Ở Hà Nội chuyện anh hớt tóc vỉa hè hay cô đạp xe móng dạo là chuyện quá đỗi quen thuộc. Đi trong mấy khu rìa phố cổ chuyển sang phố Tây, cứ cách chừng đôi ba mét, đảm bảo bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh quý bà, quý cô từ sồn sồn tới tuổi mầm mới nhú còn chưa kịp trổ mã ra hồn nhưng đã làm mày làm môi chìa chân to nhỏ, trắng đen, tròn nuột tới mỏng tang lưỡi mèo lên cái mặt ghế nhựa di động để một cô thợ làm móng dạo tác nghiệp ngay bên bàn cafe phố. Còn ở mấy "tiệm" cắt tóc vỉa hè, thường là cạnh một gốc cổ thụ hay chống mặt vào một cái rào, bạn có thể tiêu trọn thời gian một ngày nhìn không chán các thao tác hất lên cạo xuống xuống lia phải quẹo trái vô cùng nhuần nhuyễn, vô cùng nhịp nhàng của các bác thợ cạo thành đô với kéo, tông đơ, máy cạo và đôi khi, theo một phong cách siêu vintage, là cây cạo tay cũ mèm được quảng cáo đồ truyền đời từ ông bố khởi nghiệp thợ cạo sau ngày đổi mới.
Hồi mới gặp partner của D., tôi phì cười khi nhìn thấy mặt mũi ông anh, bình thường đoan đoan chính chính nói là lạnh tanh thì không phải nhưng nói chung là ngay ngắn chẳng tỏ bày bất cứ thái độ gì công khai, nhưng trước hai cảnh làm móng [chân] và cạo mặt khô ngoài vỉa hè thì bỗng trở nên vô cùng sinh động. Tôi cũng nhớ một ông nghệ sĩ Pháp quốc, chuyên gia đủ món từ điện ảnh qua thơ ca, nhạc hoạ rồi kiêm nghiệp cu-ra-to và buôn hoạ phẩm, cách đây gần 20 năm mặt mày đầy bí hiểm nói với tôi, tao sẽ làm một nghiên cứu về cách người Việt Nam phô bày và trình diễn sự riêng tư của mình ra ngoài đường.
Từ lâu rồi tôi không qua lại với vợ chồng ông nghệ sĩ đó nên không rõ có bộ phim ngắn hay cuốn sách nào được thai nghén và chào đời không. Trong thời gian đó, một phần không nhỏ của hành trình lêu lổng trong thành phố của tôi luôn là nhìn ngó không biết chán các cô thợ móng, các anh thợ tóc và những khách hàng của họ. Tôi thấy mình ở trước một sân khấu đường phố đầy sắc màu biểu tỏ vô cùng sống động và không bao giờ lặp lại. Bạn sẽ không bao giờ biết được quý bà làm móng sẽ bô lô ba la những gì về thằng bồ mới tậu của mình bên cạnh bạn cafe của mình, cũng chẳng thể nào ngừng bất ngờ trước màn tường thuật với nước miếng văng đầy và tay khua loạn xạ của ông khách mặt đầy bọt về bữa tiệc đêm mừng đội banh nhà ta thắng trận tối qua.
Tôi yêu thích Hà Nội như vậy, với tư cách là một kẻ quan sát có chút vụng trộm và một bồ suy nghĩ xỏ xiên méo mó trong dạ. Vì tôi không làm móng, không cắt tóc, nhà cũng chẳng cạnh một tiệm cafe hay gốc phượng trước cửa chẳng có thằng ma nào bén mảng đặt cái gương, cái ghế cùng hộp đồ nghề, nên dứt khoát tôi không cảm nhận được những bất tiện hay phiền phức của mấy ngành nghề chăm sóc [nhan sắc] đường phố thế này. Tất nhiên, tôi cũng không ít lần nghe người này người nọ phàn nàn phải bỏ ly cafe uống dở hay chuyển chỗ vì mùi sơn của con mụ làm móng bên cạnh khiếp quá, hay một bác già càu cạu cầm chổi doạ cậu thợ cạo lần sau mày không quét tóc ngay thì bà đây cho mày biết tay.
Hôm rồi nghe nói chuyện ở California, thợ làm móng, phần nhiều là người [gốc] Việt, sẽ phải làm bên ngoài cửa tiệm. Sang hôm nay, ngó chơi mấy đoạn video, chưa đến mức nail dạo - mà cái này hẳn luật không cho phép - nhưng nail vỉa hè thì thật là đúng rồi!
Tôi không rõ thời tiết ở bên tiểu bang đấy thế nào. Nhưng chủ quan mà nói, tôi nghĩ việc này không phải là vui! Giờ còn là mùa hè, còn nương tựa được cái mái che, mấy cây quạt nhỏ cùng gió nhẹ ngoài trời. Nhưng mà nóng dzãy, bão bùng rồi sau nữa là mùa lạnh ập tới thì không rõ bản tiệm cùng khách hàng xoay xở thế nào.
Coronavirus không hình dạng cướp đi sinh mệnh người không nói làm gì. Nhưng với những người đang sống, sức huỷ hoại ngấm ngầm của nó, cả về đời sống hình lý mang tên kinh tài lẫn đời sống tinh thần tình cảm, thật kinh khủng, ngoài mọi dự phóng mà con người có thể tưởng tượng ra - nếu không nói đến một cáo chung sặc mùi bi quan kiểu ngày tận thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét