Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

cú ngã, cuộc thám hiểm dở chừng, các tấm vải ghép và miếng vá

(1)

Chuyến đi nhà rừng lần này có chút đặc biệt so với những lần trước. Xe đạp mang theo không phải là một mà là hai, với ít nhất là hai ý tưởng lộ trình: đi xuống núi và ngó loanh quanh trong vùng; đến Pittsfield để đạp xe theo con đường ven sông nổi tiếng.

trước giờ khởi hành
Được già nửa đường, bác tài phát hiện quên ví tiền ở nhà. Không có ví tiền không mấy ảnh hưởng đến cái bao tử của chúng tôi vì trong mùa dịch bệnh này còn đâu khả năng ăn ngoài, thêm nữa là lỉnh kỉnh túi hộp thực phẩm và gia vị tôi chuẩn bị mang theo đủ để chúng tôi sống sót.

Vấn đề nằm ở chỗ thẻ trong ví đảm bảo sự an toàn có tính tượng trưng, như để mua xăng hay nước uống chẳng hạn, và đặc biệt nhất là bằng lái xe, vốn đã quan trọng song lần này còn quan trọng hơn vì xe vẫn trong giai đoạn chờ xử lý giấy tờ đăng ký quá hạn.

Pittsfield cứ như vậy mà bị loại khỏi danh sách điểm đến, miễn cho trên đường loạng choạng gặp phải mấy chú cảnh sát giờ bỗng trở nên hiện diện hơn do mùa lễ hội.

(2)

Đường đạp xe xuống núi có một đoạn trải đá dăm chứ không phải là đường đổ nhựa. Hàng năm hạt cho xe đến ngào đôi ba phát đảm bảo tạo hình sống trâu ở giữa và thông thoáng hai bên lề tránh để nước đọng.

Hai nhà trên núi phải đi lại qua đoạn đường này, một thích thú với con đường đất hiếm hoi còn sót lại trong toàn bộ tiểu bang, một không ngừng thổn thức tại sao ngân sách tiểu bang và hạt không ráng chi thêm chút đổ nhựa cho cái khúc ngắn bỏ sót này.

Đường dốc trôi tuột cộng với đá dăm lổn nhổn và kinh nghiệm dùng phanh xe không tốt của tôi cho kết quả là đi chưa được dăm chục mét, con giời ngã oạch một cú hoành tráng. Tức thời, tôi cười toe toét, không sao đâu, mình đi tiếp nhé.

(3)

Xuống đến chân núi, chúng tôi chạm mặt anh hàng xóm mới, chủ nhân ông của ngôi nhà được rao bán rả rích mấy năm trời với giá trên trời. Chẳng có mối liên hệ nào giữa một ông chuyên bất động sản và sống ở một trong những cái làng giàu nhất xứ cờ hoa với một tay gầy gò, áo phông quần cộc dép xỏ ngón lem nha lem nhem cuốc bộ dọc theo con đường lớn. Từ trong khuôn viên nhà sau lớp rào cây ầm ĩ tiếng người lớn và trẻ con, ông chủ nhà giải thích, giờ đang mùa hè, bọn tao cứ tụ tập lại cho qua ngày chứ ở NY thì có làm gì được đâu.

Hàng xóm trẻ và hàng xóm già, một ông chân núi một ông trên núi, một ông nhà thuộc đất NY một ông nhà trong địa phận Massachusetts, điểm chung là đều ề à dư dả năng lực buôn dưa lê. Tôi đứng ôm cái xe cả một góc giờ đồng hồ, nhìn ruộng ngô mãi cũng chán thì ngó xuống chỗ chân bắt đầu tê tê đau và có cảm giác ướt dính do chảy máu. Dưới đầu gối quần chút lộ ra chi chít lỗ thủng do bị đá dăm ghim.

Xã giao rồi cũng kết thúc, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá dấu vết của tuyến đường sắt chạy bằng đầu máy hơi nước từ NYC đến nơi này bắt đầu. Đường mỗi lúc một hẹp, từ rải nhựa trơn nhẵn chuyển thành đất cỏ ghập ghềnh, âm u và ẩm ướt.

Tôi nhìn thấy những vết lốp xe đạp hằn trên nền đất ướt, cảm thấy có chút phấn chấn và động lực để đi đến tận điểm cuối. Nhưng cuối cùng, cơn đau mỗi lúc một trở nên rõ rệt và thắng thế. Tôi nản, kêu bỏ cuộc.

(4)

Rời con đường đất dẫn tới ga tàu hoả gần một thế kỷ trước, chúng tôi quay lại ngã ba nơi bắt đầu của sự văn minh với đường nhựa êm ru, phẳng lỳ.

Bạn đồng hành chỉ cho tôi ở đằng xa trên đồi một cơ ngơi bề thế nơi hơn nửa thế kỷ trước nổi danh khắp giới đại học xứ cờ hoa vì là chốn tụ tập kết giao và truyền bá các quan điểm mác-xan cùng mác-xít.

Ông chủ nhà đó giờ đã thành người thiên cổ. Trang trại của ông giờ đã thay tên đổi họ và trở thành một trong những nhà trọ tên tuổi của vùng du lịch này.

(5)

Sau cú ngã và chuyến thám hiểm gần nhà không trọn vẹn, tôi khập khiễng đi lại từ trong nhà ra ngoài hiên, một đôi lần lề rề đi bộ men theo trảng cỏ xuống mép rừng coi như là luyện tập thân thể.

Thời gian còn lại của các ngày không ít dành cho khâu khâu vá vá.

Giờ hai đoạn ống quần ghép vải tam giác cho TL đã hoàn tất. Cái quần thủng lỗ chỗ do đá ghim trong cú ngã xe xuống núi cũng đã được che đậy tinh tươm.

(6)

Tôi tham lam muốn lưu lại những nhịp chuyển của các ngày trong rừng, như là một dạng nhật ký đánh dấu những thay đổi vi tế trong chính đầu óc, tinh thần của mình.

Muốn là vậy nhưng thực là bất khả. Có rất nhiều điều thực tế tôi cảm nhận và sống chúng theo một cách hết sức trực tiếp, tự nhiên và tức thời chứ không phải là qua cái màng lọc của lý trí hay của những sắp xếp hậu kỳ. Và ngay khi tôi ghi chúng lại, kể chúng lại, thì sâu xa trong bản thân mình, tôi biết là câu chuyện đã ít nhiều bị xuyên tạc.

Ở giữa hai thái cực, sự-việc-như-chính-nó-là và sự-việc-được-tái-hiện, tôi chọn cách làm thủ công, có chút ẩu tả. Đó là được chăng hay chớ, nhớ gì ghi nấy.

Để đến một ngày, quay lại đọc cái note nhỏ này, có đứa dở hơi ồ à, hoá ra mình đã từng ở đó, đã từng thấy !

chân đau không đạp xe thì ta ngồi ề à ghép vải :-)
con nhà nghèo - chuyên gia mặc quần áo vá :-)))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét