(1)
Cuối chiều hôm qua tôi theo chân Tiên sinh ra ngoài sau khi không chịu được nữa những lời phê bình nhằm vào căn bệnh trạch-lão-bà ru rú trong nhà của tôi. Ừ thi đi, dù chẳng biết là đi đâu.
Xe ra khỏi thành phố tôi mới biết là ông lão muốn tìm cây hoa cho vườn Nhật Bản trên núi - tên ông gọi ô đất đầy đá tảng ở lối vào nhà rừng nay đã được dọn quang sạch sẽ và đã được trồng vài chậu hoa cảnh đầu tiên. Đến tiệm cây cảnh, tôi ngại nắng và nhất là phải đeo khẩu trang thì đánh bài cùn, thôi thì nhà cháu ở trong xe, chờ bao lâu cũng được. Hoa ưng ý chẳng thấy đâu, quay đầu xe về đến đầu thành phố thì bạn đồng hành cao hứng, mình ra chỗ này xem, hay lắm.
chân cây cầu lớn biểu trưng của phát triển và cũng là lát dao chia cắt sự giàu nghèo |
Bạn đồng hành hỏi tôi có muốn ra chỗ chân cầu xem liệu có thể vô tình gặp Iddy - tên bà lão lo việc Tag Sale giúp hồi hè năm ngoái - câu cá ở đó thì chào hỏi đôi câu. Tôi bảo tại sao không, kết quả là chẳng có ma nào ở chỗ đó bất chấp một chiều nắng và gió dịu đẹp và dễ chịu đến bất ngờ. Tôi chụp nhanh hình một con chim đang lơ thơ một mình chỗ mấy mỏm đá, nghe thấy bạn đồng hành lầm bầm gì đấy, trong đó có từ police. Lúc ấy, tôi nhìn kỹ lại con chim và nghĩ, ù lì thế này thì sao lại gọi là chim-cảnh sát nhỉ.
Quay lại xe rời đi, hoá ra có một xe cảnh sát đậu ở góc kia của bãi đất. Tiên sinh nói, xe này chẳng hiểu từ đâu chui ra nhưng đã bám đuôi chúng tôi ngay sau khi chúng tôi rời chỗ cầu tàu. Nói xong ông còn tỉnh bơ bảo, mình mà là người da đen xem, thảo nào họ cũng nhảy phắt ra hỏi han này nọ. Tôi định nhạo ông ngả nghiêng racist nhưng rồi im miệng chẳng nói gì, vì đúng là những chuyện kiểu này không phải hiếm lạ gì ở xứ này. Cái xe cảnh sát không theo chúng tôi nữa.
Mà phải đến lúc đó tôi mới nhớ ra một chuyện, đó là thời gian trước có một bác nào đó bị bắt và buộc tội phá hoại cái cầu tàu này. Lảng vảng ở đó rồi bị theo dõi thì cũng là chuyện dễ hiểu đi!
(2)
old town mill |
(3)
Từ chỗ cối xay muốn về lại nhà phải đi qua một góc thành phố bị cô lập bởi cây cầu lớn.
Đã không ít lần Tiên sinh cười nhạo cái sự ngô ngọng của tôi sau khi nghe tôi trầm trồ cùng thắc mắc, rõ ràng mấy cái khu dân cư gần nhà vô cùng sung túc giàu sang mà sao thành phố này lại bị xếp vào danh sách một trong mấy trấn thị nghèo nhất tiểu bang. Bạn đời hỏi, có thích đi xem các khu ghetto không. Lẽ dĩ nhiên tôi lắc đầu ngay tắp lự.
Nhưng chiều qua thì dù muốn hay không tôi cũng có thể coi là lần đầu tiên đi lướt qua rìa của một khu như vậy. Những ngôi nhà nhỏ cũ kỹ, tồi tàn, gần như không cây cỏ hoa lá trang trí. Bầu không khí im ắng với chút màu thê lương. Ở đằng xa cuối một con đường có ba bốn cậu thanh niên - dĩ nhiêu đều là da màu - đang chơi bóng banh gì đó ở ngay giữa lòng đường. Còn ngay cạnh cửa kính xe chỗ tôi ngồi, một căn nhà nhỏ cũ nát với rào sắt bao xung quanh. Phía trong rào trẻ con lớn nhỏ lúc nhúc hơn chục đứa chơi thành ba bốn nhóm trên cái nền đất lẫn xi-măng chật hẹp. Bên hông nhà có một mái hiên nhỏ nền đổ xi-măng khấp khểnh và bừa bộn mấy món đồ cũ nát có một nhóc con chừng hai tuổi đang thẩn thơ thẫn thờ nửa bò nửa ngồi một mình.
(4)
Trên đường về nhà, chúng tôi nhớ ra hôm nay là ngày bác chủ Bayou mở cửa quán trở lại. Táp xe ăn một bữa tối ngoài trời, đối với tôi vui vẻ là chính vì đồ ăn tex-mex, cajun nếu không là quá nặng [phô-mai] thì là quá cay nồng gia vị.
Nhưng dù gì bữa tối hôm nay cũng có chuyện hay là lần đầu tiên tôi thử món bánh churro chấm sốt vị đường cháy lạ lạ mà vui vui cái miệng.
Chuyến khám phá thành phố ngoài kế hoạch của tôi lần này là vậy, bắt đầu với một lý do ra ngoài bất đắc dĩ, và kết thúc với cái bụng tròn vo vì đánh chén quá đà cùng dăm ba nốt chích của bọn côn trùng.
nước mặt chân cầu - một điểm câu cá yêu thích |
cuối cùng đã biết churro là gì :-))) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét