(1)
Gần tuần nay tin tức về covid-19 xứ cờ-hoa ngả xám xịt. Số ca nhiễm mới tăng vọt ở không ít tiểu bang khi tiến trình mở cửa trở lại thậm chí còn chưa kết thúc. Vài bang liên thủ đối phó tự bảo vệ mình trước những người đến từ các khu vực "nguy hiểm".
Một ông chuyên gia được phóng viên hỏi về tính hiệu quả và năng lực của lãnh đạo cấp liên bang trả lời tắp lự rất đáo để, nào có khỉ mốc gì. Sang chủ đề về khả năng xoay sở của các vị thống đốc tiểu bang, ông bảo loạn cào cào.
(2)
Trong khi đó, anh chị em biểu tình vẫn chưa hết cơn hăng hái xuống đường. Tin tức về giật tượng, hạ tượng và về các thảo luận, tranh luận hậu-tượng xem ra vẫn nhiều. Ở cái thành phố bé tý xíu này, dù ông Columbus đã không còn đứng ở ngã tư đường thì cơn sốt hạ tượng xem ra vẫn còn cao lắm. Hội đồng thành phố quyết tâm bảo vệ ông, hay nói chính xác là tượng ông. Ông ở đâu là một bí mật [cấp] thành phố.
Không bàn đến tượng của mấy ông tướng hay ông tổng được xem là liên hệ với lịch sử nô lệ tối tăm, chỉ nhõn một thám hiểm gia này cũng đủ gây òm sòm tranh cãi, chia phe. Không ít người gốc Ý bất bình vì biểu tượng cho vị thế, cho tự hào của họ trong cái nồi lẩu hợp chủng quốc này bị phá huỷ, bị làm cho sứt mẻ. Một số người bảo, ông ý ác là chuyện ông ý ác, nhưng ông ý phát hiện ra người "Ấn Độ" ở đất Mỹ châu này thì ai có thể phủ nhận, chúng tôi vinh danh ông ý vì điều đó. Lại có vài vị hiền hoà, kệ mịa nó, lịch sử là lịch sử, ông ấy đã ở đâu thì cứ để yên đó. Hay có người lập luận, tôi cóc quan tâm chuyện chính trị lịch sử văn hoá quốc gia, với thành phố này, với cộng đồng này, ông ý là một dấu chỉ lịch sử và văn hoá, các vị đừng có mà làm quá.
(3)
Từ mấy năm nay thực thì Columbus Day đã được/bị khối người thay bằng Indigenous Peoples Day. Nhưng bị ghét hay được yêu thì Columbus vẫn là một khuôn mặt lịch sử.
Và có câu này của nhà cách ngôn Stanislaw Jerzy Lec xem ra đáng để ngẫm nghĩ, đại ý rằng các bác phá tượng [đài] thì cứ phá nhưng đám trụ đế thì các bác làm ơn giữ lại giùm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét