đi lui với công cuộc khai rừng mở đất hòng kéo dài cái trảng cỏ vốn đã rộng bát ngát thì tôi đếm áo lượt trong lượt ngoài con số to hơn số ngón của một bàn tay, mặt nhăn mày nhó, răng đánh lập cập.

Không khí lễ hội xem ra đã kề cận với bí ngô lớn nhỏ đập vào mắt ở khắp chốn cùng nơi, từ nhà hàng xóm trên núi tới các đám ruộng ven lộ và nhà hàng cửa tiệm đủ kiểu. Các tiệm bán cây và hoa cả ở NY và Massachusetts xem ra ngả về sắc xanh và có nhiều cây ăn trái hơn so với các tiệm chúng tôi hay tới ở thành phố biển. Sau một hồi dài đắn đo cuối cùng cây ăn quả được mua cho nhà rừng năm nay đã được chốt định: một cây mận cao lút đầu người với hứa hẹn mùa sau cho trái liền. 

Cây cao nên người mua không thể tự mang về, đặt lịch giao hàng thật đúng là xứ cờ-hoa sống chậm, làm chậm, cái gì cũng chậm. Tiền trao nhưng hàng giao phải đợi non hai tuần. Vừa cho một khoảng cách chừng 40 dặm, một quãng đường chẳng bõ bèn gì với sự đi lại của người dân xứ này. 

Tôi phụ giúp bạn đồng hành phát quang cây leo và cắt chặt các cành nhánh cây nhỏ. Sau nửa ngày làm lụng, đêm và ngày dài hôm sau cả người đau bải hoải. Tôi cười phớ lớ, cả năm đi phòng tập ngày trước tính ra chẳng bằng sức hùng hục của một ngày. Còn ông lão thì mỉa mai kêu tôi phải luyện tập cơ bắp nhiều hơn nữa, ý là tiếp tục công việc giương cây kéo dài cả mét cắt cắt tỉa tỉa phụ ông.

Cây ăn quả nhà trồng trái tiếp tục lớn, táo chua gắt gỏng như bạn táo mèo xứ mình. Mấy quả mọng chưa rõ tầm nào chín, đanh đá chua ngoa chẳng kém cạnh bọn táo. Còn quả mọng dại và nho dại thì nhiều vô thiên lủng. Tiên sinh sợ tôi dại dột ngắt quả cho vô miệng, cứ mấy phút lại nhắc, quả dại có thể có độc, tuyệt đối không chạm, tuyệt đối không ăn. Mà chắc chúng có độc thật, vì quả nào quả nấy mọng căng, vô cùng bắt mắt. Lơ mơ tôi nhớ ngày nhỏ đọc mấy món cổ tích, chẳng là quả càng đẹp thì càng độc đó sao.

Đúng hẹn chúng tôi sửa soạn mấy món mang lên nhà hàng xóm trên đỉnh núi ăn bữa trưa muộn chuyên đề đồ biển. Cá mú đỏ được ướp sẵn từ dưới nhà mang cả khay bự qua bếp nhà hàng xóm để hấp nóng ăn nóng. Tôi nhìn cái bếp to gần gấp đôi căn hộ tập thể nhà Hà Nội, chỉ vừa vặn thiếu cái giá khung treo lủng lẳng bộ nồi chảo đồng là giống y chang căn bếp để trưng chứ không để nấu của Mẹ trẻ Alex.

Đầu óc còn đang mơ mơ màng màng thêu dệt câu chuyện bếp tối giản, ở trong bếp nhà người ta mới non nửa giờ đồng hồ, con giời thiếu chút thì để mình cuốn theo giấc mơ mới với các set đồ bếp và đồ bày bàn ăn chuẩn chỉnh theo chủ đề, theo mùa đầy cá tính của bà chủ. Tôi chỉ tỉnh rụp và quay lại trạng thái ta-là-ta khi bà chủ nhà nhìn thấy cái đĩa cũ đựng cá chúng tôi mang lên thì trầm trồ, ấy đồ sứ kiểu cổ lắm này trong khi tay mau lẹ mở hết cánh cửa tủ này đến cửa tủ khác trong bếp để lấy ra bằng được một món đồ cùng loại với lời khoe, đây là quà bà cố tặng cho nhân ngày cưới. 

Món đồ sứ đó, tôi thiếu chút đã cho vô thùng rác vì thấy nó không còn nguyên vẹn các đường viền vàng. Gặp bà chủ nhà cao hứng, bạn đánh chén của tôi cao hứng chẳng kém, đồ viền vàng kiểu này giờ kiếm khó lắm. Bên cạnh những gật gật gù gù mấy ông bà già trong bếp, tôi im re với suy nghĩ trong dạ, hic, nhà cháu thích mấy món gốm làm tay méo mó vặn vẹo phong cách Nhựt-bổn hơn.

Tôi thấy mình trong một hoàn cảnh có chút căng thẳng. Mũi tiêm phòng cúm bữa trước quấy rầy cái nhục thân của tôi nhiều hơn so với những gì tôi được cảnh báo. Tự cảm nhận những biến đổi vi tế của cơ thể là một hành trình cảm giác có chút buồn nôn và bệnh hoạn. Rồi thời tiết tôi thích ứng không kịp. Rồi cái tâm nhiễu loạn với vô vàn lo nghĩ vẩn vơ. 

Đọc Caro, lần này là về LBJ, đối với tôi giống như một sự cứu rỗi màu nhiệm. Tôi đọc to, ngắc ngứ các từ trong cổ họng, được lúc mệt nhoài thì nghỉ. Rồi lại đọc tiếp, loay hoay với phát âm và đoán nghĩa. 

Tôi nhớ rất nhiều năm về trước đã từng, và thực tế là đến giờ tôi vẫn vô cùng thích thú nếu có dịp đọc lại, say sưa với ông già Georges Duby tự kể về hành trạng của bản thân và cuốn sách không mấy mỏng của Eribon về Michel Foucault. Giờ thì là cùng một cảm giác phấn khích khi tôi vật lộn với món tiếng Anh sứt mẻ của mình để nhảy cóc từ chương sách này qua chương sách khác với một hình ảnh mỗi lúc một rõ hơn về nhân vật chính của câu chuyện của Caro cũng như các mảnh ghép nơi chốn và thời gian của xứ cờ hoa.

Năm 2006, chúng tôi dừng chân ở cái trang trại lịch sử một nơi nào đó ở Texas vào buổi xế chiều. Ấn tượng duy nhất của tôi lúc đó không phải là cảnh quan mà là thái độ của bạn đồng hành, một sự chán ghét đến cực điểm về ông tổng thống này của nước Mỹ. Giờ đọc Caro, tôi nghĩ giá như lúc đó tôi đọc ông thì có thể sẽ nhìn thấy một trang trại khác với cái trang trại trong ánh sáng nhợt nhạt cuối ngày hôm đó.

Nhại lời Duby, tôi tự nhủ, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Tôi tiếp tục sống cùng với cái trạng thái hung hăng vô cớ hiện tại, ngẫm nghĩ về nó, nhẫn nại chờ nó qua đi!

đốt lửa ngoài hiên 1

đốt lửa ngoài hiên 2

táo quà từ hàng xóm trên đỉnh núi và dưới chân núi

gờ chắn mới cho pachysandra trước hiên nhà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét