Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

cơn bão và sáng yên bình

(1)

Hôm qua lúc chiều muộn, từ ngoài hiên vô nhà, tôi nghe sóng biển đánh ì ào. Kể cho Tiên sinh, ông bảo, đấy là dấu hiệu báo mưa bão.

Tối về, sấm đùng đoàng, còn chớp giật qua cửa sổ dù tôi có quyết tâm dâng trào thì cũng không thể nào đếm xuể. Một tối kỳ lạ, cứ như vậy mà hoá sấm chớp khan, doạ nạt người nhiều hơn là cho mưa cho gió thật sự.

Sáng nay trời ẩm, có chút xầm xì. Gió thoảng nhẹ cho cảm giác mát mẻ. Có ông lão ngồi điền ô chữ ngoài hiên cứ chăm chỉ sau dăm ba phút lại ngẩng lên ngó trời rồi rờ sang cái ipad coi dự báo thời tiết. Không rõ sau bao bận như vậy, ông quay sang thông báo với tôi, một giờ nữa trời sẽ mưa, mưa nhẹ.

đợi cơn giông đến
(2)

Khi bạn sống cùng một người già, kịch bản có thể nhiều. Chúng lại càng phong phú và đa dạng hơn khi bạn thấy mình trong một hôn phối dị chủng.

Hẳn sẽ là hiếm hoi cái kết xung đột đến mức ông chồng choảng cô vợ và nhét xác vô tủ đá như vụ việc mới đây ở Houston, làm cho khối anh chị em vi-lốc có dịp ồn ào "chia sẻ" thông tin, mười người thì chín người bê y chảng mẩu tin ngắn chữ Việt từ một tờ báo mạng nhện của người Việt xứ này, và dù họ có mang chín kiểu biểu tỏ thái độ và chín phong cách phân tích, phán đoán, dự phóng [về tương lai của các hôn thú xuyên quốc gia và các cặp đôi khác biệt chủng tộc, văn hoá và tuổi tác] thì mẫu số chung xem ra vẫn chỉ là một.

Có một điều kỳ quặc rồi bỗng hoá thành bình thường khi tôi ngồi ôm cái chân đau và ngó qua một lượt mươi cái "chia sẻ" đó. Mọi thông tin thực rất mơ hồ. Hầu như các nhà bình luận và chuyên gia tâm lý tự phát, tự gán đều dứt khoát đặt định một hành trạng cuộc đời cho cô nạn nhân tội nghiệp: cô gái từ Việt Nam, không khôn ngoan nhìn ra vấn đề cách biệt tuổi tác mà lao vào cuộc hôn nhân xứ người và cái kết thảm như một lời cảnh tỉnh dành cho những nữ phụ đang mộng mộng mơ mơ ở quê nhà. Trong khi trên thực tế, tất cả những gì được công khai phổ biến chỉ là tên, tuổi của cô cùng chồng cô, sự tồn tại của một bé gái áng chừng tuổi lên mấy, và một chi tiết rất nhỏ là cô đã từng xin những lời khuyên từ mấy diễn đàn song bị bà con đồng hương coi câu viu, câu lai nên bỏ qua, không lấy chuyện của cô làm nghiêm túc.

Tôi chủ quan nghĩ, chính các kịch tác gia kiêm trình diễn gia kiêm nhà kinh doanh mạng nhện bấm nút kiếm tiền kia mới là những kẻ cầu viu, cầu lai. Ngoại trừ một anh chủ tiệm làm móng đưa tin ề à với rào trước đón sau, dứt khoát cái này là em chia sẻ chứ không phải để câu khách; các quý iu-túp-bơ còn lại ai ai cũng mặt mày nghiêm túc như mấy ông bà điểm tin diễn biến covid-19 và bạo loạn trên Fox News hay CNN vậy. Không phải là fake news, nhưng tin họ đưa rốt cuộc xem ra đều theo một logic, tin nóng, hót, giật gân và gây chú ý. Chấm hết tròn trĩnh.

(3)

Từ lúc tôi chui ra khỏi cái ổ của mình, đã kịp nghe ời ời tên mình hai lượt.

Lần đầu là được chỉ điểm cái thuyền cổ đang lừ lừ chạy qua trước nhà. Cái thuyền có lịch sử mấy trăm năm tuổi, sau ba năm kỳ công phục chế ở Mystic cuối cùng cũng được hạ thuỷ. Giờ ngày nào nó cũng chăm chỉ lượn đi lượn lại trên quãng hành trình từ cửa sông vòng vèo qua mấy bãi biển thành phố.

Lần thứ hai là để nhìn hụt một đồng chí hummingbird. Các bạn chim này cực lạ, hình như chúng quan tâm đến đám hoa đỏ nhiều hơn là nước đường dành riêng cho chúng trong mấy cái chai với nút hoa đỏ rực rỡ.

Ông lão làm xong bài tập trị liệu phòng ngừa bệnh đãng trí thì bắt đầu công việc tỉa tót loại bỏ đám hoa héo úa ở chậu hoa tím yêu thích của mình.

Rồi ông ề à đưa ra yêu cầu đối với tôi là phải di chuyển chỗ chậu rau mới trồng để ông có chỗ tiếp tục vệ sinh cái ghế dài ngoài hiên. Tôi ậm ờ mà trong bụng biết tỏng, kế hoạch này của ông cứ từ từ vài ngày nữa chắc gì đã triển khai.

Mà xem ra tôi có lý, vì sau lời yêu cầu liên quan đến rau và ghế dài xong, ông lão đã vẩn vơ mò ra vườn nhà ông cha hàng xóm vặt trộm một trái cà chín mọng, ba xoa hai chùi rồi cho vô tọt vào miệng với vẻ mặt vừa vô tội vừa hoan hỉ.

(4)

Chúng tôi không nói chuyện nhiều với nhau ngoài mấy thông tin qua lại như vậy và thêm vài câu tôi chọc chọt cái đầu mới được cắt tỉa của ông.

Mà nhân chuyện này, tôi phát hiện hoá ra mình mới là người chẳng buồn để ý đến cái dáng vẻ của bản thân. Trong khi bạn đời từ mấy tuần nay giống như bị ma ám, ngày nào cũng phải có vài bận làu bàu tại sao tóc tui lại vàng ruộm thế này.

Tóc được cắt, cái đám mớ sắc vàng kia được giải quyết gần như là triệt để, có chăng là chút tóc phần mái trước mà tôi không dám đụng tới vì nếu cắt phăng chúng đi thì sẽ lộ ra cái đà đang từ từ hói của ông lão.

Với sự trợ giúp của đám bằng hữu, từ hơn tuần nay, bạn đời đã có đáp án chắc nịch cho căn bệnh tóc ngả màu của mình: do ô nhiễm!

Và ông cũng tìm ra giải pháp rất oách để hòng quay lại được màu trắng hài hoà các vệt ghi nhỏ của mái tóc của mình: một món dầu gội được quảng cáo là bio với cái lịch giao hàng dài hơn cả quãng đường của một con sên băng qua đại lộ.

(5)

Chuyện cô gái Việt hay gốc Việt tội nghiệp kia ở Texas tôi mau chóng quẳng ra sau gáy. Cả cái màn tôi đã theo dõi với chút máu xỏ xiên và thuyết âm mưu tối qua mấy vị chủ kênh vi-lốc tôi cũng xếp vào thời quá khứ.

Thực tại trước mắt, cuộc sống đích thực của tôi, thời gian sống ngày ở ngay lúc này của tôi là hai cái đĩa và bát rếch, một bày thanh bánh granola và trái cam chuẩn công thức bữa sáng cùng cafe của Tiên sinh, một chứa các trái việt quất mua từ trang trại sạch ở NY nhân chuyến đi Massachusetts mới rồi của ông. À mà thêm cốc cafe đã cạn nữa.

Tôi có thể dám chắc là nếu tôi không rờ tay vào chúng thì chúng sẽ nguyên y tại vị cho đến hết thời gian của ngày.

Và tôi cũng không ngại cá cược là nếu nhắc nhở kẻ bày bừa thì ngay lập tức sẽ có người bày ra cái vẻ mặt của kẻ bận rộn với một bàn lỉnh kỉnh đám lọ đựng nước đường dành cho các bạn hummingbird đang chờ được vệ sinh sạch sẽ.

(6)

Chung sống với một ông lão, dù đã biết ông gần hai chục năm rồi, đối với tôi luôn là một bài tập-sống to đoành!

Đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn, rất nhiều chú tâm, rất nhiều chăm chỉ.

Và đương nhiên là cả tinh thần u-mặc nữa :-)))

(7)

Bão rồi cũng qua.

Tiết trời có nóng có lạnh, dở chứng bất ngờ không phải là chuyện hiếm.

Nhưng bỏ qua hết cả những phiền hà đó, thực thì ngày sống của ta nằm trong tay ta. Và những routine của ngày không hẳn đã là cái quyết định.

Quan trọng hơn cả là thái độ và ứng xử của chúng ta với cái khuôn khổ đó. Chấp nhận, thích ứng hay chỉnh lái đổi hướng đường ray, kêu ca phàn nàn hay thụ hưởng với chút sáng tạo và hài hước, xét đến rốt ráo vẫn là do chúng ta quyết định, hỉ!

cọ rửa bình nước đường mệt, ông lão tót đi mua máng mới cho mau lẹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét