Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

ngày 14 tháng cô hồn: nghe gì, thấy gì

sinh hoạt thời giãn cách
hóng tin có trà, có kẹo rất xôm
(1)

Đài truyền hình to, các anh các chị mờ-xê của chương trình thời sự vẫn thuỷ chung phong cách khoa tay loạn xà ngầu, nói năng kẻ thì cố gồng mình ra vẻ ta đấy dzí-dzỏm người lại chực văn vẻ thi ca, váy xống đầu tóc và phấn son trét mặt chẳng hiểu là cái kiểu xờ-tin gì. Tin về dịch bệnh nếu chỉ xem qua đúng kênh này, người lơ mơ hồ đồ như tôi bỗng được thăng hạng lơ mơ hồ đồ.

Mấy hôm trước, tin tức qua người quen về Sài Gòn đã xám xịt rồi mà trên cái đài này vẫn có ai đó ngâm nga bài ca năm anh em. Rồi trong tin đưa về một cuộc họp của chính phủ, tôi kiên nhẫn ngồi nhìn cái hộp đen liền mấy phút thì thấy có chút gì đó là lạ khi ông quan ngoại giao ra sức nhấn mạnh ngoài kia tình hình covid thảm thế nào - cứ như là để cho thấy chuyện xứ mình chưa là cái quái gì, tiếp đến ông quan phúc lợi lời to ý rõ phần lớn đồng bào ta đã nhận [đủ] tiền hỗ trợ.

Còn hôm nay cận rằm tháng Bảy, nhà đài đưa tin dài mấy phút về lễ cầu siêu các nạn nhân qua đời về covid của cái học viện đạo Bụt to trong đó có cảnh hai ông sư mắt đảo liên láo. Tôi kính Phật nhưng rất hiếm khi có được thiện cảm thực thà với các ông bà từ tu sĩ tới Phật tử tự phong đã từng gặp. Hai ông sư quốc doanh này chẳng rõ cao thấp vị thế thế nào nhưng cái cách họ phát ngôn - mắt đảo hẳn là do đọc lời ghi sẵn - và cái nội dung họ phát ngôn - với đầy mùi tình thế tục làm tôi phì cười. Cười chán thì tôi lại xỏ xiên liên hệ và phát hiện, chuyện này thế mà hay, Nhà nước thế tục xứ ta thật hài hoà và thống nhất tông giọng, ít nhất là trong quan hệ của các ông chính quyền và đạo Bụt đã được đoàn kết lại một cách quan phương.

(2)

Đường tin chính thống, đúng lề [phải] nó là vậy. Còn đường đi của tin tức trong dân gian thì y như cái chợ.

Tôi luôn bảo lưu quan điểm người xứ mình quá dễ dãi trong biểu tỏ từ cảm xúc nhất thời qua suy nghĩ tạm coi là có lý trí, và thêm nữa là "chơi" phếch-niu ác liệt, nếu không phải là nhất thì cũng là trong tốp-ten thế giới. Thế nên tin dân gian có nhảy nhót trước mặt, tôi cũng lại là lơ mơ hồ đồ nốt.

Chẳng qua khác biệt to so với việc xem tin lề chính thống là dưới nhãn kính mang tên "nhân dân", mọi thứ giờ chẳng xám như mấy hôm trước nữa mà là đen kìn kịt. 

Nhìn cảnh bà con mua đồ trước một cú "siết" nữa, tôi đủ phần không-ngu ngốc để thốt lên mấy câu ý như sao mà "ngu" thế. Tôi nghĩ, nếu mình ở đó, hẳn mình cũng "dũng cảm" lao ra đường. Nhất là khi nhà có em bé hay người già đau yếu, vì mối lo, sự sợ hãi trước một viễn cảnh không đủ đồ ăn thức uống cùng thuốc thang cho người thân trong nhà là những mối lo, sự sợ hãi chân thực và chính đáng.

Chả biết đất Sài Gòn và người Sài Gòn rộng rãi hào sảng thế nào nhưng chuyện cái vỏ bình oxy rõ ràng là đáng buồn. Chả biết chính quyền Sài Gòn giàu có thế nào mà giờ, tin này hoá lại là nhân dân đưa lại báo chính thống nhá, các quan phường quan ấp thực thà chia sẻ chúng tôi thống kê và báo cáo từ lâu rồi mà đến giờ chỉ có một phần các hộ thuộc diện trợ cấp được hỗ trợ. 

(3)

Từ Mỹ, tôi về đến Sài Gòn làm xong mớ thủ tục và giết thời gian mấy giờ chờ đợi ở sân bay xong thì được nhét vô xe đi Bình Dương cách ly tập trung hơn hai tuần. Từ Sài Gòn bay ra Hà Nội, tôi thật thà tự cách ly thêm ba tuần, vừa là do chính bản thân giữ ý giữ tứ, vừa là do chính chút "áp lực" từ vài đồng nghiệp của TL, những người biết tôi về từ vùng có dịch.

Sau hơn một tháng cách ly và tự cách ly như vậy, tôi bước ra khỏi nhà, đi vào phố, lơ ngơ như một con dở. Gặp vài người, nói dăm ba câu chuyện, tôi được một bạn nói nhỏ vào tai, mày đừng có dại gì mà nói chuyện dân mình "chủ quan" covid.

Hiểu ý bạn, tôi im tịt cái miệng. Đâu được mươi ngày thì chính tôi thấy mình cũng thả lỏng, cứ như thể covid chưa bao giờ tồn tại trong thành phố này.

(4)

Rồi chuyện cứ từ từ xấu. Xấu một cách từ từ.

Lần cuối cùng qua tiệm đồ vải quen, tôi ấn tượng mãi câu nói của cô chủ. Đại ý là con covid nó chẳng phân biệt từ quốc gia tới người dân, rằng thì là mà chúng mày giàu hay nghèo, mạnh hay yếu, theo tôn giáo tín ngưỡng nào, theo đảng phái chính trị nào, nam nữ già trẻ ra sao. Và nữa là nhà mình [Việt Nam] thực lạ là chủ quan và thích "chê người" để "sau người cười". 

Cô chủ tiệm dẫn chuyện mình vừa cười chê Mỹ đế thì bùm, Việt Nam dính một chưởng. Rồi gì gì nữa trước khi cô dự báo, cứ cười Ấn Độ đi, ai mà biết mình đợt tới thế nào.

Giờ thì sao? Tôi nhớ lại cuộc trò chuyện đó, hay chính xác là những lời cô chủ tiệm nói. Và rùng mình!

(5)

Từ lâu tôi đã học được một bài học to là tự mình - tất nhiên là không tính "ỷ lại" vào gia đình mình nhá :-)

Cái sự tự mình đó vừa có ý tứ là để không phải luồn cúi trước kẻ khác và/hay mang nợ người khác. Nhưng đồng thời nguyên tắc có tính đúc kết kinh nghiệm này còn có một hàm ý là "tao đây [đ]ếch tin thằng nào con nào cả". 

Nhìn và nghe tin Sài Gòn, tôi bắt đầu tính toán, trong danh sách mua thực phẩm cần bổ sung cho bếp nhà, hai gạch đầu dòng gạo và mắm như TL và tôi nhất trí với nhau từ hôm qua giờ phải thêm ghi chú rõ về số lượng/khối lượng, để đảm bảo nếu tình hình xấu tới mức ai ở đâu ở yên đó theo đúng nghĩa đen chặt chẽ của từ thì chúng tôi có thể ngồi im trong nhà mà ăn cơm rưới mắm giết cái thời gian mang tên lốc-đao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét