Thứ Hai, 13 tháng 7, 2020

đa thiểu thiểu đa - tuỳ thời tuỳ tính

(1)

Tôi coi đoạn phim ngắn về một bà cụ nghệ sĩ người Nhật, chuyên gia nhuộm vải, người đã hoá phép một diện tích nhà đâu chừng 400m2 thành một nhà-bếp mở. Nhà to, ngập sáng, với rất nhiều món đồ cho nhà bếp, bàn bếp, nhìn rất thích.

Lại nữa, thi thoảng rờ rẫm mạng nhện, tôi mở to mắt, thiếu chút chảy nước miếng trước các sưu tầm đồ bày bàn bếp, đặc biệt là mấy món thuộc phạm trù trà cụ - cốc chén gốm sứ và ấm chế trà.

Đó là một thái cực của đa. Một sự đa đẹp đẽ và với tôi là gợi nhiều cảm hứng cũng như cả đôi chút  sở cầu.

(2)

Song cũng có một thái cực của thiểu. Một sự tối giản đẹp đẽ và cũng đầy sức mạnh cảm hứng, cũng vô cùng mời mọc một hành động thực hành ngay tắp lự.

Câu chuyện của bạn nhỏ Chi Lan với hai cái nồi - chảo và vẫn sống rất ổn, rất tốt sau khi đọc cuốn sách của Mục sư Charles Wagner, luôn là một ví dụ rất hiện thực và rất đẹp đối với tôi.

(3)

Trong bếp nhà biển của bạn đánh chén, tôi tính sơ có gần hai chục cái chảo các loại với nhỏ to kích cỡ, chất liệu, và mục đích đủ loại.

Năm trước tôi rất khó chịu mỗi khi định làm món gì thì luôn phải tuân thủ quy trình hỏi-đáp, cái này dùng cho món này có được không, để miễn làm hỏng đồ thì phải tội.

Đến năm nay, tôi phát hiện hoá ra mình chẳng cần hỏi han chi nữa. Hầu hết thời gian nấu trong bếp, tôi cứ quay tít thò lò một cái chảo sắt cũ mèm, lem nha lem nhem dính bụi dầu mỡ thời gian, và đặc biệt là chắc đến mức sét đánh cũng không sứt.

Phải mất một đoạn thời gian tôi mới làm chủ được  - cái chảo coi rất tầm thường này. Rán, om, ninh, kho, đôi khi là với nắp đậy vay mượn từ một cái nồi nấu trong bếp, tôi đều có thể dụng tới bạn này.

Món hồi đầu rán bảo sao dính chảo, bảo sao mau sém mau cháy. Được hồi thì ồ à, tại mình dốt và ẩu. Tôn trọng phép canh thời gian - kiên nhẫn, trông chừng lửa cho khéo, chả có dính cũng chả có cháy, món làm ra thập phần như ý.

Chuyện hay ho ở đây là dù tôi chỉ tèng teng làm xiếc với một cái chảo thì cả Chi Lan lẫn ông cụ Charles Wagner không phải là lý do hàng đầu. Đơn giản, tôi ngại phiền phải hỏi lặp đi lặp lại về công dụng của mỗi loại chảo trong bếp - bài học tôi vĩnh viễn ngu không bao giờ nhớ được sau thời gian mỗi nửa ngày.

(4)

Tôi không phủ nhận sự thực là tôi vẫn rất nhớ các món đồ sứ và gốm đa dạng hình thù, màu sắc cùng motif trang trí quái dị của mình ở nhà Hà Nội.

Tôi cũng chẳng giấu diếm việc đôi khi ngâm nga chế một bình trà to chảng trong cái bình Bodum tôi vẫn tự mỉa mai bản thân sao mà thô mà tục và chính xác thời điểm đó, trong đầu tôi phơ phất hình ảnh góc kiệm sáng an tĩnh với một bộ trà cụ vừa thanh vừa giản hứa hẹn miếng nước trà vô miệng thơm và ngọt sâu hậu vị.

(5)

Câu chuyện đa đa thiểu thiểu, tôi chẳng cho là có thể phán toạch một câu kiểu dao pha chém xuống, rằng chỉ thế này mới là tốt và thế kia thì dứt khoát là xấu.

Ai theo đuổi cái đẹp, thích sưu tầm cứ việc. Mà ai lẳng lặng thực hành phép trừ phép loại đối với đám đồ vật bao tủa, ngập ngụa cuộc sống của mình cứ tiếp tục.

Ở mỗi hoàn cảnh cụ thể, ở mỗi thời đoạn cuộc đời, do tác động của môi trường xung quanh hay do một thúc giục nội tâm, do tính toán thiệt lợi kinh tế hay sự truy đuổi giá trị sống, giá trị thẩm mỹ chi chi... túm lại là với các biến tập hợp hoàn cảnh khác nhau, tuỳ thời tuỳ tính mỗi người, mà chúng ta có thể xê dịch từ đa về thiểu, từ thiểu tới đa.

Mà cũng có thể là vấn đề này chẳng hề đặt ra với không ít người, những người mà khả năng cao là khách hàng thân thiết của các nhà sản xuất và kinh doanh các sản phẩm gia dụng được sản xuất đại trà số lớn, kém đẹp, ít bền và phần nhiều là không thể tái chế.

Không kinh tế, chẳng đạo đức, life style cũng không nốt. Câu chuyện của mỗi người, mỗi nhà trong mối quan hệ của anh ta/cô ta hay họ với các món đồ dùng trong nhà, trong bếp luôn được để ở số nhiều, vô cùng phong phú, vô cùng đa dạng như thế đấy!

chảo cũ thần thánh và quyền năng trong bếp nhà biển là đây :-)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét