Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

khép lại năm 2020 gập ghềnh - chuỗi chuyện vắn ngày cuối cùng của năm

lố củi đốt lò sưởi mới
(1)

Giữa buổi sáng, xe củi đốt lò được chở tới.

Lão Tiên sinh tìm được nguồn cung cấp mới. Một ông cảnh sát tiểu bang về hưu, nhà ở ngay cạnh cái hồ trữ nước của toàn vùng, lối đi ra hồ không hề có rào chắn chi chi. Nghe nói, đấy hẳn là đặc quyền của một ông cảnh sát tiểu bang về hưu vì bình thường chẳng ma nào dám léng phéng xung quanh cái hồ nước đấy và chỉ cần một thông báo về vật thể lạ rơi xuống hồ thì có đến hàng chục xe cộ và chuyên gia các kiểu tới lùng sục tìm kiếm, xác minh.

Ông này có mấy trăm ha rừng bao một góc hồ trữ, chặt cây cấp củi chủ yếu là cho nhà hàng. Khách như bạn đánh chén chỉ là muỗi, kiểu mày mua thì mua không mua tao chẳng phiền. Củi của ông ướt nhép, giá lại mắc hơn ông cấp củi đợt trước. 

Nhưng điều hay ho ở ông này là có vẻ hàng cấp đúng khối lượng và kích cỡ đảm bảo chuẩn chỉnh. Dù thi thoảng vẫn lẫn một đoạn gốc tròn bèn bẹt giống cái thớt gỗ nghiến xinh xinh bán ngoài chợ tiểu khu. 

Găng tay đi tuyết Chico cho tôi từ hồi mùa hè giờ được đem ra dùng cho việc chuyển và xếp củi vào giá. Tôi làm việc rất chăm chỉ, cho tới lúc ả Amber - bạn chó nhà hàng xóm hồi đầu năm bị gần chục ông cảnh sát hù doạ và bắn cho một phát đạn hơi lúc nửa đêm - cáu kỉnh chạy xung quanh kêu gào doạ nạt. Tôi không muốn ăn một phát ngoạm của bạn chó vốn đã cáu bẳn sau tai nạn bất đắc dĩ thì thành siêu cáu bẳn này nên chuồn êm, bỏ lại đống củi dở dang chờ xếp.

(2)

Hộp carton bự được gửi tới nhà từ hơn tuần nay. 

Hôm nay đúng ngày cuối năm, ông chủ nhà cao hứng muốn lối vào nhà thanh tĩnh sáng sủa thì khui cái hộp và khệ nệ lấy ra một bịch to tướng vụn củi chuyên đề xông khói.

Ông nhìn cái túi bự đó lẩm bẩm, thế này đủ dùng cho hai mươi năm nữa. 

(3)

Tôi viết một cái email cụt lủn chúc mừng năm mới TA, chúc bạn thì ít mà chúc cho "chúng mình" thì nhiều, với hy vọng chuyện xấu dần dần bớt xấu, chuyện tốt dần dần tốt hơn, và đặc biệt hơn cả là chúng tôi cùng vui vẻ chầm chậm già đi.

Kết quả tôi nhận được là gì? Có lời chúc đáp lễ. Và ảnh chụp một cái đĩa sứt nhưng đồ ăn bày trên đó thì thực làm tôi nhỏ nước miếng, bất chấp là tôi chẳng rõ món thực mặn hay ngọt 😂

Cuối ngày, chủ nhân cái đĩa sứt cấp lời giải: món khai vị vừa mặn vừa ngọt với xoài + cá hồi hun khói + trứng cá hồi + rau mùi + lạc rang 😂😂

(4)

Bên kia đường nhà giàu hàng xóm sáng choang một xe hơi cổ - 1967 Alfa Romeo GTV.

Ông chủ mới của con xe cũ đã đủ tuổi làm ông nội ông ngoại giờ nhảy choi choi như đứa trẻ lên năm, cứ thoáng chốc lại chui tọt vào xe và cho nó rú ầm ĩ cả một góc phố. 

Nhà bên này, lão Tiên sinh được nghe hàng xóm khoe về phi vụ đi đi lại lại Châu Âu để tậu con xe này từ  hơn năm nay, thấy vậy chạy sang hỏi han chúc mừng.

Khi về chuyện ông kể làm tôi thiếu chút cười bể bụng.

Xe nhập từ Hà Lan, giấy tờ các kiểu qua tầng tầng lớp lớp cơ quan là một thếp dày chừng bảy phân. Chủ nhân ông mới khoái chí tưởng thương vụ này xong triệt để trong năm 2020, ai ngờ qua DMV bị yêu cầu phải làm thêm thủ tục chứng thực số hiệu xe. 

Ông này giơ nguyên tập tài liệu hỏi dày thế này chưa đủ à. Nhân viên cơ quan đường sá xe cộ tiểu bang - Nha lộ vận - tỉnh queo, chưa đủ. 

Vậy là hôm nay ngày cuối cùng của năm, ông hàng xóm mới chỉ vui một nửa. Niềm vui có xe trong tay. Còn lại, năm 2021, ông sẽ tiếp tục hành trình thủ tục giấy tờ. Cũng như ông phải mau mau tính làm thế nào kiếm nhà mới cho bạn xe mới tậu, khi mà nhà ông thường ngày hai người đã đi ra đi vô từ Lotus qua Audi tới Mini Cooper chiếm hết chỗ nhà chứa xe rồi.

(5)

Chúng tôi lên kế hoạch có bữa tối vui vẻ chủ đề con cá.

Trưa gọi điện cho tiệm hải sản bên Mystic, cô nhận điện bảo giờ có 4 khách xếp hàng, đôi ba giờ nữa gọi lại xem có nhận đặt hàng curbside không.

Giữa chiều gọi điện, vẫn cô bản tiệm rối rít xin lỗi với thông báo giờ có hơn mười thủ trưởng ngoan ngoãn canh cửa. Rồi cô áy náy điểm chỉ, hay là quý khách thử sau một giờ nữa gọi lại xem sao.

Sau ba lượt gọi điện, bạn đánh chén "trúng số độc đắc", được bản tiệm ưu tiên tiếp nhận lệnh đặt hàng. Kết thúc màn thanh toán qua điện thoại, bên kia không quên dặn dò, khi nào đến thì mày nhớ nấp ở gần tiệm chứ chớ thò mặt ra nhá. Vì bọn tao từ chối đơn đặt hàng curbside và xem chừng cho tới lúc đóng cửa thì khách xếp hàng vẫn còn nhiều lắm, họ nhìn thấy giao nhận hàng thế này thì to chuyện.

Chưa tới 5 giờ chiều, trời đã tối om. Chúng tôi rời nhà đi tiệm cá, trên đường cao tốc chưa có bao giờ tôi thấy xe chạy nhiều và "điên" đến thế. Cảnh sát mọi bữa còn núp lùm, giờ thì nhấp nháy đèn ở không biết bao nhiêu điểm bên mép đường như thể cảnh báo cho những bác tài ham tốc độ. 

Chưa đến tiệm cá chúng tôi đã thấy lố nhố một hàng dài người chờ đến lượt được vô tiệm mua hàng, còn hai bãi xe bên phải trái bên phải thì đều trạt chỗ. Bạn đồng hành nhớ lời dặn, len xe vào bãi thuyền cách cửa tiệm một dãy nhà kho và một bãi đỗ xe của khách tiệm cá. 

Gọi điện chưa kịp nói gì thì bên kia đã xin lỗi chúng tôi bận lắm không nhận đặt hàng. Nói ra tên tuổi thì ồ à chờ nhá. Ông khách móc ví thủ sẵn mấy tờ tiền nhỏ, chờ cô nhân viên đặt mấy túi đồ vào thùng xe thì quệt tay cảm ơn. Thế là cả cô gái trẻ lẫn ông khách đều phớ la phớ lớ chúc mừng đi chúc mừng lại, năm mới vui vẻ. 

Với kết quả ngoài mong đợi thu được từ tiệm cá, bạn đánh chén sẽ phụ trách bữa tối với món tôm hùm yêu thích của ông. Tôi vì vấn đề cơ địa cố hữu nên thờ ơ, lát nữa tới bữa góp vui thì cũng chỉ là gặm một cái càng ăn chơi ăn nếm, còn bao nhiêu háo hức là để dành cho thời gian sau bữa tối.

Khi đó, người thiên hạ uống sâm-panh, cắn sô-cô-la, đốt và ngắm pháo hoa, còn tôi đây sẽ xử lý hai túi bự tôm và cá, làm hai món yêu thích: sấy nõn tôm và viên chả cá.

(6)

Mà giờ ngoài phố đã bùm bùm tiếng pháo.

Ông lão đứng ngoài hiên gào tên tôi.

Ba phút ngoài trời lạnh đối với tôi là quá đủ. Pháo hoa rợp sáng một góc trời phía bãi biển thành phố, đẹp thì có đẹp nhưng nhà cháu đây thích ấm áp trong nhà hơn.

Ông lão tiếp tục đứng hóng màn trình diễn trên nền trời đêm. Háo hức của ông xem ra chẳng thua gì ông hàng xóm lúc chiều với cái xe mới tậu của mình.

(7)

Cứ như thế mà năm 2020 đầy gập ghềnh từ từ kết thúc ngày cuối cùng của nó!

nhỏ nước miếng dù nửa ngày không rõ là gì

giá củi gần rỗng

lố củi mới

vụn gỗ cho món hun... cho 20 năm bếp núc (?)

cửa vào Mystic đèn hoa nhưng vắng bóng người

cửa tiệm yêu thích của bạn đánh chén

the madness of crowds & tạm biệt hai chứng nghiện

phòng trường hợp lên cơn quá đáng
(1)

Tôi nghiền cafe, chuyện này ai cũng biết. Tôi muốn bỏ cafe, chuyện này ai cũng hay. Và tôi luôn to mồm khoác lác nhưng thực tế hành động chẳng đi tới đâu, chuyện này ai cũng tỏ tường. Thi thoảng nói chuyện với bà cụ già ở Bắc Ninh, tôi luôn bị trêu, thế cai cafe đến đâu rồi. Nghe xong câu hỏi đó của Mẹ, con gái trời đánh rõ là ảo não.

Năm 2021 dù muốn hay không thì tôi bỏ thói quen đun cafe mỗi sáng, bỏ thật! Cái sự nghiện ngập nhiều năm này và nỗ lực cai-nghiện này là chuyện cũ, hết sức cũ. Giờ thêm một lần làm mới vấn đề, chốt chét cho xong!

Cái món nghiện thứ hai cần được xử lý dứt khoát ở thềm năm mới 2021 mới là chuyện đáng kể.

(2)

Vô tình cao hứng mà tôi bắt đầu viết bờ-lốc. Và thế là có bạn đồng hành Easy Vietnamese Cooking này. Từ một ý tưởng sặc mùi bông lơn và cá cược lúc ban đầu, tôi thế nào lại cứ lóc cóc, kẽo cà kẽo kẹt cả mươi năm trời nấu nấu nướng nướng, chèm chẹp cái miệng và lảm nhảm cà ràm đủ kiểu. Thế giới mạng nhện đối với tôi những tưởng chỉ đóng khuôn trong phạm vi blogger khi tôi không theo trào lưu tham gia facebook, instagram, youtube, rồi chi chi nữa.

Nhưng trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ có tên thời đại dịch, tôi thấy mình không theo khuôn khổ sinh hoạt quen thuộc thường ngày. Thời gian của ngày dài hơn. Những thiếu vắng và trống rỗng trở nên hiển nhiên hơn, phình nở hơn. Sự buồn chán theo đó mà cũng được phóng đại vượt mọi tầm kiểm soát của thứ mang tên lý trí. 

Đọc mạng nhện chỉ là sự nhìn mặt chữ. Rất mau tôi không thoả mãn. Tôi nhớ nhà, thèm nghe tiếng người - tiếng Việt!

Thế là tôi biết đến một bạn iu-túp ngoài khuôn khổ bếp núc quen thuộc. Trước kia vốn thi thoảng chạy qua chạy lại coi mấy video hướng dẫn làm bếp thì giờ tôi thành khán-thính-giả của hầm bà là các kiểu kênh truyền dẫn thông tin, bằng tiếng Việt.

Mấy tháng qua, cứ tưởng là chuyện tầm phào vớ vẩn nhưng gần đây tôi bỗng giật mình. Thôi rồi, mình nghiện iu-túp! Và theo một cách rất thảm chứ chẳng vẻ vang, tích cực gì!

(3)

Có mấy mạch chuyện tôi theo dõi mấy tháng qua. 

Vài chuyện, tôi theo dõi có chủ đích. Với chút dính dáng đến công việc ở trường đại học.

Một lũ ngợm giả sư vừa ngu vừa ngáo được yểm trợ bởi một bầy thầy phán trên mạng nhện và một biển những kẻ u mê. 

Một con hát vắn tài dài mất nết, đội nón nát làm trò từ thiện được yểm trợ bởi lũ cuồng giấu mặt vừa dốt vừa láo gặp "vận", hên xui thế nào hồi sau mới rõ, gõ trúng đồng thời lòng trắc ẩn của không ít người nhân hậu thuần lương cũng như dây thần kinh cảm xúc hời hợt lai tạp thói khoa trương của một đám đạo đức giả nhiều tiền tự tin mình là người tốt và/hoặc muốn thể hiện mình là người tốt, và nhờ thế mà tiền "bá tánh" vơ về ầm ầm, bá đạo thích xài thế nào thì là thế nấy. 

(4)

Còn lại, vài chuyện khác thì là vô tình đập vào mắt, lọt vào tai thì ngó chút xem sao, rồi ngoảnh đi ngoảnh lại sau một đoạn thời gian nhiều ngày, nhiều tuần thì chợt phát hiện hoá ra mình cũng thật là rỗi hơi lắm chuyện.

Bi hài cái chết của một tay hề và phát ngôn láo lếu bậy bạ của một gã vai u thịt bắp để rồi sau đó xuỳ ra cái màn một đám anh đại chị đại mang nhãn mác nghệ sĩ vô pháp vô thiên ngồi xổm lên luật pháp tự mình ra tay cân đong công lý và cuộc tranh luận xem ra đến giờ vẫn chưa dứt về phân biệt chúng tachúng nó, về tính chính đáng của một dạng thức tình cảm yêu quê hương xứ sở với những biểu đạt ngông cuồng, ếch ngồi đáy giếng, đạp đầu thiên hạ.

Tình cảm và tôn sùng vô bờ bến của một đại bộ phận nhân dân mình, ấy là nghe nói thế, đối với ngài tổng bên kia bờ đại dương và những màn đưa tin, bình luận chính trị sặc mùi cay cú cá cược và dựa trên nền tảng của fake news cùng các âm mưu thuyết nhiều hơn là hiểu biết về lịch sử, chính trị, xã hội và văn hoá xứ ấy. 

Và cuối cùng là một tuyển tập đại tự sự yêu nước trên mạng nhện của đám anh chị em phần lớn mở miệng giọng không ngọng thì bèn bẹt và từ phụ khoa thì hào phóng văng tung toé. 

(5)

Chuyện thứ nhất và thứ hai, càng để ý tôi càng thấy nhảm, nhàm và nham nhở. 

Nhảm vì chuyện vốn dĩ ban đầu hết sức vớ vẩn, nhảm nhí. 

Nhàm vì cái sai, cái bậy cứ lê thê kéo dài mãi, hô ủng cứ hô ủng, phản biện đấu tranh cứ phản biện đấu tranh. 

Và nham nhở là vì từ ông chính quyền, trước nhất là địa phương, tới hệ thống cơ quan chức năng liên quan và chế tài xem ra không phải là thiếu thì là yếu, để những chuyện này tiếp tục nhảm và nhàm không có hồi kết.

(6)

Còn về những chuyện còn lại, tôi thấy tít sách của Murray xem ra thật phù hợp.

Cái thế giới hiện thực như một cái chợ hồng trần với những tấn hài náo nhiệt, ý tổng kết đấy của người xưa thoáng nghe rất lọt lỗ nhĩ nhưng nếu giản dị sống đúng cuộc đời của mình ngày qua ngày không có dính dáng gì đến cái thế giới mạng nhện thì tôi cá chắc mỗi cá nhân hiếm có dịp nhìn ra cái chợ ấy.

Ấy nhưng mà hay nhá, trong thời đại mới, thế giới "ảo" thật hơn thế giới "thật", chợ hồng trần cùng các tấn tuồng đời bỗng trở nên cô đọng, bỗng được phóng chiếu rộng rãi, bỗng hoá thành thân thuộc, như không khí chúng ta thở, như nước chúng ta uống, như cơm chúng ta ăn.

Nhảy phắt lên mạng nhện, thế là chúng ta thành khán giả, thính giả, kịch tác gia, đạo diễn sân khấu, và nếu muốn thì là cả người diễn xướng trên cái sân khấu đa lớp đa chiều đó. 

Trong mớ chuyện tôi theo dõi trên youtube thời gian qua, ban đầu là ất ơ không chủ đích mà sau thế quái nào hoá thành khá đều đặn, ấn tượng hơn cả là một màn đấu tố thời hiện đại nhân danh iu-nước chủ nghĩa.

Có thằng cha phây-búc-cơ con cháu cái nhà cũng có chút tên tuổi xứ mình nói bậy nói bạ đáng bị lên án, nếu chỉ thế thì đã chẳng có chuyện. 

Chuyện là tự dưng thòi ra một đám sửu nhi áo phông đỏ cờ vàng ngạo nghễ trước ngực được dẫn đầu bởi một lão già phong cách tổ trưởng tổ dân phố, tối muộn rủ nhau đến nhà thằng cha phây-búc-cơ kia nháo, đập cửa nhà người ta tố cáo ầm ầm. Đến đây, chuyện coi như có chút kỳ. 

Nhưng xem tiếp cái video chiến tích của nhóm người iu-nước kia thì tôi thấy từ kỳ hoá thành phát buồn nôn. Cái ổ iu-nước ấy xong việc đi ra ngồi xổm ở quán nước vỉa hè, lão đầu đàn rít thuốc lào, bọn sửu nhi mặt phây phây hưng phấn. Những khuôn mặt đó, những dáng vẻ đó, tôi thấy như một sự kéo dài của những màn đấu tố, những khẩu hiệu chữ to đã từng náo động đời sống chính trị-xã hội nhiều chục năm về trước. Không cần biết động cơ của họ chân chính thế nào, nhưng chõ loa vào nhà người khác, ông ổng cái miệng kêu gào ái quốc kiểu thế, đối với tôi thật là xấu xí!

(7)

Hôm nay, ngày tận của năm 2020 đầy trắc trở, tôi tự nói với mình, thế là đủ!

Từ ngày mai, tạm biệt bạn nước nâu!

Từ ngày mai, nếu có trèo lên iu-túp, việc tôi làm sẽ làm xem một anh Bart chuyên cá, một bạn trẻ Jun chơi đùa với thực phẩm và hai nhóc miu-miu, một quý cô Cardsu cho những ý tưởng về cách tổ chức cuộc sống sao cho bớt ồn ào bừa bộn và hướng tới sự an nhiên thường trực, một chef Phương Hải với giấc mơ trở thành anh bếp quốc dân - bạn của nhà nhà, một anh chàng Trí Nguyễn mặt xương xương tư cách nghệ sĩ thế nào tôi không biết nhưng ấn tượng về người lẩm bà lẩm bẩm mấy chuyện tu thiền thì tôi có nhiều, rồi mấy bác shaman thời hiện đại hay các mồ ma ca sĩ, nhạc sĩ của một thời, nhiều thời xa lí lắc... 

Đại loại là thế, và cuộc đời như vậy hẳn được hứa hẹn tươi sáng và tích cực hơn nhiều!

Chí ít là với tôi 😼😼😼

Và thế là, tạm biệt nhé, 2020!

chả quế "quê" nhà làm

chả quế từ thuần nạc của thịt sườn cốt-lết

Nạc thuần lấy từ mấy miếng sườn cốt-lết, xay - cấp đông - xay lại. Gia vị có muối, tiêu, đá một hai giọt mắm cốt cường vị, bột quế và thêm chút hỗn hợp bột nghệ với ớt bột khói chipotle trét lên bề mặt miếng chả để tạo màu.

Hai miếng chả chẳng mấy đều đặn về vóc dáng, bề mặt thì nhấp nha nhấp nhô, được hấp trong khoảng mươi phút. Chờ chả hấp đã nguội thì sang công đoạn chiên. Thế là có thành phẩm của tiết mục thử nghiệm chả quế nhà làm.

Gọi là chả quế "quê" vì đích thực miếng nhỏ đưa vô miệng nếm thử làm tôi nhớ mấy bạn giò chả quà quê, thường là nhân dịp nhà ai đó mổ lợn thì tự giã thịt gói giò phết chả, hay vào dịp Tết có nhà đồ tể ở góc nào đó tỉnh xa vui tính thêm nghề phụ giò chả sản xuất hàng loạt phục vụ bà con trong vùng.

Tôi đã từng được ăn thứ giò chả đó trong bữa cỗ ở quê. Thịt chắc, đặc, ngon thật thà nhưng dở là hơi khô, thiếu mượt, thiếu uyển chuyển liên kết vốn thấy ở các sản phẩm cùng tên của những nhà giò chả chuyên nghiệp có chữ Hương trên biển hiệu.

Một lần làm chơi vậy cho biết. Tối qua khi làm xong hai miếng chả xinh xinh này, điều tôi vui nhất là nghe ra hương quế trong miếng chả "quê" của mình. 

Chả này làm món kèm với xôi trắng hay làm nhân kẹp bánh mỳ, ý à lí lắc ngon!

... mà tham gia tô bún tả-pí-lù xứ người cũng rất ổn

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

đã là [món] bún chả ắt phải có đu đủ xanh ?

bữa trưa cuối năm - không ghém đu đủ, chẳng rau thơm
vẫn huyênh hoang nhà cháu xơi bún nem - chả :-)))

Bạn đánh chén cho tôi một bất ngờ. Kế hoạch là ngày mai ông lão mới rời Massachusetts để về lại nhà biển. Nhưng đến cuối chiều nay thì ông gọi điện thông báo, còn cách nhà hơn nửa giờ xe.

Sau một bữa hoành tráng cháo hoa đậu phụ kho trái thơm vị đậu nhự "3 in 1" - cho cả bữa sáng, trưa và tối - lúc lưng lửng ngày, tôi đã tính tối nay nằm khều gặm nhấm các cơn đau rồi sáng mai thong thả dọn dẹp nhà cửa và nấu nướng chào đón lão Tiên sinh. 

Vì thông báo của ông, con giời lọ mọ lục tủ lạnh, kiếm chút đồ nấu đại một bữa tối nhẹ. Làm bếp ngoài kế hoạch tưởng chỉ có thế, nhưng rồi vì túi thực phẩm ông đặt mua ở siêu thị ở Massachusetts thì tôi lại có màn băm bằm, thái chặt rồi nấu này ninh nọ suốt cả tối.

Có phần thịt sườn cốt-lết, nguyên nạc tôi thử làm chả quế, còn chỗ dính diềm mỡ thì cao hứng bằm thịt viên thịt làm chả viên. 

Ông lão chạy ra khui chai rượu yêu của mình, ngó một cái hỏi đây là làm gì. Con giời dõng dạc, bún chả, rồi hỏi ông có hiểu không.

Gật đầu tắp lự, xong rồi ông phán thêm câu đầy ý băn khoăn, nhưng mà mình không có đu đủ xanh.

Tôi định trêu ông này thì mai ông có dám đi sang tiệm của ông chủ Hàn bên Groton mua đu đủ không. Nhưng vì biết chắc câu trả lời của bạn đánh chén thì thôi, dẹp luôn ý hỏi.

Màn hỏi đáp này, nghĩ lại thì có chút hài. Tôi đây từ lâu không bén mảng chợ Á, tiệm Á đã quên luôn cả cái bạn đu đủ xanh này. Còn ông lão kia, ái chà, hoá ra ông nhớ! Mà cũng phải, ở Hà Nội ông là chuyên gia lê la ngồi xơi bún chả vỉa hè còn chi nữa, thuộc bài là phải!

* Note ghi cho món chả viên

Thịt lọc từ sườn cốt-lết rất mềm, viên chả đảm bảo mềm, mọng. Thịt được bằm với chút hành hương, tỏi, tiêu xay cùng hai cây hành tươi, thấu thơm mấy bạn gia vị này. 

Vấn đề to là lần viên chả này, cho cái sự mặn, tôi lấy nước tương làm chủ vị. Bạn này so với muối và mắm đương nhiên là kém mặn mà lại nhỉnh ngọt rồi. Đã thế, tôi lại tham lam bổ túc cả đường nâu lẫn dầu hào vị nấm, kết quả là viên chả ngọt lừ, ngọt quá đà, ngọt quá đáng!

chả viên - chủ vị nước tương và lướt qua tiệm dầu hào vị nấm
mềm, mọng nhưng mà hơi dư ngọt

2020 - canh tý

 từ NYT 20.12.2020 - nhìn chữ cắt thấy nhiều hương hình sắc vị cũ

(1)

Trước năm mới lịch dưới, M nói với chúng tôi năm Canh Tý đại ý là năm rất nặng nề, năm của "báo thù", vân vân và vân vân, túm lại là không tốt.

Từ ngày trong nhà có chuyện lớn, tôi dần dần biến hoá tâm tính, cái đầu giống như nồi lẩu tổng hợp, duy lý có, nhưng tâm linh và thậm chí là "mê tín" cũng không phải ít; tính tham và ki tiết hợp hài hoà với thói ngại va chạm dính dáng đến và xung đột với kẻ khác làm thành một thái độ vừa bạc vừa nhược lại vừa hèn; hung hăng gớm ghiếc của tuổi trẻ còn chưa mất dấu hoàn toàn nhưng lại dư cái sự lẩm bẩm, lầm rầm tự mình với mình về những nào tạo nghiệp, nào nghiệp báo cả xa lẫn gần; sự chán thế giới con người kết hợp với ý thức rằng dù thế nào thì mình đây vẫn phải sống, vẫn phải giao tiếp. Với cái tổng hợp tư tưởng và tinh thần ấy, tôi tin những gì thằng bé nói về 2020 - Canh Tý, nhưng ở thềm chuyển giao của năm cũ sang năm mới từ lịch dương qua lịch âm, tôi vẫn chỉ là lất pha lất phất ừ thì nếu năm mới không được tốt, mình đành cố gắng chịu đựng cho qua các khó khăn khi chúng đến. 

Chẳng dè, con coronavirus nó thành nỗi ám ảnh mang tầm vóc nhân loại, toàn cầu, chứ chẳng phải chuyện của một cá nhân, một nhà, một cộng đồng, một xứ, một đại lục. Vì nó mà các dòng lưu chuyển bỗng tắc ngứ, đình trệ. Đảo lộn, khủng hoảng, bế tắc từ công việc, tài chính, kế hoạch sinh hoạt cho tới các trạng thái tâm thần, cảm xúc. Tôi từ chuyện người ta hoá ra chuyện chính mình, từ kẻ đứng ngoài hoá thành người trong cuộc, từ chủ quan nghĩ chuyện rồi mau qua hoá thành thường trực một trạng thái hoài nghi, tuyệt vọng. 

Tôi ngơ ngác, sợ hãi, phẫn nộ, đủ mọi cung bực cảm xúc mấy chục năm sống ở đời có trải qua chỉ là bề mặt sang đến năm 2020 - Canh Tý thì hình như chạm sâu hơn, tới tận tầng đáy, tầng chân rễ của chúng. 

Hồi đầu năm khi biết mình bị kẹt ở đây, tôi gần như suy sụp. Rồi chỉ một câu nhắn nhủ có chút màu tưng tửng từ cụ già trong nhà đã làm tôi có chút an tĩnh, "biết điều" hơn với chính bản thân mình. 

Lời nhắn giống như một cái gõ khẽ của cây bổng trong tay vị Thiền sư. Thời khắc tưởng là "thức tỉnh" đó mau qua, tôi tiếp tục lê lết hành trình psy đen tối của mình.

(2)

Cái hành trình lộn xộn đó giờ tôi đi đã được chặng dài kha khá. Cũng giống không ít người. 

Có ỉ eo hay thánh thót trần thuật về chuyện đã và đang xảy ra thì hiện thực tự thân nó vẫn cứ là vậy. Tôi tưởng mình hiểu nó, nắm bắt được nó, nhưng thực thì càng cố tôi càng mù mờ.

Thế nên giờ tôi bỏ cuộc, ngừng tìm cách nhìn cho ra, hiểu cho được về thế giới. Tôi vẫn tiếp tục nhìn, vẫn tiếp tục đặt câu hỏi, vẫn tiếp tục muốn hiểu, nhưng đó là một hành trình chứ không phải hòng đáo đạt câu trả lời tối thượng.

Mà thêm nữa, tôi thấy mình thực ngu ngốc khi mà dù thuộc làu một mớ nguyên tắc, nguyên lý sống mang nhãn "tích cực" song ngày qua ngày lại dành kha khá năng lượng và đà sống của bản thân để nỉ non than thân trách phận. Đã đến lúc tôi cần quay trở lại mấy gạch đầu dòng căn bản, tình hình là vậy, thích ứng và tuỳ chỉnh. Chấm hết!

(3)

Bữa đầu đỉnh dịch, tôi nhận được email từ đàn anh và cũng là đồng nghiệp. Đọc thư của ông anh nói về hoàn cảnh đại dịch, về thái độ của chúng ta và cả về cái dự phóng tương lai một ngày chúng ta nhìn lại chuyện này và có thể bình tĩnh nói về nó... tôi thấy có chút đậm đà sắc màu của mấy ông đồ xưa nhiều chữ, tóc búi, móng tay dài, sớm mai sau một cơn mưa lớn trong đêm mở cửa nhà thấy vườn tỏi sau nhà của mụ vợ bị nát đổ bầm dập thì cao hứng ngâm nga xuất hẳn một bài thơ. 

Nhưng rồi chính tôi xỏ xiên và láo toét âm thầm trong dạ qua thời gian mấy tháng rồi bắt đầu thấm thía câu chữ trong bức thư vắn qua mạng nhện kia của đàn anh. 

Cái phần vật, cái phần tục, cái phần thô tháo của đời và người đời đúng là luôn đa số, là chủ lưu, đặc biệt trong hoàn cảnh không tiền khoáng hậu này. Nhưng ở đâu đó, lúc nào đó, chúng ta vẫn có một nhu cầu chính đáng đặt câu hỏi, nhận định một giá trị và nguyên tắc sống, của riêng mình, cho riêng mình.

(4)

Năm mới bên cửa đối với tôi thách thức chất đống trước mặt.

Sức khoẻ của tôi chưa bao giờ tồi tệ như trong nửa cuối năm 2020 này. Ý chí và mơ ước làm những điều mới mẻ trong tôi giờ gần như cạn kiệt. Tôi ngại thay đổi, ngại di chuyển, ngại đối mặt với các hoàn cảnh mới. 

(5)

Nhưng cũng năm-địa ngục 2020 - Canh Tý xem ra chẳng phải là tệ, xét ở nhiều nghĩa.

Cái thế giới riêng, thầm kín và riêng tư, của tôi được xác định đường biên và bảo vệ kỹ càng hơn. 

Từ trước đến nay, tôi luôn to mồm xác định, đây là vấn đề riêng tư nhưng thực thì lời nói và thái độ của tôi trong hầu hết các hoàn cảnh chẳng theo một nguyên tắc và hệ giá trị nền tảng ra hồn nào cả. Tôi đã không hiểu được rằng ngay cả việc phô bày cái affectus của mình, vô tình hay hữu ý, cũng là một màn phô trương lộ liễu cái phần riêng tư thầm kín của bản thân.

Giờ thì những những phóng túng bừa bãi thái độ, tình cảm dễ dãi và mang tính bao đồng đã bớt đi rất nhiều. Tôi vẫn tiếp tục ngó nghiêng xung quanh, xỏ xiên thô tục vài nhời của một động-vật-xã-hội nhưng là với thêm chút ý thức về cái lằn ranh vô hình việc mình việc người hơn.

Tôi vẫn tham lam, vẫn muốn được trọn vẹn vuông tròn việc này sự nọ của bản thân. Nhưng đồng thời, tôi đã đi xa hơn trên con đường chấp nhận sự thật là nếu đời mình đã xám theo lộ trình thì tốt nhất là cứ ngậm miệng mà đi nốt chặng đường. Với chút hy vọng mang mùi vị dziễu cợt và cũng là lạc quan, giờ đen tối nhất cũng chỉ có 60 phút đồng hồ mà thôi? Có!

Tôi chẳng phủ nhận việc nghe một tin không tốt, thấy một thái độ không phù hợp từ tha nhân thì vẫn còn phần nào đó trong tôi ngọ nguậy khó chịu, chực chỉ muốn nhảy tưng tưng. Ơn Trời, những mẩu thời gian-phản ứng này mỗi lúc một ngắn hơn.

Hy vọng mọi chuyện sẽ tốt hơn, với tôi, và những người tôi yêu quý, và với tất cả mọi người đang kiên nhẫn sống qua thách thức đại dịch này!

chay đậm đà: đậu phụ kho dứa vị chao cay

ảnh chụp bữa tối sau khi mượn được ipad từ bạn đánh chén
bến trái đậu nhự xứ Đài, bên phải đậu kho nhà mình
đã xơi hết dứa, đậu không xinh nhưng đảm bảo ngon
😀

(1)

Đây là kết quả tổng hợp kinh nghiệm từ hai lần làm món đậu phụ nướng rồi kho với dứa đợt trước của tôi. 

Lần đầu đậu nướng không quá kỹ vẫn còn đảm bảo độ mềm thì lại cho dứa quá tay thành ra món kho chẳng rõ là dứa kho hay đậu kho nữa. Lần hai, do đậu nướng kỹ quá, kỹ đến quắt queo, món kho biến miếng đậu thành phẩm thành một dạng quà ăn vặt ăn chơi nhiều dẻo dẻo, dai dai, cứng cứng hơn là thức ăn mặn kèm cháo và cơm. 

Sang lần kho thứ ba này, tôi có thể hài lòng chốt chét công thức món kho chay đậm đà đậu phụ với dứa và nương vị chao cay cay xứ Đài của mình!

(2)

- Đậu phụ của người Hàn ở Mỹ nhãn Jinga trông rất thô nhưng thực xứng danh soft tofu ghi trên vỏ hộp, tôi lấy nửa bìa, chừng 250g, cắt miếng nhỏ theo ý
- Dứa trái bự được tôi chia miếng nhỏ để tủ đông, lần này lấy ra một miếng cỡ chừng 1/12 trái, tôi cân chơi chơi gần 180g, thái miếng nhỏ cỡ ngang hoặc bằng 2/3 miếng đậu
- Nhà hết cả hành hương lẫn hành tươi, tôi dùng hành sấy khô là tổng hợp của ba loại hành - hành lá, hành hương và hành tây trắng - cùng cọng rau mùi, một thìa súp chia làm hai lần dùng
- Tỏi một tép đập dập
- Gừng một miếng bé tý xíu cỡ nửa đốt trên cùng của ngón tay út, bằm vụn
- Nước tương lạt một thìa súp
- Muối chêm sao cho món đủ mặn theo ý - tạo mặn chính cho món kho
- 1/3 thìa cafe bột ớt Hàn quốc
- 1/4 thìa cafe hạt tiêu xay
- 1 thìa cafe đường nâu
- 3 thìa súp nước chao cay / đậu phụ nhự Đài Loan
- 1 miếng chao cay

(3)

- Chảo nấu làm nóng, cho xíu dầu chờ đến khi chạm đầu đũa sủi nhẹ thì cho đậu vào rán sơ. Sau khoảng 15 phút với mấy lần lật mặt các miếng đậu, đảm bảo đậu vàng sơ sơ đều các mặt thì lấy đậu ra
- Nguyên dấu chảo đó cho một nửa chỗ hành sấy khô, tỏi và gừng vào phi thơm rồi cho dứa vào xào với nước tương, muối và đường nâu; thời gian xào dứa đáo mềm là khoảng 5 phút
- Cho đậu vào xào cùng thêm khoảng dăm bảy phút, để ý nếu thấy chảo khô thì chêm chút nước
- Sau đó cho nước vô chảo xâm xấp dứa và đậu, thêm xíu muối, đun tới sôi lớn thì chỉnh lửa về liu riu, đậy vung kho trong nửa giờ
- Sau nửa giờ kho, nước trong chảo đã gần như cạn, lúc này bổ túc nước chao, và thêm miếng chao để vô một góc chảo, dùng thìa tán nát mịn rồi thêm tý xíu nước và chỗ hành sấy khô còn lại, kiểm tra độ mặn lạt để nếu cần thì bổ túc muối, đậy vung đun liu riu thêm 15 phút

Chảo/nồi kho thành phẩm tuỳ ý thích ráo hay vẫn còn chút nước kho sền sệt đều là do sở thích người đứng bếp.

Hôm nay tôi dùng món kho này ăn kèm cháo hoa. Cố tình để món kho còn chút nước sauce thơm thơm cay cay chua chua vương vấn. Cháo ngọt thuần vị gạo, gặp đậu và dứa kho quyện hương và vị chao cay bùi bùi cay, coi như một kết hợp hoàn hảo, đủ thanh mà cũng đủ đậm đà!

(4)

Với món kho lần này, tôi rất hài lòng về hai bước tiến bộ, trong nhận thức về gia vị và trong bản thân thao tác nấu món.

Thứ nhất là sự lợi hại của món hành sấy khô nhà làm. Trong hoàn cảnh đại dịch, đi chợ - dù là mua dạng đặt hàng trước qua mạng đi nữa - là một hoạt động ít nhiều "xa xỉ", hiểu theo nghĩa không phải cứ thích là nhảy phắt ra xe rồi đến siêu thị hay cửa hàng. Mỗi lần "đi chợ" như vậy, dù tôi luôn chú ý đặt mua hành các loại - từ hành lá xanh qua hành hương và hành tây, thì không phải lúc nào cũng đảm bảo trong nhà có sẵn mấy bạn này. Bị nhỡ, bị thiếu đôi khi là bạn này, đôi lúc là bạn khác, hay thậm chí như lần này tôi ở nhà một mình dài ngày không còn bất cứ bạn nào còn sót lại trong bếp, không phải là chuyện hiếm gặp. Giải pháp hữu hiệu do đó là hành sấy khô tổng hợp! 

Món gia vị sấy này vừa có tác dụng thay thế cho các gia vị gốc lại vừa có những ếp-phê tạo vị riêng có của nó. Tôi không thực sự dám chắc một trăm phần trăm, song có vẻ như với ít nhất là món kho đậu phụ với dứa vị chao cay lần này, một dúm hành sấy khô vừa là phi thơm vừa là bổ túc sau đó vào nồi kho cho vị đậm đà hơn là dùng hành hương phi hay hành hoa trang trí. 

Thứ hai là về quy trình làm món. Đơn giản, đơn giản hơn, đơn giản hơn rất nhiều. Tôi vẫn tiếp tục nghĩ linh tinh lang tang về điều mang tên giản-dị ở trong bếp. Và đồng thời, trong hành động bếp núc cụ thể thì hướng sự thực hành của mình theo một định hướng nghiêm túc hơn: làm sao cho việc đơn giản và nhẹ nhàng nhất có thể!

Nhớ những lần trước lọ mọ với đủ mọi thao tác sấy khô các miếng đậu phụ, rồi nồi kho phải ỷ vào miếng xương heo lấy ngọt, rồi ớt thì phải cầu kỳ nguyên trái... giờ tôi bỏ hết. Chuẩn rem 45 phút đồng hồ chia làm hai bước, 30 cho kho lần một, 15 cho bổ túc hương và vị chao cay bùi. Gia vị bổ túc lấy thơm hành - tỏi - gừng đều chỉ là thoang thoảng chứ không cần quá đậm đà. Tạo mặn căn bản là muối, nước tương lạt lấy thơm nhiều hơn là lấy đặm. Đại loại thế. Làm mà cứ như chơi trong bếp. Cử động thân thể thảnh thơi, đầu óc xem chừng theo đó cũng phần nào thoáng đãng.

Nấu bếp, ăn món mình làm ra, đó không phải đơn giản là câu chuyện về vị nơi đầu lưỡi hay những dạt dào cảm xúc của cái bao tử, hay nói thô chút là câu chuyện miếng ăn - miếng tồi tàn hiểu theo nghĩa đáp ứng bản năng nguyên thuỷ của con người là đói - giải quyết "sự đói".

Nấu bếp, ăn món mình làm ra, qua những trải nghiệm nho nhỏ của chính bản thân, còn giống như một cuộc trò chuyện ta với ta, mình với mình. Qua đó, tôi có thể thấy vô vàn những rườm rà thừa thãi cùng vớ vẩn, dzởm đời không cần thiết mà mình đã và đang mắc phải. Giảm bớt chúng không phải búng tay một cái hết liền. Nhưng ý thức về chúng, chỉnh sửa sao cho hợp lý hơn, chuyện đó tôi nghĩ mình làm được.

Cả trong bếp lẫn ngoài bếp. Cả với tư cách một đứa mất nết tham ăn, ăn bậy ăn bạ lẫn một kẻ sống lơ ma lơ mơ, hồ đồ, chân không chạm đất cật chẳng tới trời, là chính tôi đây 😂😂😂

lợi hại hành sấy khô tổng hợp
hành hoa, hành hương, hành tây và cọng mùi

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

salami & ham roll-ups - một món cuộn salami và ham qua lửa chiên

roll-ups chiên la cà cạnh phần cơm chiên
Salami và ham của Boar's Head
- Dưa chuột muối chua không tỏi ghi rất to và rõ ràng trên nhãn mác
- Lá diếp romain giòn và mát
- Rau mùi
- Hành hoa chẻ dọc thân củ trắng mon men chút phần cọng xanh cứng chắc

Trên đĩa lớn cold cuts, nếu có roll-ups thì luôn là phiên bản nguội, nguyên bản lấy ra từ túi/hộp thực phẩm. 

Ở nhà rừng hôm trước tôi thử làm khác đi khi trên bếp đang có chảo nóng. Roll-ups lạnh thành món cuộn chiên!

Salami đóng vai vỏ bọc. Trong có ham, cọng hành xanh chẻ, rau diếp và rau mùi. Ở chính giữa là dưa chuột muối chua chua.

Để lửa thật lớn, đặt miếng cuộn khéo để phần mép chạm mặt chảo rồi chờ ngả sém thì lòng vòng lật qua lật lại chiên đều bề mặt ngoài. 

Bí mật to nhất của món cuộn chiên này là lửa lớn và chiên thật mau tay!

Vị thịt nguội vẫn nguyên đấy. Cả salami lẫn ham không vì lửa chiên mà trở nên mềm oặt. Diếp vẫn giòn. Hành vẫn thơm thơm hăng hăng. Rau mùi vẫn tươi. Và dưa chuột hào phóng tặng vị chua hoà hợp với mặn của thịt nguội, ngọt của rau. Vui cái miệng!

xin chào tô đông pha, tạm biệt tô đông pha - xong một hành trình ba rọi kho tàu

Tối qua tôi chính thức khép lại chương hồi khám phá và thử nghiệm món ba rọi kho [kiểu] tàu. Lần này không phải là ghé qua nhà Bác Mao với thịt thái miếng nhỏ và rán sém qua loa trước khi kho, mà là miếng to được chằng buộc giữ dáng và trong nước kho dùng tới dấm theo công thức được coi là từ thi sĩ họ Tô. 

Hướng dẫn làm món tôi theo là của một bác chủ bếp từ Singapore - Spice N' Pans.

Có mấy điểm đáng chú ý về cách làm món kho này:

- Thịt trước khi kho được luộc qua với rượu và gừng nguyên tảng, sau mới cắt miếng theo ý để làm món kho
- Thịt thái miếng lớn tạo hình vuông, được buộc dây để giữ nguyên hình dạng từ lúc cho vô nồi kho tới khi ra đĩa
- Ngoài rượu nấu có vai trò quan trọng của dấm gạo như là một nguyên liệu-gia vị thành phần của món kho
- Công thức một số nhà nói tới ớt, nhưng với những gì tôi đọc từ trước đến nay thì món gốc có vẻ như không dụng tới bạn này, tạo vị chính là gừng, đại hồi, quế và thêm bạn hành hoa
- Tương tự, có người thêm muối, nhưng nhiều công thức chỉ dựa vào xì dầu - nước tương lạt và hắc xì dầu - để lấy đậm đà cho miếng thịt kho

Ở nhà một mình nghịch ngợm chơi chơi vậy nên nồi kho thử nghiệm của tôi thật quái đản, nhõn ba miếng thịt với thời gian kho vừa tròn 2 giờ đồng hồ!

Lúc nước kho trong nồi mới sôi, tôi mở vung ngó thử thấy sặc mùi dấm thì lo lắng lắm. Mươi phút trước khi kết thúc thời gian kho, mở vung kiểm tra thấy thịt vẫn phơi phới cương quyết không đậm sắc như trong các mô tả món thành phẩm, tôi lại càng lo lắng. 

Ấy thế mà mươi phút "nước rút" của quá trình kho quả thật thần kỳ. Nước kho quyện lại, ba miếng thịt vuông vức ngay ngắn từ bì tới đế nạc ngả sắc nâu đỏ đẹp vô cùng!

Tiếc là tôi không có cái ipad mượn từ bạn đánh chén để lưu lại thành tựu bếp núc này. Còn về bạn ba rọi kho tàu kiểu "tàu" thì coi như là đã đủ với tôi rồi sau một thời gian ăn uống có phần nhiều dầu mỡ và bơ sữa đôi ba tuần qua.

Vậy nên, Xin chào Tô Đông Pha, Tạm biệt Tô Đông Pha 👋👋👋

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

ruốc gà xé siêu cay với scotch bonnet hot pepper

ruốc gà xé cay vị ớt jamaica - scotch bonnet hot pepper

Lão Tiên sinh đặt hàng món ruốc gà xé vị lá chanh Thái và cay ớt để có đồ nhón tay ăn vặt trong chuyến đi nhà rừng của ông. Tôi bảo được, bắt tay vào làm ngay và vui tính rón rén thử một dúm nhỏ vụn ớt khô scotch bonnet hot pepper cho lẫn vào mấy bạn bột ớt quen dùng cho món gà xé sấy khô: ớt khói chipotle, ớt cayenne và ớt bột Hàn quốc.

Dù biết thân biết phận chỉ cho chừng 1/10 thìa cafe, thực chẳng nhằm nhè gì với mấy bạn cùng họ nhà ớt còn lại, nhưng thủ trưởng ớt đến từ xứ Jamaica này quả là kinh hoàng lợi hại, cay không tả nổi!

Nhưng bỏ qua cái sự siêu hot, siêu cay đó đi thì kết hợp vị thơm của bạn scotch bonnet này với lá chanh Thái thực là kỳ diệu. Kết hợp gia vị kiểu bếp fusion này đối với tôi thực chẳng hề tệ chút nào.

Tôi bắt đầu tính khi nào đủ điên điên cùng cao hứng thì sẽ tìm hiểu về chi họ ớt này!

* Gia vị cho món ruốc gà xé cay lần này (2 ức gà luộc chừng 0.5kg):

- Chủ vị cay: bột ớt Hàn quốc 1 thìa cafe
- Ớt cay thì ít lấy màu thì nhiều: ớt khói chipotle 1 thìa cafe
- Ớt cay thực cay: cayenne pepper 1/5 thìa cafe
- Ớt cay siêu cay: scotch bonnet hot pepper 1/10 thìa cafe
- Cay khác: tiêu đen xay nửa thìa cafe
- Tạo mặn: bột muối tỏi 
- Thêm sắc: bột nghệ 
- Và đương nhiên là lá chanh Thái càng nhiều càng tốt, càng nhiều càng thơm: chừng 10 lá bỏ đi phần sống lá rồi thái chỉ rối

thịt ức gà luộc để nguội, xé sợi lớn, xóc với gia vị

dư dả thời gian nghỉ ngơi nửa ngày
với kẻ ăn tham, nửa giờ ướp cũng coi là đủ

đã xong công đoạn sấy lò và rang chảo - món thành phẩm

tập tành cán mỳ và tiến bộ mới

Tối qua ở nhà một mình, tôi thoải mái bày trò nghịch trong bếp mà không ngại làm phiền bạn đánh chén. Chủ đề của việc bếp lần này là thử nhào bột bằng máy xay và sau đó là nâng cao tay nghề cán sợi mỳ.

Cả hai nhiệm vụ đều được hoàn thành gần như là mỹ mãn. So với cách đây nửa năm lần đầu tập tành làm mỳ kéo với sợi mỳ thành phẩm thô tháo sợi dày sợi mỏng sợi dài sợi ngắn thì lần làm mỳ thứ hai này của tôi tiến bộ quả là đáng kể.

(1)

Thứ nhất là vụ dùng máy xay [thịt/cá] để nhào bột. Siêu siêu cao thủ võ lâm!

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một anh bạn đầu bếp từ Singapore dùng cái máy chạy xoèn xoẹt để trộn/nhào/đánh bột thì tôi choáng. Sau lại thấy một cô trung niên người Mỹ gốc Hoa cũng dùng máy chạy roẹt để làm bột cán mỳ, tôi bắt đầu tự hỏi về tính hiệu quả của kiểu làm này. Cuối cùng, đến hôm qua thì tôi chẳng hỏi han chi chi nữa, tự mình trèo ghế lấy cái máy từ tử đồ bếp xuống và cũng bấm nút cho máy chạy tít thò lò.

- 125g bột mỳ đa dụng
- muối một dúm tý xíu
- dầu ăn non 1 thìa súp
- nước lúc đầu tôi dùng 110g (gr chứ không phải ml nhá), sau thấy có vẻ khô thì thêm chừng hai thìa súp

Cho bột, muối và dầu ăn vào trong cối xay. Lại thêm chừng 1/3 lượng nước vào. Vừa cho máy chạy vừa tiếp tục chế nước vào để được hỗn hợp bột quánh dẻo.

(2)

Thứ hai là cán mỳ.

Lấy bột ra nhào tới nhào lui chừng 15 phút là cứ thế có thể cán dàn bột thành một miếng lớn mỏng tang tang. Gấp bánh xếp lớp zigzag rồi dùng dao tuỳ theo ý thích có sợi mỳ thanh hay to bản mà cắt chia sao cho thật đều tay.

Vì tôi biết thân biết phận mình còn non tay nên chủ động cắt sợi mỳ rộng rãi bề ngang chút chút, cỡ chừng 0.6cm.

(3)

Sợi mỳ đã cán xong được xóc bột mỳ và tãi đều. 

Đến bữa luộc mỳ khoảng một phút rưỡi rồi lấy ra ngâm qua nước lạnh chút và sau đó là cho ra vá làm ráo. Mỳ này làm món chan cũng ngon, mà để tủ mát qua đêm sợi chắc dùng cho món mỳ xào cũng rất được.

(4)

Tôi thấy không tệ chút nào việc dụng tới cái máy xay để làm bột. Đỡ công sức phải thao tác với hai bàn tay và cẳng tay. Coi mạng nhện từ bác chef chuyên nghiệp tới cô nàng bếp nghiệp dư, thấy tay người nhào nặn phù phép với cục bột xem chừng dễ và nên thơ lắm. Nhưng cứ thử là biết liền, mỏi rã tay luôn.

Thêm nữa là dùng máy làm bột thì bột thành phẩm lấy ra không cần mấy lượt ủ - nhào - ủ mất tổng cộng vài giờ đồng hồ nữa mà người làm có thể bắt tay vào công đoạn nhào lần cuối rồi dàn bột, cán mỳ luôn.

Mạng nhện tham khảo cho trộn bột bằng máy và cách dàn bột, xếp lá bánh và cán mỳ:

Ta-la, mỗi bạn học một mẩu. Thế là ra món mỳ cán với chút phần tiến bộ của mình trong bếp nhà mình 🍜🍜🍜

bắp cải và cà rốt xào tỏi vị nước tương lạt & tiếp tục lảm nhảm, cà ràm chuyện ăn lạt

Tôi thích bắp cải lần lượt cho mấy món quen thuộc là bắp cải luộc [dấm cà chua]; nhân nem rán; nhân há cảo bếp Nhật; rau trợ ngọt cho nồi nước ninh, đặc biệt là nồi nước dùng chay thuần rau củ quả; bắp cải xắt siêu mịn cho vài món salad và làm rau ghém cho bát bún bò chan; và gần đây là kim chi cải bắp ỷ vào nước muối kim chi trong keo của bà nội trợ Hàn bán ở siêu thị dành cho dân xanh-sạch-lành ở trung tâm thành phố biển.

Ở trường đại học, thi thoảng trong bữa trưa kêu cơm hộp chia sẻ cùng đồng nghiệp, tôi thấy trong phần cơm của mình có món bắp cải xào. Lúc đó ăn vui vui chơi chơi, không thích mà cũng chẳng ghét, về căn bản bắp cải xào đối với tôi có chút gì đó thiếu hấp dẫn. Thà cứ như cải thảo xốp xồm xộp, kém ngọt đặm như bắp cải xanh, nhưng cho mấy món xào rau củ thuần chay hay với thịt cá mặn chi chi, chính cái sự nhạt của bạn rau này lại làm cho nó đóng tốt vai phông nền cho đồng bọn trên đĩa xào. Chứ bắp cải xanh nhà ta, vốn vị ngọt sâu, nhưng trong món xào lại thành lửng lửng lơ lơ, lẫn ca lẫn cẫn, nổi đậm vị không đáo, mà lạt vô duyên cũng chẳng đừng. 

Ơ nhưng mà hay nhá! Xa nhà, xa bếp nhà Hà Nội, lại trong một hoàn cảnh bị nhiều hạn chế như những tháng ngày này, thế quái nào trong cái danh sách rau củ quả ngắn cụt lủn mà mỗi lần gọi điện về nhà và được hỏi thì tôi đều trịnh trọng báo cáo cho bà cụ già ở Bắc Ninh nghe, bắp cải luôn đứng đầu bảng. Thường thì tôi sẽ cười phe phé khoe với Mẹ, con giờ thành chuyên gia gặp cà rốt, nhai bắp cải, xơi cà tím và nghịch đủ trò với cần tây "tây" - celery.

Mà bắp cải đem ra luộc, làm kim chi hay nhân bánh, rau ghém cho bún chan mãi xem chừng cũng đơn điệu. Với câu hỏi lớn, làm thế nào để cây cải bắp trở nên sexy trong bếp, tôi bắt đầu hành trình ngâm cứu món bắp cải xào.

Kế hoạch đầu voi đuôi chuột. Trịnh trọng ra dáng ngâm cứu tình hình nhà bác gúc-gù một hồi thì con giời hoa mắt chóng mặt. Bắp cải xào trứng hay cà chua hay cả hai, đừng hòng tôi theo vì chỉ nghe sự kết hợp này là tôi đã không thích rồi. Về gia vị cho món xào, nước mắm xem chừng hơi khé và nặng vị hì. Rồi gừng, hành, tỏi xem ra có nhiều nặng nề.

Đi lòng vòng một hồi, cuối cùng tôi gặp mấy bác bếp Nhật vegan vui tính. Món hoá ra cực đơn giản, ngoài bắp cải và cà rốt thì chỉ thêm đúng xíu dầu ăn, tỏi, muối và nước tương lạt.

- Bắp cải thái miếng/sợi vừa cỡ đốt ngón tay, cà rốt thái sợi
- Tỏi một hai tép đập dập
- Dầu ăn láng chảo làm nóng, phi thơm tỏi thì cho a-lô-xô bắp cải và cà rốt vào xào ở lửa lớn; khéo canh chêm thêm nước để không bị khô, cháy; cũng trong thời gian này nêm chút muối lấy đậm
- Chừng bắp cải mềm thì tuỳ ý, thích sắc nhàn nhạt vốn có của lá cải bắp hay chút ngả nâu do sém chảo thì đảo rau ở trạng thái khô trong chảo thêm đôi phút
- Trước khi bắc chảo đôi ba phút, rưới một vòng nước tương lạt, vừa là thêm đậm bên cạnh bạn muối, nhưng chủ yếu là lấy vị thơm của soy sauce

Thế là xong. Cà rốt ngọt lừ. Bắp cải ngọt lừ. Thơm thơm vị tỏi phi và ngọt thơm của nước tương. Món rau xào ăn vã chơi chơi thích, mà ăn cùng cơm trắng cũng ngon. Rất nhẹ nhõm!

Tôi khoái chí với món xào cho bữa trưa solo của mình hôm nay một phần thì chín phần còn lại hoan hoan hỉ hỉ với biến chuyển trong cái-đầu-kẻ-nấu là chính tôi đây. Những ngày này tôi nghĩ rất nhiều đến hai chữ đơn-giản. Nghe rất đơn giản nhưng thực lại là một sự xa xỉ

Tôi không thích chút nào cái sự đơn giản/đơn giản hoá mang tính cưỡng ép và bị động từ bên ngoài. Tỷ như vì dịch bệnh không đi chợ được thì ngày qua ngày giương mắt trợn tròn ta nhìn bắp cải, bắp cải nhìn ta. 

Nhưng hoàn cảnh vậy thì tính sao đây? 

Thế thì bắt đầu ranh ma tính toán, từ cưỡng ép và bị động, tớ đây chủ động thích nghi hoàn cảnh. Tỷ như, đi tìm một màn trình diễn làm nổi bật cái vẻ đẹp ngọt ngào tiềm ẩn của bạn cải bắp xanh trong bếp nhà mình, không cần xiêm áo diêm dúa trứng, cà chua, hành, gừng chi chi mà giản dị cải bắp lên đài với đôi món trang điểm có chút vẻ nhàn nhạt chẳng khác gì chính bản thân bạn ý: muối và nước tương, và rỉnh rang hăng cay chút là đôi ba tép tỏi. Thế thôi!

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

một món súp leftovers: nước xốt ninh dẻ sườn heo gặp thịt sườn bò non

(1)

Bữa trưa Giáng sinh dẻ sườn heo ninh với gravy sauce theo truyền thống bếp nhà Na-uy của chúng tôi kết thúc với đôi chút thèm thuồng do cái dạ của hai kẻ ăn còn lưng lửng mà nồi ninh lại chẳng dư miếng sườn nào. Trong khi đó, trớ trêu là phần nước ninh dư còn trong nồi lại là kha khá.

Món súp leftovers ngày hôm sau của chúng tôi chính là tận dụng phần nước ninh này. 

Lúc nấu xong món theo công thức của bà cố Na-uy, bạn đánh chén rất không hài lòng vì gravy sauce/brown sauce mà ông chuẩn bị không được sánh [đặc] như ý. Lúc ấy, tôi thấy không sao cả. Còn sang thời gian nấu món súp leftovers từ nước ninh dư này thì tôi lại càng hài lòng, vì có thể thong thả tuỳ ý thêm nhiều hay ít arrowroot powder tạo sánh cho món mới của mình.

một món súp leftovers kết hợp gravy sauce/brown sauce 
cho món sườn heo ninh với thịt lọc dẻ sườn bò non

(2) 

Thịt lọc từ một dẻ sườn bò non được thái lát mỏng, ướp qua với bột muối tỏi, tiêu xay, một hai giọt nước mắm rồi lăn qua lăn lại tinh bột khoai tây. Chảo sâu lòng bắc bếp làm nóng, láng tý xíu dầu phi thơm một hai tép tỏi tới dậy mùi thì cho thịt bò vào chiên mau ngả sém. Sau đó trút nước ninh dư bữa hôm trước vào, đun tới sôi thì hạ lửa về liu riu, đậy vung nấu tiếp trong khoàng thời gian từ nửa giờ tới 45 phút. 

Đoạn cuối thời gian nấu kiểm tra mặn lạt thế nào thì chêm muối nếu cần. Đây cũng là lúc hoà bột arrowroot với chút nước rồi chêm vào chảo nấu để tạo thêm sánh cho món súp. Vì thịt bò được tẩm qua tinh bột khoai tây nên qua lửa chiên và sau là nước ninh đã phần nào tăng độ sánh cho súp, nên bột arrowroot có thêm vào chỉ là xíu gọi là.

Chuẩn bị chút hành tươi thái nhỏ cùng rau mùi thái nhỏ hay xắt rối tuỳ sở thích mỗi người, lấy súp ra đĩa sâu lòng, rắc rau gia vị lên, lại thêm chút tiêu xay nếu thích.

(3) 

Bạn đánh chén nghe tôi nói làm món leftovers có chút dị này thì bày ra vẻ mặt nghi ngờ. Đến bữa, ông xơi nhiệt tình, vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng sự kết hợp giữa nước sauce ninh sườn heo và thịt sườn bò có chút kỳ quặc, nhưng chuyện món ăn được thì ông cũng chẳng phủ nhận.

Còn với tôi, món này ăn với bánh quy giòn rắc hạt mè hiệu ak-mak [sesame crackers], thực chỉ có thể nói, ngon thật là ngon!

norwegian krumkake - bánh vỏ ốc [quế] ôm kem và trái mọng bếp na-uy truyền thống

norwegian krumkake - bánh vỏ ốc [quế] ôm kem và trái mọng

(1)

Mới đầu, tôi đọc sái cả miệng mới rành rọt được krumkake. Tôi trêu đùa bạn đánh chén, may mà ông không nói được tiếng của tổ tiên, chứ không thì trong nhà âm thanh lóc xóc lọc xọc nghe vui có nhưng cũng mệt nhiều :-)

Trước Giáng sinh, lão Tiên sinh kéo thang trèo lên tầng gác mái tìm tìm kiếm kiếm. Kết quả là ông lôi xuống 3 cái khuôn đổ bánh, cái nào cũng có lai lịch đàng hoàng và nặng vị tình cảm.

Một khuôn đổ bánh xốp bốn ngăn hình trái tim, mỗi trái tim lại có một hoạ tiết riêng, nhìn chắc chắn và có vẻ còn khá mới, khá hiện đại. Hỏi ra, thì là một trong những món thừa kế từ bà dì sống đơn thân trọn đời, người đã về với các cụ tổ tiên từ cách đây gần bốn chục năm.

Một khuôn đổ bánh vỏ ốc krumkake bằng kim loại pha - nhìn giống đồ nhôm - không quá nặng và đặc biệt là ngoài hai phần thân vỏ khuôn ép thì còn có phần giá đỡ tạo ra khoảng cách giữa kiềng bếp với khuôn ép bánh. Thêm nữa là tay cầm của hai thân vỏ khuôn được bọc gỗ. Như vậy người đứng đổ bánh có thể ung dung điều chỉnh lửa to nhỏ cũng như ỷ vào tay cầm bọc gỗ mà không lo nguy cơ dễ bị nóng, bỏng tay. Khuôn này hoạ tiết hai mặt đều là hoa lá, đáy ngoài của khuôn ép chữ ghi rõ xuất xứ, bởi Nordic Ware từ Minnesota - tiểu bang được biết đến với một cộng đồng khá đông đảo người Mỹ gốc Na-uy. Bạn đánh chén nói, khuôn bánh được sử dụng hàng năm vào mùa Giáng sinh bởi vị gia trưởng trong nhà, để làm món bánh tráng miệng truyền thống. 

Và cuối cùng là một đích thực vingtage krumkake iron nhỏ không có giá đỡ, trần trụi hai vỏ ép bánh, bằng sắt nặng trình trịch/chình chịch - nặng tới mức nếu đang cầm tay mà rơi xuống thì chân chỉ có mà nát bét và người sẽ mau được chuyển tới phòng cấp cứu. Khuôn bánh này theo chân ông bà cụ kị của lão Tiên sinh ngồi tàu biển đi từ làng nhỏ đất Bắc Âu sang cảng thị New York. Chẳng rõ ngày xưa bà kị bà cố làm thế nào, giờ ông cháu chút chít thử mang khuôn ra dùng, mau chóng chịu thua vì toàn bộ khuôn làm bằng sắt, tay cầm lại ngắn và không có bọc gỗ, dù có đi bao tay làm bếp dày sụ thì cũng khó mà chịu đựng được mức nhiệt dẫn toả ra. Không dùng được cái khuôn đó, người đổ bánh có phần tiếc rẻ vì bánh làm từ khuôn này có một mặt cỏ cây hoa lá và mặt kia là một cụ sư tử kiêu hãnh ngẩng cao đầu.

(2)

Bạn đời, bạn đồng hành, bạn đánh chén của tôi có thể là một ông lão dở [hơi] về nhiều mặt. Nhưng có một điểm thật đáng yêu tôi nhận ra những ngày này, đó là những cố gắng nho nhỏ của ông trong nhà, trong bếp thời đại dịch khi mà mọi sự giao tiếp, đi lại đều hạn chế đến mức ngạt thở, để cho tôi cảm thấy thoải mái và biết hơn về một góc sinh hoạt xứ người.

Ông lão kể và giải thích cho tôi về cách người Na-uy chào đón Giáng sinh. Rồi lọ mọ ông làm món này món nọ, không ngừng ới gọi tôi ra nhìn cho biết.

Lúc đầu tôi lười, sau đứng bên ngó nghiêng một hồi thì thấy thật thú vị. Đến mức, sau không biết bao lần nguây nguẩy cái đầu trước câu hỏi muốn thử làm bánh không của bạn đánh chén vì sợ bị bỏng tay và/hay làm hỏng bánh thì cuối cùng tôi lại là người tùm lum tùm la rắc không ít bột quế vào cái thố đựng bột đổ bánh sắp cạn và hoàn tất công cuộc tráng/ép vỏ bánh ốc [quế] nửa ngày trong bếp.

(3)

Tôi không ghi lại ở đây công thức trộn bột đổ/ép bánh vì đã có một địa chỉ với hướng dẫn chi tiết tuyệt vời - True North Kitchen của một cô chủ bếp tên Kristi.

Có ghi lại thì là bí mật thời gian canh bánh: một phút cho mỗi mặt bánh, chuẩn rem không hơn không kém. Nếu ai đặc biệt thích bánh ngả sém thì hào phóng thêm mươi giây nữa là xong.

Về khuôn tạo chóp mũ/định dạng vỏ ốc, không có cái cây gỗ chuẩn bếp Bắc Âu thì bạn đánh chén dùng giấy lọc cafe và tự ông cuốn lại thành hình phếu. Lá bánh lấy ra từ khuôn, tay mau và nhẹ cuốn lá bánh ôm theo cái khuôn tự chế. Chờ lát bánh nguội, thế là hoop, chúng mình có một cái ốc [quế] xinh xinh rồi.

Bánh thật nguội nhẹ tay xếp vô hộp, đậy kín, để chỗ mát - lão Tiên sinh đặt ở lối xuống tầng hầm tha hồ mát tha hồ lạnh tự nhiên. 

Whipping cream mua sẵn trong hộp/chai tiện thì tiện thật nhưng không được đặc như ý kẻ khó tính mồm miệng. Giải pháp là mua bịch heavy whipping cream, cho kem vô thố với chút đường cùng vanille chiết xuất rồi dùng máy đánh trứng chạy ào ào, thế là có whipping cream nhà làm, sánh ngọt lạt thế nào là do cái ý và cái tay thao tác của mình.

Vỏ bánh sẵn sàng, nhân đổ đầy mình ốc [quế] là whipping cream cùng trái mọng - phổ biến nhất là dâu tây, song thêm cả bạn mâm xôi [đỏ] không phải là một ý tồi.

Về hai bạn quả mọng kể trên, mâm xôi tươi vốn quả rất mềm không tính làm gì, còn về phần dâu tây tôi thích làm nhân bánh từ trái quả đông lạnh hơn là quả tươi. Quả sau khi được rã đông rất mềm, vừa vặn hài hoà với mâm xôi và lớp bao phủ mướt mượt của kem như là tương phản với vỏ bánh giòn rụm. Còn nếu dùng dâu tây tươi, đặc sắc riêng cũng có nhưng với riêng tôi thì hơi khó tiếp nhận ba tầng giòn vỏ bánh - có chút đanh của trái quả tươi - và mềm mướt của kem. Tất nhiên đây chỉ là cảm nhận chủ quan, vì nếu gặp được mớ dâu tây tươi ngon tuyệt ngon, chín mọng mềm tự nhiên thì hẳn thật tuyệt, mỗi tội dâu tươi mua qua mạng nhện những ngày này quả to cỡ đại và đanh giòn, găn gắt chua chứ lấy đâu ra mướt với mượt cũng như chua dịu dàng đâu 🍓🍦🍓🍦🍓🍦





Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

french orange yogurt cake - bánh sữa chua vị cam "kiểu pháp"

french orange yogurt cake - bánh sữa chua vị cam kiểu pháp
(1)

Tôi thực nghi ngờ cái định vị bếp Pháp - kiểu Pháp "french" này!

Công thức bánh sữa chua quen thuộc kiểu Pháp gắn với trái chanh vàng - lemon. Nhưng trong nhiều hướng dẫn làm món, các tác giả không quên ghi chú, hân hoan chào mừng bạn thử nghiệm với các trái quả họ nhà chanh-cam. 

(2)

Từ nhà rừng trở về, tôi quên tiệt việc kiểm tra ngăn đựng rau củ để cho vô túi mang về nhà biển. Kết quả là cả túi bự chanh vàng Meyer còn chưa mở nằm ngủ ở trên núi.

Ngày lễ chẳng ma nào mở cửa hàng và cũng chẳng ai điên mò mẫm ra đường tìm chanh. Thế nên ý định làm bánh vị chanh của tôi được linh động chuyển thành bánh vị cam!

(3)

Tại sao tôi làm bánh sữa chua cũng là một câu chuyện dài và hài.

Thi thoảng tôi lên cơn thèm, mơ màng thấy trước mặt hũ sữa chua không đường. Nhưng việc đi chợ khó khăn nên rất mau tôi bỏ qua ý định mua món. Còn đặt hàng qua mạng nhện thì lại ngại lích kích đồ đông lạnh và sữa chua hiện lên trên các giá hàng ảo phần lớn là hộp bự chứ không phải các hũ nhỏ xinh xinh như ở giá kệ siêu thị quen, nên kết quả là tôi cũng mau bỏ cuộc.

Bữa rồi để làm các phần bánh vỏ ốc - tôi không gọi là ốc quế vì bánh không có vị quế 😀 - cho món tráng miệng truyền thống bếp Bắc Âu nhân dịp Giáng sinh, lão Tiên sinh cần đến sữa tươi. Ở cửa hàng nông trại quen trong vùng, ông lão lơ đễnh thế nào nhấc một hộp lớn, về nhà đến giờ chuẩn bị bột đổ khuôn bánh thì mới té ngửa: thay vì lấy sữa tươi ông chơi luôn một bịch sữa chua.

Tôi ăn chơi vài sêu sữa chua thì còn được chứ nhìn cái hộp to chảng thế này thì choáng. À, vậy mình làm bánh sữa chua.

(4)

Công thức trên mạng nhện quá nhiều. Tôi theo người này một tý người kia một chốc. Rồi lại cộng chút chủ quan tính của bản thân. 

Bánh làm ra xơi được. Vậy tôi chốt luôn công thức ở đây. Cho lần làm tiếp theo. Nếu có ai trong bếp lại mua nhầm sữa tươi ra sữa chua, hỉ!

- 200g bột mỳ đa dụng
- 2 tsp baking powder
- 1/3 tsp muối
- 200g đường
- vỏ cam bào (từ một trái cam)
- vụn vỏ cam khô 1 tsp
- tinh dầu cam 1/4 tsp
- vanille chiết xuất - vanilla extract 1/3 tsp
- canola oil 100ml (nhiều công thức cầu kỳ vegetable oil và/hay lemon oilive oil, tôi không có nên bỏ qua)
- 3 quả trứng gà

Trên đây là các thành phần nguyên liệu. Còn về công đoạn làm bột thì lần lượt như sau:

- Trộn đều bột mỳ + muối + baking powder, để riêng
- Thố lớn cho đường vô, bào vỏ cam vô và dùng tay chà mịn để vụn vỏ cam quện mềm vào đường
- Cho tiếp vào thố sữa chua, trứng, vanille chiết xuất, vụn vỏ cam khô, tinh dầu cam và đánh/quấy đều
- Từ từ trút hỗn hợp bột mỳ vào và quấy kỹ cho tới khi được bột bánh sền sệt sánh mịn đều
- Cho tiếp dầu ăn vào trộn tiếp rồi cho hỗn hợp bột trộn vô khuôn (lúc này đã được quết qua lớp dầu và lót đáy bằng giấy nến)
- Lò nướng đã được làm nóng trước đó và ổn định ở mức nhiệt 350 độ F, khuôn bánh cho vô và nướng bánh trong khoảng thời gian 50-55 phút.
- Sau thời gian đó, lấy bánh ra cho bạn ý thở. Chờ bánh nguội là có thể xà xẻo một miếng và rung đùi đánh chén :-)

(5)

Bánh thơm vị cam, ngọt dịu, xốp mềm.

Rất thực thà tôi chẳng thấy bóng dáng sữa chua đâu cả. Và so với bạn bánh sò thì tôi thấy bánh sữa chua cam này có cái sự mềm xốp dịu dàng chứ không phải xốp đanh, xốp chắc. Tôi nghĩ, hẳn là do sữa chua đi!

nhầm sữa tươi thành sữa chua thì có tiết mục
mình làm bánh sữa chua vị cam

thai style beef short ribs salad - salad thịt sườn bò nướng kiểu thái

(1)

Bình thường làm món salad bò nướng kiểu Thái - yum beef, tôi quen dùng flank steak. Bữa nay chuyển hệ, cho một đĩa salad bữa tối với eo hẹp rau củ, tôi ngại mần cả miếng flank steak lớn thì chuyển sang dùng thịt lọc từ một dẻ sườn bò non - short ribs.

Note ghi lại này không hẳn là về món thành phẩm. Mà như một đánh dấu về những chuyển hoá chậm rãi trong bếp của bản thân tôi. 

Thời gian qua tôi quá xao động, lên lên xuống xuống hết u sầu lại cáu kỉnh, làm cho cuộc đời mình trở nên khốn khổ một cách không cần thiết. Nhưng cũng với dòng chảy thời gian, xem ra trong những việc nhà, việc bếp đã thành routine, tôi đã dần dần chuyển hoá mà không hay. Các thao tác, những sự chuẩn bị, hành động nấu nướng, tất cả trở nên tự nhiên, và theo xu hướng giản hoá, với tinh thần bếp nhà có gì mình vui vẻ xài nấy. Nhìn đĩa salad bày ra sẵn sàng cho bữa tối, tôi bỗng nhận ra ơ kìa, chuyện hoá nhẹ nhàng!

(2)

Thịt lọc từ dẻ sườn bò non độ dày khiêm tốn, muốn lạng miếng thịt thành các lát mỏng không dễ, tính toán hồi tôi hài lòng với 8 phần chia miếng 4cm x 4cm và dày khoảng 06-07cm. 

Thịt nguyên miếng nhỏ vậy, không dần, được ướp với hỗn hợp cọng rau mùi và tỏi giã nhuyễn trong cối, chút xíu tiêu xay, mấy giọt dầu mè, và tạo mặn có bột muối tỏi cùng đôi giọt mắm để dậy vị. 

Thời gian làm bữa trưa tôi ướp thịt như vậy, cho hộp vô tủ mát. Tính đến lúc nấu cơm tối thì ướp thịt chừng 6 giờ đồng hồ.

(3)

Đến giờ chuẩn bị bữa tối, việc đầu tiên là chuẩn bị rau củ cùng nước sauce trộn salad.

- Trong bếp nhà còn nửa trái dưa leo Anh, tôi chẻ đôi dọc thân, bỏ đi phần ruột mềm rồi dùng dao tước vỏ củ quả để xắt thành các lát dưa leo dài và mỏng. 
- Cà rốt cũng được dùng dao tước vỏ để làm ra các lát mỏng, xếp chúng thật đều rồi dùng dao thái sợi nhỏ. 
- Hành hương tím thái lát thật mỏng.
- Rau mùi thái rối.
- Và ơn Giời, vì tuyết đã tan nên tôi có thể chạy sang vườn ông cha hàng xóm vặt mấy lá bạc hà tươi. Sau cơn đông giá thực thì các bạn này vẫn còn oải lắm, nhưng được cái là vị tươi mát bạc hà vẫn không vì thế mà kém duyên, đảm bảo tôn trọng tinh thần món salad bếp Thái :-)

Trừ hành hương, tất cả thành phần rau cỏ như vậy được cho hết lên một đĩa lớn. Còn về nước sauce trộn salad, việc chuẩn bị cũng thực đơn giản.

- Không có ớt tươi, tôi dùng tạm ớt khô cay Hàn Quốc, trộn bạn này với tỏi tép đã lột vỏ áo và lõi mầm, lại thêm chút vụn tiêu xay và đường, cho tất cả vô cối giã thật nhuyễn.
- Hỗn hợp gia vị đó được lấy ra bát tô, vắt cốt chanh xanh - lime và hoà với mắm cốt. Tuyệt đối không dùng đến nước.

(4)

Rau và sauce trộn đã chuẩn bị tốt, bắc chảo sắt lên bếp làm nóng, láng xíu dầu gọi là rồi nướng áp chảo thịt bò, tổng thời gian là 7-8 phút với hai lần lật mặt các miếng thịt.

Rau trên đĩa giờ lấy đũa trộn đều với nhau và khẩy sang một góc. Góc còn lại của đĩa bày các miếng thịt bò nướng lên.

Bát sauce trộn đã sẵn sàng bên cạnh, trút chỗ hành hương thái lát mỏng vào, đảo lên cho ngấm rồi rưới lên thịt bò. Chừa lại chút nước sauce để trộn một lượt với rau. Thế là xong!

(5)

So với lối làm thông thường, bữa nay tôi thiếu và bỏ qua kha khá thành phần.

Không lá diếp, vắng mùi tàu, thiếu húng Thái, cũng chẳng hạt mè rang.

Nhưng món vẫn đảm bảo tinh thần bếp Thái nhờ công lao của mấy bạn từ cọng mùi ướp thịt qua nước cốt chanh xanh và mắm pha sauce trộn salad cũng như mấy lá bạc hà lất pha lất phơ sau cơn bão tuyết!

(6)

Sau hôm nay tôi không còn cứng nhắc yum beef thì cứ nhất nhất phải dùng flank steak nữa.

Thịt lọc từ dẻ sườn bò non vô cùng mềm, mọng và ngọt vị.

Vậy đấy, tinh thần bếp có gì xài nấy và vui với gì mình có xem ra cũng khả thi hì :-)))

bữa trưa giáng sinh theo công thức của bà cố na-uy: dẻ sườn hầm với khoai tây nghiền và cải bắp

dẻ sườn hầm với khoai tây nghiền và cải bắp
một công thức bếp Giáng sinh Na-uy truyền thống
(1)

- Dẻ sườn được chiên sơ, vui vui sém chút cạnh cũng không sao, quan trọng là cho chút mỡ béo. Chỗ mỡ đó được bổ túc bột mỳ xào tới ngả nâu thì cho nước để làm thành hỗn hợp sền sệt - gravy sauce/brown sauce.
- Sườn cho vô nồi cùng với hỗn hợp sauce vừa làm, chế nước ngập và ninh trong khoảng 3 giờ đồng hồ.
- Trong lúc ninh sườn, chuẩn bị hai món kèm là bắp cải và khoai tây.
- Bắp cải rất đơn giản là cắt miếng lớn và luộc. Lấy phần lá rau để ăn kèm sườn.
- Còn khoai tây luộc chín, cho vô thố với sữa tươi, dùng máy đánh chạy tít mù cho tới khi được phần khoai nghiền ưng ý là xong.

Đĩa bày sườn, cải bắp, khoai nghiền. Rưới nước sauce lên. Trên bàn ăn sẵn sàng hũ nhỏ muối và tiêu xay. Thế là có một bữa cơm Giáng sinh đúng tinh thần lễ hội của bà cố Na-uy!

(2)

Đứng bếp làm món hôm nay, Lão Tiên sinh chưa thật hài lòng về món nước sauce. Theo ông là chưa đạt độ sánh/dày ưng ý. 

Cá nhân tôi thì thấy lỏng lẻo chút cũng chẳng sao. Quan trọng là vẫn đảm bảo mùi vị của sauce và trong tổng thể hài hoà của món bày đĩa, tôi thấy chẳng có chút khập khiễng nào cả!

(3)

Món này so với những phiên bản bữa tối Giáng sinh - hay chính xác hơn là đêm vọng Giáng sinh - được giới thiệu trên internet như là chủ lưu của bếp Na-uy truyền thống có ưu điểm là nhẹ hơn rất nhiều.

Lý do là trong các phiên bản phổ biến trên mạng nhện, ba rọi tảng hay dẻ sườn được nướng/chiên và do đó nặng nề dầu mỡ hơn.

(4)

Trong nhà của Tiên sinh có vài cuốn cookbooks chuyên bếp Bắc Âu. 

Lúc đầu tôi không để ý mấy. Vì ấn tượng bếp này đối với tôi là quá nhiều màu trắng đơn điệu, và hình như người ta rất thích luộc, luộc và luộc. 

Nhưng cái vẻ đơn điệu đó chỉ là lớp màn bao phủ bề ngoài. Đúng là khoai tây nghiền và cải bắp chần/luộc nhìn chẳng bắt mắt, dẻ sườn ninh cũng kém sinh động so với họ hàng của chúng chui từ bếp lò nướng hay chảo chiên nhưng chỉnh thể món mùi vị quả là đâu ra đó, rất tuyệt.

(5)

Bắp cải ngọt thuần vị rau củ quả chạy qua hơi nước nóng. Đậm đà hơn chút là khoai tây nghiền mượt mà ôm ấp chút xíu ngậy của sữa tươi. Thịt sườn ngọt, mềm, mọng, với nước sauce dịu ngọt. Không một chút  quá đà nào của béo dầu mỡ hay bơ sữa ở đây cả!

Nếu không hài lòng với cái sự ngọt tự nhiên nhàn nhạt, nhàn nhã đó, đã có tiêu xay và muối xay giúp cường vị bên cạnh.

Tất cả tuỳ thuộc và đầu lưỡi của kẻ ngồi bên bàn ăn :-)))

dẻ sườn heo rán qua lấy chút mỡ

dấu mỡ rán sườn được bổ túc bột mỳ

sắc nâu như ý, thêm nước làm thành brown sauce

cải bắp đơn giản là luộc

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

những không khí giáng sinh

thiệp Giáng sinh từ Gerry người đã rời thành phố nhiều năm
hẹn tái ngộ 2021 không phải đeo khẩu trang

(1)

Mấy tuần trước, khi tôi đạp xe lòng vòng trong khu phố, đã lơ mơ nhận thấy trang trí Giáng sinh xem ra kém "xôm", kém rộn ràng so với hồi lễ Halloween. Sau thì tôi lại tự nói với mình, hẵng còn sớm mà, chờ hồi sau sẽ rõ.

Cái gọi là hồi sau sẽ rõ đó, quả vẫn là èo uột. Vòng lá xanh gắn nơ đỏ treo ở cửa ra vào, cửa nhà xe, bên hàng rào to nhỏ nhiều vô kể xiết. Từ các cửa sổ nhà lộ ra cây thông cao thấp lấp lánh đèn màu không phải là hiếm. Nhưng đèn giăng bên ngoài nhà, trên các tán cây bụi, người tuyết, xe lộc tuần... trong thành phố biển này thực không thấy nhiều. Nhất là tối qua khi chúng tôi qua trấn bên, thấy bên đó mười nhà có tới chín nhà dù không quá chói mắt nhưng đèn dây vui vẻ đủ sắc màu. Bạn đồng hành nói, đúng là thật khác biệt vì những năm trước, trang trí Giáng sinh trong thành phố của ông thực là "quá đà", cho cảm giác như thể tất cả mọi người đều phát cuồng trong cuộc ganh đua nhà ai trang trí nhiều hơn, nhà ai trang trí đẹp hơn.

(2)

Từ trong thành phố nhỏ này sang mấy thành phố láng giềng, tôi tuy vậy lại có cơ hội nhìn thấy những dựng cảnh vô cùng đặc biệt, nếu không nói có chút dị, nằm ngoài mọi khuôn mẫu trang trí truyền thống.

Tỷ như có nhà bày ra một bày đoàn hồng hạc kẽo kẹt kéo cái xe trượt. Hay bà nghệ sĩ nổi danh trong khu phố giống như thể tiện tay cao hứng lấy hai cái đĩa giấy bôi đen sì mặt trong của đĩa rồi gán chúng lên cây nhỏ rụng sạch lá, nhìn từ xa như hai con ngươi trố thồ lố rất chi là doạ người. Giáng sinh xanh xanh đỏ đỏ nhấp nháy đèn vui mắt, bà đây lại biến cái cây của mình thành quái vật.

Ấn tượng hơn cả là đường sang trấn bên, nhà kia chơi một giàn người nộm kích cỡ người thật nằm ngồi la liệt trên nền sân ngập tuyết trước cửa. Santa Clause nằm duỗi trên ghế gỗ, băng bó chi chít chỗ dạ dày, giống một tay bợm lái xe quá tốc đỗ đâm vào cây vừa được nhân dân lôi ra khỏi xe cho nằm tạm chờ xe cấp cứu đến rước. Một bà lão đang nghiêng người mặt mày vặn vẹo đau đớn với một cô y tá đang khua chân múa tay trấn an. Rồi mấy bác mặc đồ lính cứu hoả và cấp cứu, bác nào bác nấy gầy nhom đang khẩn trương nếu không phải là tay đỡ đòn cáng cứu thương thì là đang kéo dây thang cứu hộ. Ở giữa cái màn sân khấu ly kỳ đó là mấy tấm biển cám ơn các "chiến sĩ tuyến đầu" đang ra sức phục vụ nhân dân mùa đại dịch. Nếu không có ông già Noel, tôi thực khó liên hệ cảnh này với Giáng sinh. Và hài hước nữa là lần đầu tiên qua đó, bạn đường thiếu chút thì dừng xe vì ông thấy trong gương thế nào ra cảnh có ai đó bị ngã cần được hỗ trợ. 

(3)

Tối qua ngồi hiên nhà hai bác già ăn cơm khách người run cầm cập vì rét, tôi kể chuyện nhận được ảnh chụp liên hoan của đồng nghiệp từ cô em nhỏ ở trường đại học thấy bà con vui vẻ hớn hở thì tôi thèm thuồng ra sao và tôi đã viết lại cho cô em rằng, thật là một xa xỉ lớn nếu so với không khí Giáng sinh ở xứ này.

Lúc đó, ông chủ nhà cười rộ, bảo tôi nói rất đúng nhưng chưa đủ. Ông bác bảo, mày phải nói thêm với bạn mày là ở đây mà làm vậy còn là bất hợp pháp nữa. Nghe thật đau lòng, nhưng quả chẳng sai tý nào!

(4)

TL điện thoại cho tôi. Tôi hỏi nó Noel [ở] nhà mình thế nào. Con bé em bảo, ngoài đường đông lắm, phần nhiều là sửu nhi. Thêm nữa, xung quanh thấy nhà nhà mua cây thông về treo châu giăng đèn trang trí ầm ầm. Còn quán xá chưng cây thông thì khỏi phải nói rồi.

Chuyện TL kể không ấn tượng bằng mấy tấm hình người người kề vai sát cánh tôi thấy trên mạng nhện, chỉ khác với các bạn chim cánh cụt là bà con xoay người bốn phương tám hướng, quần áo là lượt xuống phố chứ không đen sì sì một khối và nhất loạt cử động đều theo một con đầu đàn.

Như mọi khi, tôi nhận thấy mùi vị của cái não trạng đám đông dư thừa tinh thần lạc quan trộn với tự hào dân tộc khi đọc mấy lời bình cùng các phản đáp/phản pháo về không khí lễ hội mùa covid ở xứ mình. Phản ứng tức thì của tôi, chẳng khác chi khi nhìn ảnh bữa liên hoan của đồng nghiệp, siêu xa xỉ!

(5)

Từ Paris, thư của bạn về không khí lễ hội xem ra xám chẳng kém hiện thực tôi thấy tận mắt ở đây.

Ẻo lả lắm bà ơi, tết nhất ý. Tôi cứ nghĩ chỉ khu quanh nhà nó ảm đảm vậy, vì thấy trên tivi bà con vẫn tưng bừng lắm. Nhưng hôm nay có việc lên phố to, Champs-Elysées í, chả thấy gì cả, èo uột xám xịt đến thõng thượt luôn.

Bây giờ bà con đang túm tụm lại dò nhau xem hết Noel hay tết Tây lại sẽ phong toả tiếp.

(6)

Quay lại nhà biển, sau một ngày trời ít lạnh hiếm hoi là hôm qua, hôm nay mưa gió dầm dề. Tuyết hôm trước đống lớn đống nhỏ giờ đã tan ráo sau một đêm mưa lớn. Thành phố biển nhìn qua khung kính phòng khách mở rộng giống y chang một trấn ma, không một bóng người, xám ngoét.

Trong nhà, tôi thắp nén trầm kiếm chút huân hương ấm áp. 

Lão Tiên sinh ngồi chơi đến ván giải ô chữ không rõ thứ ba hay thứ tư. Chốc lát ông lại rời chỗ chạy ra ngó nồi nấu món trên bếp.

Hôm nay ông lão làm món Giáng sinh truyền thống của tổ tiên Na-uy nhà ông, món sườn heo với gravy sauce nâu từ bột mỳ và mỡ heo béo, ăn kèm khoai tây nghiền và bắp cải luộc.

Mỗi công đoạn xào bột mỳ chế gravy sauce hay chiên qua các dẻ sườn rồi thả vô nồi ninh, ông lão ời ời gọi tôi vào xem để biết. Ông bảo, để biết không khí và tinh thần Giáng sinh! 

Một lễ Giáng sinh khác thường, tôi bổ sung!

chờ hết Giáng sinh việc trang trí vẫn chưa xong