Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

hancock tháng 9 & câu chuyện "phép tu" nhà rừng

gờ gỗ giữ pachysandra
Tiên sinh thắc mắc tại sao tôi không thích đi nhà rừng. Còn tôi thì đờ mặt, tự hỏi mình thích hay không thích. Câu trả lời cuối cùng là, chính tôi cũng chẳng rõ.

Từ hè năm trước qua hè năm nay, đối với tôi, Hancock giống như một "phép tu". Nhìn lại những chuyến đi, tôi thấy mình đã qua đủ kiểu loại, tầng bậc cảm xúc.

Giờ không còn sự khó chịu trước căn nhà ở trạng thái chờ được tiếp tục sang sửa và làm sạch sau vô khối những dự án cải tạo nhỏ chỗ này chỗ khác từ trong ra ngoài với các nhà thầu và nhóm thợ khác nhau nhằm hồi sinh căn nhà cũ bị anh em đạo chích tàn phá không thương tiếc cũng như suốt một thời gian dài bị quên lãng. Tôi phát hiện, hoá ra ở Hà Nội bản thân mình rất vớ vẩn, việc nhà cứ bôi ra rồi làm như mèo mửa. Chính là ở đây hoá ra mình lại thành huỳnh huỵch một thân trâu bò dọn lên dọn xuống rất lợi hại. 

Tôi cũng đã thích nghi với tình trạng thiếu thốn đủ đường từ đồ trong bếp qua những món đồ sinh hoạt lặt vặt thường nhật. Nhà rừng xét về một nghĩa thực sự là tối giản. Tất nhiên là điều này xem ra dần sẽ thay đổi khi tôi chăm chỉ nhặt nhạnh các món đồ cũ từ bếp nhà biển mang sang bếp nhà rừng. Còn ông lão thân mến của tôi thì tha lôi đủ món trang trí nhỏ từ gác mái nhà biển về để bày bày đặt đặt. Chúng tôi hẳn sẽ sớm phải cùng ngồi xuống và thảo luận về điều này trước khi biến căn nhà nhỏ thành một cái nhà kho chứa đồ.

Điều tôi đặc biệt thích thú và hài lòng khi ở Hancock là có thể biết thêm về chính bản thân, về những điều tôi thật sự yêu thích và cần thiết. Tất nhiên là chẳng có kết luận to đùng nào ở đây cả. Chuyện này giống một quá trình chứ không phải là điểm đến. Trong những "khám phá" nho nhỏ, mảnh đoạn đó, có chuyện tôi đã có thể chắc nịch rằng bản chất trạch-lão-bà trong tôi hoá ra là thật. Ngày trước, tôi luôn miệng gào lên, tôi chán ghét con người nhưng cái sự tự tách mình của tôi thực cũng chỉ là loanh quanh trong nhà và vườn Hà Nội. Lúc đó, chỉ trong tích tắc là tôi có thể mở cổng nhà, thò chân ra đường và có một ngày làm vagabond tay mơ trong thành phố với rất nhiều khoái trá. Còn giờ đây, tôi tự nói với bản thân, thật tuyệt khi ở trong một tình huống cách biệt với thế giới con người và ở trong thiên nhiên. Đó là một lựa chọn chủ động và từ sâu nội tâm chứ không còn phóng khoáng tuỳ hứng vô tính vô tâm như trước. 

Tôi biết, câu chú "tôi chán ghét con người" sẽ chẳng biến mất vĩnh viễn khỏi đầu tôi. Nhưng ít nhất điều tôi có thể chủ động làm lúc này là không để bản thân mình ở trạng thái bị động, bị nó chi phối tuỳ tiện nữa. Tôi vẫn đang học cách giao tiếp với mọi người, vẫn tiếp tục điều chỉnh và tiết chế bản thân trong các quan hệ tương tác người-người. Không kỳ vọng, chẳng quá mong chờ từ tha nhân trong khi về phía bản thân cố gẵng giữ thái độ chính trực và vô tư, nghe sáo và khó nhưng thực đó là điều tôi đang hướng tới.

Ở trong thế giới quen thuộc nhà Hà Nội và Bắc Ninh, sống đối với tôi đã là rất chật vật do cái psy méo mó của tôi không mấy hoà hợp với dòng não trạng chủ lưu trong xã hội. Giờ những thách thức xem ra có thêm nhiều phần mới mẻ và kích cỡ của chúng đôi khi được phóng đại lên nhiều lần. Một thế giới mới. Một ngôn ngữ xa lạ. Vô khối các quy tắc, chuẩn mực, lề thói từ rõ ràng rành mạch tới vô ngôn, tinh tế. Cứ thế, tôi chầm chậm quan sát, khám phá, học cách hiểu và thích ứng.

Chuyến đi lần này của Tiên sinh tới nhà rừng thành tựu không phải là nhỏ. Các tấm gỗ mua từ lần trước giờ đã được làm thành gờ giữ đám pachysandra ở mép tường trước nhà. Sau cả năm dài làm đủ mọi thứ thủ tục, thợ rừng giờ đã bắt đầu công việc chặt hạ cây to và tỉa rừng, hứa hẹn ai đó có một khoản kha khá để tiếp tục tái đầu tư cho ngôi nhà kỷ niệm của gia đình. Bà lão ở trên núi gửi cho tôi mấy trái táo còi từ vườn nhà. Cùng lời hẹn sớm được chén một bữa hải sản ra trò do chúng tôi phụ trách.

Cuộc sống có vô khối rườm rà và những điều dở hơi. Nhưng nếu biết tập trung vào những điều cốt yếu và có nguyên tắc sống rõ ràng, thực thà với chính bản thân thì tôi có thể làm cho cuộc sống của mình bớt nháo động và thêm nhiều an yên. Nhà rừng và các chuyến đi tới đó cho tôi cơ hội để nhận thức rõ hơn về điều này, tôi nghĩ thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét