Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021

mỏ neo và nguyên khí

(1)

Tôi tâm trạng không tốt, muốn nhắn tin hỏi thăm Chị TM ở Sài Gòn mà cứ lần khân, mãi hôm rồi mới gõ được mấy chữ. Chị trả lời, "đang cải thiện dần dần, ngày một khá hơn". Lời ít ý nhiều, tôi đọc xong tin nhắn của Chị thì yên tâm.

Nhưng đấy là chuyện người thực việc thực. Còn khi thay phiên chuyển dịch vị trí của mình, hoặc một công dân khán giả của truyền thông quan phương hoặc một nhân dân hóng hớt mạng nhện dân gian thì tôi chẳng còn biết neo đậu vào đâu nữa cái sự nhận thức của mình.

Cứ lấy luôn Sài Gòn làm ví dụ!

(2)

Chính thống nói, dân "bỏ bom", đặt hàng rồi cóc chịu lấy. Dân bảo, đặt hàng rồi chờ mỏi cổ chẳng thấy đâu. Ai may nhận được hàng thì không ít trường hợp trong số đó nhận muộn, hàng thiếu hay chất lượng không được như ý. 

Chính thống dẫn lời đại biểu nhân dân [hẳn là thuộc nhóm có "hạnh kiểm công dân" nói theo kiểu Tàu] để "đập" lại những nhân dân "đòi hỏi", rằng thì là mà không [chết] đói là may roài, giờ còn đòi này đòi nọ rườm rà chi chi. Dân làu bàu, tụi tui trả tiền chứ có xin đâu. 

Chính thống dẫn lời quan y tế nói tử vong nhiều vì người chăm sóc FO ở nhà không chịu để ý khi người bệnh có các dấu hiệu ho ra máu hay tím tái người gì đấy. Nghe thoáng thì chẳng sao, nhưng nói đi nói lại không khéo lại là lỗi hoàn toàn chỉ ở dân sao (?) Nếu không vì hoàn cảnh, đảm bảo chẳng có dân nào dám để FO ở nhà tự chăm sóc. 

Rồi dân thiếu thốn, không nói là "đói" nhá vì từ này "nhạy cảm", thì muốn đi gặp cán bộ địa phương để hỏi. Chưa thấy cán bộ đâu thì dân bị quy là "phản động". Ơ, nếu cứ úp chụp thế này thì không khéo Sài Gòn mấy bữa nữa đầy rẫy phản động chẳng chơi à. 

(3)

Lúc ngồi trên máy bay trở về Hà Nội từ Thành phố Hồ Chí Minh sau hơn 2 tuần cách ly tập trung ở Bình Dương, tôi đọc được một đoạn trả lời phỏng vấn của cô hoạ sĩ Nhật có tiếng ở Việt Nam - Saeko Ando khi cô được hỏi nghĩ sao về dịp Tết Nguyên đán (2021) đang tới gần. 

Lời là của thời điểm trước Tết Nguyên đán. Tôi vẫn còn chuếch choáng sau hơn một năm mắc kẹt ở Mỹ, chẳng rõ những hành khách khác vô tình đọc bài phỏng vấn này có cảm giác gì, nhưng mấy câu mấy ý trả lời của cô hoạ sĩ thực để lại một ấn tượng mạnh đối với tôi.

Và đến hôm nay, nhớ lại những lời này, tôi thấy mình như quay trở lại cơn chuếch choáng tưởng đã đứt được cơn sau vài tháng sửng sốt rồi thả lỏng bản thân trước một Hà Nội ồn ào, vô tư, hồn nhiên như chưa từng có dịch covid.

Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tới tất cả. Tôi rất lạc quan và cố gắng coi đây là dịp để chúng ta chiêm nghiệm về cuộc sống và thay đổi theo hướng tốt hơn. Tuy nhiên, mọi người đều đang dần kiệt sức.

Trong tiếng Nhật, ốm đau, bệnh tật gọi là "byo ki" (bệnh khí). Sức khoẻ hay tinh thần tốt gọi là "gen ki" (nguyên khí), "khí" nghĩa là "không khí", "hơi thở", "tinh thần". Chúng ta đang rất cần "khí" sạch. Tết Nguyên đán chính là cơ hội tuyệt vời để tất cả thay đổi "khí" của mình. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét