Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

keep working

Năm trước tôi có hai lựa chọn mua sách ề à vỡ lòng món tiếng Anh của mình: cuốn sách nhỏ mới ra của Robert A. Caro hay China's Commercial Sexscapes. Suy nghĩ rất mau, tôi chọn Eileen Yuk-ha Tsang vì sách của cô liên quan đến bài giảng chị em, và thêm nữa là tôi vốn rất thích Factory Girls của Leslie T. Chang nên giờ hứa hẹn đọc về một thế giới đàn bà khác ở quanh Đông Quảng đối với tôi có nhiều phần hấp dẫn.

Năm nay, Working đến trong một thùng carton bự cùng với một mớ băng gạc đặt trên mạng nhện. Tôi ngạc nhiên hỏi Tiên sinh, ông bảo biết tôi muốn đọc thì tiện mua luôn. Sách cùng vải cuốn y tế, thật đúng là chẳng có mấy kết hợp nào có thể kỳ cục hơn thế 💭

Ở bữa ăn cơm khách nhà một ông giáo chuyên món Government tháng trước, già nửa thời gian bên bàn ăn tôi nghe ông chủ nhà nói đến lần thứ n sự thích thú của ông khi đọc các tiểu sử của Moses và Johnson và đặc biệt là về tác giả của chúng. Khi biết tôi mới có Working, và đương nhiên là sẽ đọc nó, thì ông rất phẫn nộ, không phải với tôi mà là về ông tác giả. Lý do rất đơn giản, ông giáo mong chờ tập tiếp theo trong bộ sách đồ sộ về Lyndon Johnson đã lâu mà sách mới ra của Caro thì lại là một "tự truyện mỏng tang và tạp nham chẳng ai cần" theo lời của ông.

Bữa đó đúng là tôi còn chưa buồn mở sách nên chẳng biết nó "tạp nham" đến đâu. Nhưng ít nhất thì tôi phát hiện ra một điều, người ta có thể ba sàm ở bất cứ tuổi nào khi liên quan đến những điều yêu thích hay ghét bỏ từ/tận tâm can.

Cũng trong bữa tối đó, tôi được nghe tràng giang đại hải những phân tích và bình luận về hai nhân vật của Caro, và về chính Caro với tài năng và sự theo đuổi "điên rồ" của ông trong hai hành trình nghiên cứu và viết lách này. Lúc ra về, tôi được ấn vào tay ngoài một cuốn sách mới ra về Việt Nam kiểu nồi lẩu tổng hợp với độ dày và nặng có thể gây chết người là hai tập dày cộp của Caro, đương nhiên là một về Moses và một về Johnson. Lời dặn kèm theo tôi nhận được là, bao giờ mày đọc hay mày đọc được bao nhiêu, tao cóc quan tâm, nhưng nhớ là hãy bắt đầu với chương 27 "The Sad Irons" trong The Path to Power

Trong chuyến đi Hancock lần trước, tôi nhét vội cuốn sách "tạp nham" kia của Caro vào giỏ đồ, nghĩ là đọc chơi chơi giết thời gian. Thế quái nào ở trong nhà rừng có cảnh con giời nghiến ngấu gần hai ngày với một cảm giác khoái chí không thể diễn tả bằng lời. Tôi bắt đầu hiểu ra cái sự "điên rồ", không phải là của Caro mà là của ông giáo già với tư cách người đọc Caro.

Cảm giác sung sướng hoan hỉ khi đọc sách mà không bị ràng buộc phải nói hay viết linh tinh lang tang bla-bla chi chi ra vẻ ta đây bố mày biết tuốt, siêu giỏi và giữ vững lập trường tư tưởng, cương quyết không "bị diễn biến" hay "tự diễn biến" quả là thích. Tôi bắt đầu thấy một nước Mỹ khác, nước Mỹ trong lịch sử không mấy cũ kỹ trong các trang sách mà tôi dám chắc các đại học giả chuyên về Hoa Kỳ [học] và Bắc Mỹ ở xứ mình sẽ bĩu môi, loại đấy đọc làm gì 😕😕😕

2 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Uh :-) Quên không cập nhật. Hộp kính ở trong cái túi nhỏ bị bỏ xó từ hôm về đây. Nhìn thấy mấy lần nhưng chị lại nghĩ là bao kính của Bác Jen, không mở ra kiểm tra. Hâm nhỉ :-)))

      Xóa